Những chiến sỹ Cao Bằng góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 (kỳ 9)

Sáng mãi hào khí Trường Sơn trên mặt trận B3

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng ký ức một thời hoa lửa trên dải Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại vẫn vẹn nguyên không thể nào quên trong tâm trí của những người lính năm xưa. Bước sang cái tuổi hơn 80, mái tóc bạc trắng, mắt mờ chân chậm, nhưng ông Nguyễn Đình Khơn, tổ 6, phường Tân Giang, Thành phố luôn nhớ những tháng ngày gian khổ, đầy hào hùng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà ông và đồng đội đã tham gia. Để đến hôm nay, trong không khí hân hoan cả nước đón chào kỷ niệm 50 năm Ngày Gải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2025, thì những ký ức, những kỷ niệm đó lại trào dâng mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Sống trọn ký ức Tây Nguyên

Cho chúng tôi xem những kỷ vật đã từng gắn bó suốt thời quân ngũ là những bức ảnh in đậm dấu ấn năm tháng tại chiến trường, tấm giấy nhỏ chứng nhận được tặng thưởng huân, huy chương đã đổi màu vì thời gian, đến các huân chương cao quý được Nhà nước trao tặng, ông Khơn chia sẻ: Đây không chỉ là những thành tích ông đã đóng góp trong cuộc kháng chiến mà còn lưu giữ ký ức về một thời tuổi trẻ ông và đồng đội đã sống, chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp.

Năm 1967, lúc đó 24 tuổi, chưa lập gia đình, ông Khơn đang công tác tại Ty Thủy lợi tỉnh Cao Bằng nhận được lệnh chuẩn bị vào chiến trường miền Nam. Sau khi tham gia huấn luyện 3 tháng, ông lên đường đi B, vào mặt trận Tây Nguyên (mật danh B3), Trung đoàn 66, Quân đoàn 3, thực hiện nhiệm vụ hậu cần, vận chuyển lương thực, đạn dược, dựng kho, nấu ăn, phục vụ chiến đấu.

Ông Nguyễn Đình Khơn (ở giữa) cùng các đồng đội tại chiến trường.

Ông Nguyễn Đình Khơn (ở giữa) cùng các đồng đội tại chiến trường.

Ngày 15/9/1967, khi Bộ Tư lệnh Chiến trường quyết định chính thức chuyển vào giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, công tác vận chuyển gạo đạn và cơ động lực lượng chiếm lĩnh trận địa, làm công sự diễn ra bí mật nhưng rất khẩn trương. Khu vực mở chiến dịch nằm trong tầm khống chế của hỏa lực pháo binh và máy bay địch, dưới trời mưa tầm tã, bộ đội và dân công phải đi xa chặt hàng vạn cây lồ ô, nứa đan phên lát hàng trăm kilômét đường thồ, làm dàn ngụy trang ở những đoạn đường trống. Do nguồn hàng ở xa, núi dốc đường trơn, tất cả đều vận chuyển bằng đôi vai và xe đạp thồ, nên một lực lượng lớn được huy động vào vận tải. Với quyết tâm ''Không vì hậu cần mà ảnh hưởng đến chiến đấu'', các chiến sĩ vận tải động viên, giúp đỡ nhau, thi đua tăng cân tăng chuyến, gùi hàng vượt trọng lượng cơ thể, băng qua ''dốc Trăm bậc'', đỉnh đồi ''Cây đa gió lộng'' cao hàng nghìn mét, vượt sông Sa Thày chảy xiết bền bỉ tiến ra phía trước. Với quyết tâm “cao hơn núi”, đến trước ngày chiến dịch nổ súng, đã có 679 tấn lương thực, thực phẩm, đạn dược thuốc men, trong đó có 10.000 bánh lương khô tự chủ của quân nhu Tây Nguyên được chuyển đến các trận địa.

