Những chợ trời ở Hà Nội
Gọi là chợ trời vì chợ họp ở ngoài trời, không có mái che. Nhưng tại sao lại gọi là chợ giời? Xưa người Việt quan niệm ông trời là thế lực siêu nhiên, đáng kính nên không ai dám gọi tên thật, bởi gọi như thế bị cho là xúc phạm, có tội nên gọi trại ra thành ông giời. Vì vậy chợ họp ngoài trời cũng được gọi là chợ giời.
1. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, ở bên phải Sở Tài chính Đông Dương (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao) gần Cột Cờ xuất hiện chợ trời mua bán đồ quân dụng của lính Pháp. Ở đây bán đủ thứ như bi đông, quân phục, thắt lưng, giày đinh... do lính Pháp trong thành mang ra bán. Người mua không chỉ là nguời Việt mà còn có cả người Pháp. Sau đó họ bán lại cho những người có nhu cầu sử dụng hay sưu tập đồ lính. Chợ khá đông, ngoài kẻ mua người bán còn có nhiều người tò mò đến xem. Chợ bắt đầu họp tầm 16h đến hơn 17h là giải tán. Tuy nhiên, chợ này chỉ tồn tại trong hơn 1 tháng thì bị dẹp vì quân đội Nhật lấy lý do an ninh cấm không cho tụ tập đông người.
Thực ra, chợ trời này không phải là chợ trời đầu tiên ở Hà Nội. Xa xưa Hà Nội đã có một chợ trời theo đúng nghĩa đen, tức là có tính chất buôn bán như chợ truyền thống và họp hoàn toàn ngoài trời. Chợ truyền thống cố định ở một địa điểm, họp theo phiên và người bán hàng phải đóng thuế cho triều đình. Khi người Pháp chiếm Hà Nội, thuế chợ là nguồn đóng góp lớn nhất cho ngân sách thành phố nên chính quyền không cho họp chợ tự phát. Thế nhưng khi Nhật hất cẳng Pháp thì mọi chuyện thay đổi. Và khi Pháp tái chiếm Hà Nội tháng 12-1946 thì luật lệ cũng không còn nghiêm như trước nữa.
Những năm 1947, 1948 thành phố đã xuất hiện đôi ba chỗ tụ tập buôn bán đồ cũ, đồ ăn trộm, đồ hôi của trong các nhà đi tản cư vắng chủ. Chợ bán những thứ đó họp ở đầu phố Khâm Thiên, chợ Bò phố Hàng Đũa (nay là phố Ngô Sỹ Liên). Tuy nhiên những chợ này chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn vì chính quyền xua đuổi. Song đuổi chỗ này, họ lại chuyển sang chỗ khác để mua các đồ của lính Pháp, lính ngụy đi càn ở các địa phương cướp được từ dân mang về bán.
Sau nhiều lần di chuyển, năm 1950 dân buôn đồ cũ đóng đô ở phố Dumontier (nay là Thịnh Yên). Sở dĩ họ chọn phố này vì nơi đây vẫn còn nhiều khu đất trống và dân cư còn thưa. Mặt khác chính quyền thấy khu vực này cũng xa khu trung tâm không sợ làm mất an ninh nên đồng ý cho họp chợ. Và đây là khu chợ trời lớn nhất Hà Nội trong khoảng từ 1950-1954.
2. Ngày 20-7-1954 Hiệp định Geneve được ký kết, theo đó, quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương nên kiều dân Pháp sống ở miền Bắc đã rục rịch bán nhà cửa, tài sản để về nước. Cùng trong khoảng thời gian đó một bộ phân dân chúng ở miền Bắc cũng chuẩn bị di cư vào Nam nên nhiều gia đình đã mang đồ dùng cũ ra bán ở góc hồ Thiền Quang giao với Đại lộ Jauréguiberry (nay là phố Quang Trung). Sau đó, nơi này tự phát thành chợ và lan rộng ra quanh hồ.
Khi chính quyền cách mạng tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954, chợ này vẫn tồn tại và càng đông đúc. Để thành phố đi vào trật tự, nền nếp, Ủy ban hành chính Hà Nội đã cấm không cho họp chợ quanh hồ Thiền Quang nữa nên những người buôn bán dần dần tản mát khắp nơi. Cuối năm 1955, thành phố lại dồn tất cả những người buôn bán xuống phố Thịnh Yên, nơi từng là chợ buôn bán đồ cũ và đặt tên chợ là Hòa Bình. Cái tên chợ Hòa Bình chỉ có trong các văn bản hành chính còn dân chúng vẫn gọi là chợ Giời.
Từ xưa chợ Hòa Bình đã bán thập cẩm đủ loại, từ xe đạp, quần áo cũ, đồ điện... và thậm chí cả đồ ăn cắp, đồng thời cũng là nơi nhiều người đầu cơ, tích trữ hàng hóa để bán với giá cắt cổ mà người ta quen gọi là giá “chợ đen”. Để tạo điều kiện cho người dân muốn bán đồ cũ có giá trị, năm 1960, thành phố cho xây một cửa hàng Mậu dịch quốc doanh chuyên bán đồ cũ và nhận ký gửi ở ngã ba phố Thịnh Yên - Trần Cao Vân (nay là trụ sở Công an phường phố Huế).
Những năm 1990, giao thông ùn tắc tại nhiều khu vực, đặc biệt là trước cổng trường Tiểu học và THCS Đoàn Kết nên UBND thành phố đã ra quyết định cấm không cho mua bán, tụ họp trên đường Thịnh Yên, đồng thời giao cho quận Hai Bà Trưng lên kế hoạch chuyển chợ đi nơi khác. Từ đó phố Thịnh Yên thông thoáng, tuy nhiên vì chợ là nguồn sống cho nhiều hộ gia đình, người dân cũng đã quá quen thuộc, cũng như nhu cầu mua bán là rất lớn nên nó vẫn tồn tại, nhưng được sắp xếp gọn gàng hơn.
Hiện chợ họp ở các ngõ nhỏ và phố nhỏ như Trần Cao Vân, Chùa Vua, Yên Bái 2, thông sang cả khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Chợ không còn bán xe đạp, quần áo như xưa mà bán linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy và đồ dùng cơ khí dân dụng như ốc vít, búa, kìm, đinh...
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/nhung-cho-troi-o-ha-noi/826220.antd