Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 2/2024
Các chính sách này được Bộ GD&ĐT ban hành từ cuối tháng 12/2023 và sẽ có hiệu lực kể từ giữa tháng 2/2024.
Các chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 2/2024 bao gồm bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS; khen thưởng cho các cá nhân, tập thể; trao quyền chọn SGK cho các trường và cấm đào tạo từ xa đối với lĩnh vực sức khỏe, sư phạm.
Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS
Ngày 29/12/2023, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 31/2023/TT-BGDĐT về quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS. Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/2.
Điểm mới đầu tiên là thông tư 31 bỏ xếp loại tốt nghiệp. Trước đây, học sinh tốt nghiệp sẽ được cấp bằng theo xếp loại giỏi, khá, trung bình..., nhưng sắp tới, bằng tốt nghiệp THCS của học sinh sẽ không còn ghi xếp loại.
Điểm mới thứ hai trong thông tư là số lần xét công nhận tốt nghiệp trong một năm tối đa 2 lần, trước đây chỉ xét một lần duy nhất. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học còn lần xét thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.
Còn riêng với cơ sở giáo dục thường xuyên, trường tổ chức xét công nhận tốt nghiệp ít nhất một lần ngay sau khi kết thúc năm học.
Điểm mới thứ ba là học sinh nghỉ quá 45 buổi/năm học vẫn được tốt nghiệp THCS. Trước đây, học sinh nghỉ quá 45 buổi (nghỉ một lần hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại) sẽ không đủ điều kiện để xét tốt nghiệp.
Cũng trong thông tư, Bộ GD&ĐT nêu rằng học sinh sẽ được công nhận tốt nghiệp nếu có đủ các điều kiện sau.
Không quá 21 tuổi đối với học sinh học hết chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS; từ 15 tuổi trở lên đối với học viên học hết chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS.
Đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS.
Có đầy đủ hồ sơ theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Khen thưởng cho các cá nhân, tập thể
Cũng trong ngày 29/12/2023, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư số 29/2023/TT-BGDĐT về chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành giáo dục. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/2.
Thông tư này sẽ áp dụng với tập thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục; người học; tập thể, hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tập thể và người nước ngoài có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển giáo dục, đào tạo; tổ chức và các cá nhân liên quan công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục.
Cũng trong thông tư, Bộ GD&ĐT quy định rõ về điều kiện đoạt bằng khen, giấy khen, danh hiệu thi đua khen thưởng trong ngành giáo dục. Các danh hiệu bao gồm:
Danh hiệu Lao động tiên tiến.
Danh hiệu Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT.
Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.
Danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến.
Danh hiệu Cờ thi đua của Đại học Quốc gia.
Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.
Bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT.
Bằng khen của giám đốc Đại học Quốc gia.
Giấy khen của thủ trưởng đơn vị có tư cách pháp nhân.
Trao quyền chọn SGK cho các trường
Trước đó, vào ngày 28/12/2023, Bộ GD&ĐT ra thông tư 27/2023/TT-BGDĐT về việc lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/2.
Điểm nổi bật là bộ trao quyền chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục. Hiệu trưởng cơ sở hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ là người thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi cơ sở chỉ thành lập một hội đồng duy nhất.
Về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, các trường phải chọn sách phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở.
Nguyên tắc chọn sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT quy định như sau.
Thứ nhất. các trường chọn sách trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục.
Thứ hai, mỗi khối lớp lựa chọn một sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện ở cơ sở giáo dục.
Thứ ba, việc lựa chọn sách phải đảm bảo thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và vì quyền lợi của học sinh.
Lĩnh vực sức khỏe, sư phạm không được đào tạo từ xa
Cũng trong ngày 28/12/2023, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 28/2023/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học. Thông tư sẽ có hiệu lực kể từ ngày 12/2, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học sau ngày thông tư này có hiệu lực thi hành.
Bộ GD&ĐT ra quy định các trường đại học không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Ngoài ra, cơ sở đào tạo chỉ được thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khóa liên tục theo hình thức chính quy.
Do đào tạo từ xa, các trường phải có thư viện, thư viện điện tử với số lượng sách, giáo trình, tài liệu tham khảo và các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành đủ để cung cấp, hỗ trợ cho việc học tập và nghiên cứu của người học.
Các trường cũng cần có đủ học liệu chính và học liệu bổ trợ cho 2 năm học đầu của chương trình đào tạo từ xa và có kế hoạch xây dựng và phát triển học liệu chính và học liệu bổ trợ cho các học phần còn lại cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để chậm nhất trước một năm.
Đặc biệt, cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ hoạt động đào tạo từ xa từ 6 tháng đến một năm khi có kết luận về một trong những trường hợp sau:
Tự chủ quyết định đào tạo từ xa khi chưa đủ một trong các yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa theo quy định.
Không duy trì được một trong các yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa và ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo theo quy định.
Cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động ngành đào tạo có chương trình đào tạo từ xa.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-chinh-sach-giao-duc-co-hieu-luc-tu-thang-22024-post1457616.html