Những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương cách mạng Cao Bằng (kỳ 4)

Kỳ 4: Tự hào được giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp

tại chiến trường Điện Biên

Mỗi năm, đến ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tá Nguyễn Khánh Trung (bí danh Can Chi), quê ở xóm Bó Lếch, nay ở xóm Bến Đò, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An lại bồi hồi nhớ về những ngày được tham gia phục vụ chiến dịch.

Ông Nguyễn Khánh Trung kể về tấm huy chương cao quý với cán bộ cơ sở.

Ông Nguyễn Khánh Trung kể về tấm huy chương cao quý với cán bộ cơ sở.

Những năm tháng không quên

Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tung Lê Quang Mạnh, chúng tôi đến thăm và gặp gỡ ông Nguyễn Khánh Trung (bí danh Can Chi) ở xóm Bó Lếch, nay là xóm Bến Đò, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. Và thật cảm động, người lính già trong quân phục chỉnh tề, trên ngực lấp lánh các tấm huy chương cao quý đứng trước cửa nhà chào đón chúng tôi. Bước vào tuổi 94, sức khỏe đã giảm dần theo thời gian, đôi chân không còn nhanh nhẹn nhưng ông vẫn nghe rõ và nhớ về thời gian tham gia quân ngũ của mình.

Sinh năm 1930 tại xóm nghèo xã Hoàng Tung; 13 tuổi, ông tham gia hội viên Nhi Đồng cứu quốc, chiến sĩ tự vệ chiến đấu ở xã, chiến sĩ quân giải phóng, cán bộ vận động quần chúng. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ, đóng quân vệ quốc đoàn tại Cao Bằng, sau đó chuyển về Đại đoàn 1, huyện Lục Nam (Bắc Giang), sau một thời gian đơn vị giải tán chuyển về Thái Nguyên, rồi tiếp tục chuyển về bộ đội địa phương Trung đoàn 72 ở Ngân Sơn (Bắc Kạn). Năm 1950, đơn vị giải tán, ông được điều động về làm văn thư, đánh máy tại Văn phòng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh, trực tiếp làm việc tại Phòng Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp.

Bồi hồi nhớ lại những ký ức Điện Biên, tuy không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng khi nhắc về chiến dịch - những ngày tháng gian khổ, ác liệt mà hào hùng trên chiến trường khiến đôi mắt ông sáng lên, với giọng kể hào sảng, phấn chấn. Trong phút chốc, tinh thần Điện Biên Phủ quả cảm năm xưa lại hiện về vẹn nguyên trong trí nhớ của vị đại tá, người cựu chiến binh da mồi, mái tóc bạc trắng như cước. Ông kể: Trong quá trình công tác tại Văn phòng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh, năm 1954, có lệnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ai được chọn tham gia đều vô cùng phấn khởi và vinh dự.

Bản thân ông cùng một số đồng chí được phân công nhiệm vụ đánh máy phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc đó, Sở Chỉ huy đóng trên cánh rừng Mường Phăng từ ngày 31/1 - 15/5/1954. Sở dĩ Mường Phăng được chọn làm nơi cuối cùng đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch bởi đây là cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, chỉ cách thành phố Điện Biên khoảng 15 km theo đường chim bay. Từ Sở Chỉ huy đi lên điểm cao nhất, có thể nhìn bao quát được thung lũng Mường Thanh và toàn bộ cứ điểm trước kia của quân Pháp ở thành phố Điện Biên Phủ. Đây là một hệ thống chỉ huy và phòng thủ dã chiến gồm các hầm hào, lán trại được làm bằng những vật liệu có sẵn tại khu rừng như: tre, luồng, lá móc... Với cách bố trí hầm, lán trại thành hệ thống liên hoàn, ẩn mình trong rừng già, cơ quan đầu não của Chiến dịch Điện Biên Phủ được bảo vệ nghiêm ngặt, đảm bảo bí mật và an toàn tuyệt đối.

