Những chính sách có hiệu lực từ tháng 10-2021
Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19; doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng nhiều chính sách hỗ trợ mới; bổ sung nhiều trường hợp học sinh, sinh viên được miễn học phí...
Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24-9 về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Theo đó, hỗ trợ bằng tiền cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ BHTN. Đối tượng áp dụng là NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30-9-2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).
NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2020 đến hết 30-9-2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hằng tháng.
Nguồn kinh phí: khoảng 30.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ BHTN đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ NLĐ từ ngày 1-10 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31-12.
Ngoài ra, giảm mức đóng vào Quỹ BHTN cho NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đối tượng áp dụng là NSDLĐ quy định tại điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia BHTN trước ngày 1-10-2021. NSDLĐ được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN. Thời gian thực hiện giảm mức đóng từ ngày 1-10-2021 đến hết ngày 30-9-2022.
Nhiều chính sách hỗ trợ mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chính phủ ban hành Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, có hiệu lực từ ngày 15-10.
Trong đó, có thể kể đến một số chính sách đáng chú ý như: Tăng mạnh mức hỗ trợ tư vấn DN nhỏ và vừa: DN siêu nhỏ được hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/năm/DN (trước đây chỉ tối đa 3 triệu đồng); DN nhỏ không quá 100 triệu đồng/năm/DN (trước đây, không quá 5 triệu đồng)...
Thêm chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa do nữ làm chủ: hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn (không quá 70 triệu đồng/năm/DN) với DN siêu nhỏ; với DN nhỏ, mức hỗ trợ là 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/DN...
Thêm nhiều học sinh, sinh viên được miễn học phí
Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập... sẽ có hiệu lực từ ngày 15-10.
Điều 15 Nghị định này đã bổ sung nhiều học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được miễn học phí so với quy định trước đây, như: Người học chương trình trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; học sinh THCS ở thôn/bản đặc biệt khó khăn; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù…
Ngoài ra, mức hỗ trợ chi phí học tập tại khoản 10 điều 20 Nghị định 81 cũng tăng thêm 50.000 đồng/tháng so với quy định trước đây (từ ngày 15-10, mức hỗ trợ chi phí học tập là 150.000 đồng/tháng/học sinh).
Nghị định này cũng quy định cụ thể về lộ trình tăng học phí với tất cả cấp học từ mầm non, phổ thông, đại học…
Đăng kiểm ôtô không cần xuất trình bảo hiểm xe
Từ ngày 1-10, Thông tư 16/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ có hiệu lực. Thông tư mới này có nhiều nội dung mới liên quan đến việc đăng kiểm ôtô, như:
Đi đăng kiểm không còn phải xuất trình bảo hiểm xe như quy định cũ, chỉ cần xuất trình giấy tờ về đăng ký xe hoặc giấy hẹn cấp giấy đăng ký xe. Đồng thời, nộp bản chính giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đối với trường hợp xe cải tạo.
Tăng thời hạn đăng kiểm xe kinh doanh vận tải đến 9 chỗ từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 tháng lên 12 tháng đối với chu kỳ tiếp theo.
Quy định riêng mẫu tem kiểm định cho xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải, thay vì dùng chung như quy định trước đây…
Quân nhân được hưởng khoản tiền chênh lệch khi nghỉ hưu
Khoản 4, điều 1, Thông tư 109/2021/TT-BQP về chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng (hiệu lực từ ngày 10-10) nêu rõ: Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có đủ điều kiện nghỉ hưu, nếu có nguyện vọng không nghỉ chuẩn bị hưu (hưởng lương hưu ngay) hoặc nghỉ không đủ thời gian quy định, thì khi nghỉ hưu được hưởng khoản tiền chênh lệnh giữa tiền lương của tháng cuối cùng trước khi hưởng lương hưu với tiền lương hưu tháng đầu tiên đối với số tháng không nghỉ chuẩn bị hưu.
Ngoài ra, Thông tư 109/2021/TT-BQP bổ sung thêm trường hợp được nghỉ phép thêm 10 ngày/năm nếu đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 300 km trở lên...