Mỗi chuyến hàng đến được nơi tập kết đều phải vượt qua bao hiểm nguy, mỗi bước đi đều đối mặt với bom mìn. Phương tiện vận chuyển bằng đôi vai, gùi cõng là chính, hằng ngày hành quân vận chuyển hàng băng qua những cánh rừng phủ đầy chất độc hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống. Đêm đi trong tiếng bom máy bay đánh phá dội xuống ầm ầm, cây cối bị gãy đổ trơ lại gốc, đất đá bị cày nát xới tung. Anh em chúng tôi đều biết nguy hiểm, nhưng không ai lùi bước. Chỉ một điều duy nhất nghĩ đến là làm sao cho đồng đội ở chiến tuyến có đủ lương thực, thuốc men, vũ khí đạn dược để chiến đấu và chiến thắng giải phóng nước nhà. Mỗi lần nhận được tin hàng đã đến được tay đồng đội, chúng tôi ai đấy đều vui mừng, phấn khởi. Niềm tin chiến thắng luôn ở trong tim mỗi người - ông Khơn tự hào kể lại.

Cuối năm 1967, Bộ Tổng tư lệnh xác định nhiệm vụ cho Chiến trường Tây Nguyên trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, công tác hậu cần được đẩy mạnh, vừa bảo đảm cho các lực lượng tiến công trên các mặt trận, các cánh, các hướng trong dịp Tết Mậu Thân, vừa bảo đảm cho các đợt ''Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa'' tiếp theo trong năm 1968. Hậu cần B3 chuyển về các kho ở các binh trạm; các đơn vị nhận từ các kho chuyển về vị trí tập kết. Trên những con đường mòn, bộ đội, dân công thồ gạo, đạn nườm nượp nối nhau, náo nức như trẩy hội. Với quyết tâm rất cao, lãnh đạo chỉ huy chặt chẽ, tổ chức linh hoạt hợp lý khoa học, vừa tập trung cho hướng trọng điểm vừa chú ý đến các hướng khác nên trong điều kiện chuẩn bị dù có nhiều khó khăn về lương thực, địa bàn rộng, thời tiết mưa lũ, địch đánh phá mạnh, ta vẫn bảo đảm được hơn 300 tấn đạn, 1.997 tấn gạo, 180 tấn thực phẩm đáp ứng cơ bản các yêu cầu của chiến dịch.

Do địch đánh phá ác liệt, ngăn chặn tiếp tế từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam, nên từ đầu năm 1969, chiến trường Tây Nguyên xuất hiện thêm những khó khăn ngày càng lớn về bảo đảm lương thực, đạn dược, thuốc men, quân trang. Lượng gạo dự trữ toàn B3 có lúc chỉ còn 40 tấn, lại phân tán xé lẻ ở nhiều nơi, góp lại cũng chỉ đủ nuôi quân một tuần. Trong khi đó, chi viện từ miền Bắc vào bị tắc, lương thu mua từ các nguồn đều giảm sút do địch ngăn chặn phong tỏa. Mỗi chiến sĩ đi chiến đấu chỉ ăn có 4 - 4,5 lạng lương thực một ngày, người ở phía sau chỉ ăn có 1,5 lạng. Quân trang bình quân cứ 2 người chiến đấu và 8 người phục vụ mới có 1 bộ. Ông Khơn nghẹn ngào trong hồi tưởng: Thương lắm những đồng đội nơi tuyến đầu, vừa đối mặt với quân thù hiểm nguy, vừa thiếu thốn đủ bề. Lúc đấy, chúng tôi chỉ mong có thật nhiều lương thực hàng hóa, thuốc men, đạn dược để chuyển cho tuyến trên.

Đến đầu năm 1975, từng đoàn quân trập trùng tiến vào Sài Gòn, trong lòng ông và đồng đội đều có chung niềm tin sắt đá vào thắng lợi vang đội của quân mình, đánh thắng kẻ thù xâm lược. Thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975, khi nghe tiếng Đài phát thanh Sài Gòn phát lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh, anh em chúng tôi đều ôm chầm lấy nhau, hét lên trong nước mắt: Thống nhất rồi!

Cho đến hôm nay, đối với ông, những năm tháng tại mặt trận B3 là những dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời. Đó không chỉ là niềm tự hào mà là nơi lắng đọng những cảm xúc đớn đau khi mỗi lần nghe tin đồng đội hy sinh, có những đồng đội ít tuổi hơn ông, bởi họ mới 18 - 20 tuổi, đã hiên ngang ngã xuống vì đất nước. Những kỷ vật ít ỏi còn sót lại mà ông Khơn trân quỹ giữ gìn là những tấm ảnh đã úa vàng của đồng đội, ông ghim lại đóng thành cuốn sổ nhỏ, nắn nót ghi rõ họ tên, quê của các anh để nhớ về những năm tháng đã sống, chiến đấu đầy hào hùng bên nhau.