Trong chiến dịch, chiếc máy đánh chữ dùng để đánh công văn, giấy tờ, tài liệu thông tin tuyên truyền... đáp ứng nhanh yêu cầu chiến đấu khẩn trương. Với chiếc máy đánh chữ, có những lúc di chuyển chỗ làm việc không có bàn kê, ông để máy tính trên đùi, miệt mài làm việc để hoàn thành công việc được giao. Từ các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, lời hiệu triệu... gửi các đại đoàn tổ chức các đợt tiến công, công kích, tiêu diệt quân địch ở các cứ điểm, chỉ thị giao nhiệm vụ cho các đơn vị; chỉ thị hiệp đồng, về việc tổ chức hỏa lực và hiệp đồng bộ pháo trong trận tấn công tiêu diệt quân địch ở các khu vực..., ông đều làm việc với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, bảo đảm "chính xác - nhanh chóng - kịp thời" trong mọi tình huống, để các đơn vị, đại đội tổ chức quán triệt chỉ thị, mệnh lệnh về chuyển phương châm tác chiến chiến dịch "đánh chắc, tiến chắc"... Trong lúc cao điểm, ông làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm bên chiếc đèn bão, có những hôm khi về hầm ngủ, trời mưa ướt, ông cùng đồng đội ngồi đến sáng. Chiến thắng Điện Biên Phủ toàn thắng, ông và đồng đội hò reo vui mừng. Cho đến hôm nay, bản thân ông vẫn luôn tự hào vì đã được tham gia và đóng góp một phần công sức của mình và chiến thắng vĩ đại đó.

Bình dị giữa đời thường

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Trung quay trở lại công tác tại Bộ Quốc phòng. Năm 1956, được cử đi học tại Trường Sỹ quan Lục quân, sau được điều về Tỉnh đội Cao Bằng làm trợ lý Tuyên huấn. Thời gian này ông liên tục luân chuyển giữa các đơn vị Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1), rồi làm thư ký cho đồng chí Lê Quảng Ba. Đến năm 1962 - 1965, ông tiếp tục đi học tại Học viện Quân chính rồi về công tác tại Trường Quân chính Quân khu. Từ năm 1969 - 1973, ông quay trở lại công tác tại Văn phòng Tư lệnh Quân khu. Năm 1978, chuyển về Viện Kiểm sát Quân khu, đến năm 1989, với hàm đại tá, Viện trưởng Kiểm sát Quân khu ông về nghỉ chế độ.

Về nghỉ hưu nhưng với tinh thần của người lính cũng như sự tín nhiệm của nhân dân, ông Trung tiếp tục tham gia các tổ chức đoàn thể, rồi làm chủ tịch cựu chiến binh xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hòa An. Năm 2000, ông là Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội người cao tuổi xóm. Ở cương vị nào ông cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, gương mẫu, tất cả vì lợi ích của nhân dân. Ngày nay, ông vui mừng thấy quê hương đang từng ngày đổi mới và tự hào vì suốt chặng đường lịch sử của dân tộc, xã Hoàng Tung quê ông luôn kiên cường bất khuất, một lòng theo Đảng, xã vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đặc biệt, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập tại chính quê hương ông đã khơi dậy tinh thần cách mạng và lòng tự hào dân tộc của các thế hệ người dân nơi đây.

Trong câu chuyện kéo dài không dứt, ông cho chúng tôi xem những phần thưởng, kỷ vật về một thời oanh liệt của mình. Một chiếc tủ gỗ dùng riêng cho việc cất giữ các huân, huy chương kháng chiến. Trọn tuổi xuân tham gia chiến trường gian khổ và cống hiến trong quân đội, ông Trung được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba, 3 Huy chương Chiến sỹ vẻ vang và nhiều Bằng khen, giấy khen khác. Tất cả là sự động viên, ghi nhận, là niềm tự hào của người lính. Nhưng với ông, niềm vui, tự hào nhất là được đứng trong đội ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, là bộ đội Cụ Hồ “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Ông Trung sinh được 4 người con, 3 trai và 1 gái, tất cả các con ông đều thành đạt, có công việc ổn định. 75 năm tuổi Đảng, tuổi đã cao, sức yếu nhưng Đại tá Nguyễn Khánh Trung luôn tham gia sinh hoạt Đảng đầy đủ tại địa phương nơi cư trú. Bản thân ông luôn sống vui vẻ, lạc quan và gương mẫu, động viên con cháu hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao; ông là tấm gương sáng để bồi dưỡng giáo dục lớp trẻ về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí vươn lên và tinh thần hiếu học. Ông vui vẻ cho biết, những năm trước, sức khỏe còn tốt, ông được tham gia đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại số 30 Hoàng Diệu, quận Ba Đình (Hà Nội); thăm lại chiến trường xưa tại tỉnh Điện Biên

Hơn 40 năm tham gia trong quân đội, ông Trung luôn giữ trọn tấm lòng trung kiên với Đảng, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước; xứng đáng là cựu chiến binh tiêu biểu, người con của quê hương cách mạng Cao Bằng.

Kỳ 1: Vinh quang người chiến sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ 367

Kỳ 2: Tự hào chiến sỹ Điện Biên anh hùng

Kỳ 3: Nhớ về một thời hoa lửa

Minh Huệ

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-dien-bien-tren-que-huong-cach-mang-cao-bang-ky-4-3168662.html