Tự hào là lớp đảng viên Hồ Chí Minh trên Trường Sơn

Qua trình tham gia quân ngũ, điều ông Khơn vô cùng tự hào là được kết nạp Đảng tại chiến trường. Năm 1970, Đảng ủy chiến trường ra nghị quyết ''Về cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp lớp đảng viên Hồ Chí Minh'', coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng. Ngày 8/6/1970, với những nỗ lực phấn đấu trong thực thi nhiệm vụ, ông Khơn vinh dự được kết nạp Đảng khóa 1, lớp đảng viên mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại tại Trường Sơn. Tự hào, xúc động, đứng giữa chiến hào, trước lá cờ Đảng, chiến sĩ Nguyễn Đình Khơn giơ tay hô vang vang lời thề thiêng liêng trung thành với Đảng, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ông tâm sự: “Đó có lẽ là khoảnh khắc tự hào nhất trong cuộc đời tôi. Qua thời gian nỗ lực phấn đấu, tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay tại trận địa, khi mà trên đầu bom đạn của địch vẫn đang gào thét”.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Khơn xúc động nhớ về kỷ niệm những ngày xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Khơn xúc động nhớ về kỷ niệm những ngày xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Năm 1976, ông xuất ngũ, trở về công tác tại cơ quan cũ là Ty Thủy lợi Cao Lạng. Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", ông tiếp tục làm nòng cốt, thầm lặng cống hiến trong lao động, sản xuất, ra sức đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Sau khi nghỉ hưu, năm 1995 - 1999, ông là đại biểu Hội đồng nhân dân phường khóa 5, giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND phường Tân Giang (Thành phố). Ông luôn làm việc vì cái tâm, nhiệt tình, trách nhiệm, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của phường.

Năm 2000, ông Khơn tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ tổ 7, phường Tân Giang. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đã từng được tôi luyện qua bom đạn chiến tranh, ông luôn thực hiện tốt nhiệm vụ mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương giao phó, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Chi bộ và các tổ chức đoàn thể của tổ thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến bà con nhân dân; phát động, triển khai hiệu quả phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng khu dân cư văn hóa”, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Ông luôn tâm niệm: “Mình phải nỗ lực làm nhiều việc mang lại lợi ích cho dân, cho tổ dân phố. Luôn dành thời gian gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Kịp thời phản ánh, đề xuất cấp ủy, chính quyền phường giải quyết những điều dân cần, dân mong. Đồng thời, cùng các đồng chí trong chi bộ bàn bạc đề ra phương án thực hiện hiệu quả mang lại lợi ích cho người dân.

Gần 10 năm tham gia quân ngũ, 55 năm tuổi Đảng, những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của cựu chiến binh Nguyễn Đình Khơn được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng bằng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương chiến sỹ vẻ vang; Bằng dũng sĩ quyết thắng... và nhiều Bằng khen các cấp.

Ngày 30/4/1975, đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đối với ông Khơn và những cựu chiến binh khác, nỗi đau chiến tranh vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai, bởi họ luôn trăn trở về những đồng đội đã hy sinh chưa được đưa về với gia đình. Bới vậy, ngày 30/4 luôn là một ngày đặc biệt, để ông nhớ về những người đồng đội năm xưa; họ đã hy sinh tuổi trẻ, máu xương, thậm chí cả mạng sống để giành lấy hòa bình cho hôm nay.

Chiến tranh đã lùi xa, thật không dễ để phác họa lại một hành trình đầy gian khó và những hy sinh to lớn song vô cùng vẻ vang của những người đã đi qua chiến tranh. Qua những câu chuyện, những cảm xúc lúc cao trào hứng khởi, lúc trầm lắng nghẹn ngào nhưng vẫn còn vẹn nguyên hào khí của những người lính năm xưa, chúng tôi đã phần nào hiểu được những khó khăn vất vả, những vinh quang mà thế hệ cha anh đã trải qua. Đây chính là những bài học lịch sử quý báu cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp bước truyền thống cha anh, ra sức học tập, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Minh Ánh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-cao-bang-gop-phan-lam-nen-dai-thang-mua-xuan-1975-ky-9-3176903.html