Những chuyện chưa kể về 72 giờ lao vào biển lửa cứu rừng già đầu nguồn
500 anh em chiến sỹ tham gia chữa cháy rừng Kẻ Gỗ, hầu như ai cũng bị thương, không chân thì tay, không đầu thì ngực… nhất là những anh em chiến sỹ lữ đoàn Quân khu 4. Hiểm nguy là vậy nhưng ai cũng lao vào...để cứu rừng.
Khi lực lượng chức năng căng sức dập lửa tại khu vực rừng thông ở Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, thì hàng trăm cán bộ, chiến sỹ công an, bộ đội biên phòng, Quân khu 4, ban quản lý, chính quyền huyện Cẩm Xuyên cũng đang lao mình trong cuộc chiến cứu cánh rừng tự nhiên đầu nguồn…
Lao vào biển lửa cứu rừng
Nhận tin từ đơn vị, cánh rừng già Kẻ Gỗ (tiểu khu 324, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ - xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đang cháy dữ dội. Đang là ngày nghỉ cuối tuần, Thiếu úy Dương Quang Hiệp (Đội hình sự công an huyện Cẩm Xuyên) tức tốc phóng xe vào đơn vị.
Lúc này là 9h ngày 29/6, anh cùng đồng đội trèo lên chiếc xe bán tải, nhanh chóng chạy thẳng đến khu vực rừng bị cháy. Phải mất 20 phút đường đất đỏ, anh cùng anh em đồng đội mới đến được chân núi. Từ đằng xa, trên đỉnh núi, phía đám cháy, khói đen mù mịt.
Lúc này, anh cùng anh em đơn vị, cán bộ chiến sỹ thuộc Trung đoàn 841, bộ đội biên phòng, ban quản lý rừng Kẻ Gỗ, chính quyền địa phương với con số hơn 500 người được lệnh tập kết dưới chân núi. Theo sự chỉ đạo, lực lượng được chia thành 2 mũi chính và phân nhỏ thành nhiều đội cùng băng rừng, tiếp cận khu vực đám cháy.
Lửa lan rộng, địa hình núi dốc, các phương tiện chữa cháy không thể tiếp cận. Phương án duy nhất được đưa ra để khống chế ngọn lửa chính là phát cây rừng làm đường băng cản lửa. Suốt một ngày liền, đường băng chạy dài khoảng 3km, rộng 10m, bao quanh khu vực rừng bị cháy được các lực lượng nhanh chóng triển khai. Phương tiện không có, sóng điện thoại cũng không, chỉ dựa vào sức người là chính nên khó lại càng khó hơn...
Sáng 30/6, gió lào thổi mạnh, lửa mỗi ngày một to rồi vượt qua cả đường băng cản lửa được anh em chiến sỹ cật lực tạo suốt hơn 1 ngày qua. Phương án 1 thất bại. Từ điểm chỉ huy, phương án 2 được nhanh chóng đưa ra. Một đường băng cản lửa xuyên suối rộng được lên kế hoạch triển khai. Đi lên từ một chiến sỹ phòng cháy chữa cháy vốn có kinh nghiệm, Thiếu úy Dương Quang Hiệp tiên phong cùng đồng đội xông vào dập lửa ở những điểm cháy cục bộ. Trong lúc cùng Đại úy Trần Văn Thao (Đội phó đội an ninh Công an huyện Cẩm Xuyên) vần cây gỗ mục dài 8m ra khỏi khu vực, tránh bén lửa, anh đã bị cây gỗ đập trở lại chính thẳng vào giữa đầu.
“Rất may lúc đó tôi và Đại úy Thao đều đội mũ cối nên chỉ bị choáng chứ không chấn thương. Ngọn lửa bắn lên ngực, bị bỏng nhẹ. Dù bản thân có nhiều kinh nghiệm chữa cháy nhưng với mức độ cháy như rừng tự nhiên này thì tính chất và mức độ nguy hiểm gấp bội lần”, Thiếu úy Hiệp kể lại.
Giữa biển lửa, sức người có những lúc tưởng chừng như “muối bỏ biển” nhưng hàng trăm anh em chiến sỹ không nghỉ tay, liên tục dùng dao rạ phát quang những lùm cây. Tiếng cưa xăng réo rắt, tiếng người thở dốc, tiếng cây gỗ nổ bùm bụp, tiếng lửa cháy,... hừng hực bên tai. Đến 19h ngày 30/6, đường băng cản lửa thứ 2 xuyên suối dài 3km, rộng 20m đã cơ bản được hoàn thành. Anh em chiến sỹ mệt rã người, những khuôn mặt lem luốc, những vết bỏng trên người dường như chẳng còn đau đớn nữa…
Ăn rừng, ngủ rừng
Còn đối với Trung Tá Phạm Văn Quý (Đội trưởng đội phong trào Công an huyện Cẩm Xuyên), điều khiến anh xúc động nhất là hình ảnh anh em chiến sỹ đồng đội cùng nhường nhau miếng lương khô, giọt nước hay đến chỗ nằm.
“Lúc đó, chúng tôi như là một. Suốt 2 đêm ngủ trong rừng, nằm dưới nền đất lạnh cùng anh em, tôi mới thấm cái tình đồng chí, đồng đội. Chúng tôi sát cánh bên nhau, nhường nhau từng miếng lương khô, mẩu bánh mỳ, từng giọt nước và cả chỗ nằm. Người lúc đó, ai cũng mệt rệu rã nhưng lửa rừng vẫn cháy nên chúng tôi cứ thay phiên nhau chợp mắt để canh. Chỉ nóng lòng trời sáng mau để tiếp tục cứu rừng”, Trung tá Quý chia sẻ.
Điều kiện trang thiết bị hạn chế, cộng với rừng nguyên sinh cây cối mọc chằng chịt rất khó tiếp cận, hơn 1 ngày dầm mình trong biển lửa, anh em chiến sỹ gần như kiệt sức thế nhưng không ai bảo ai vẫn cầm chắc tay rạ, máy thổi... ra sức dập lửa chung ý chí không bỏ cuộc khi rừng còn chưa được cứu.
Trong lúc cố gắng dập lửa, Trung tá Quý bị lửa bén lên người. Anh may mắn được đồng đội phát hiện kịp thời, hỗ trợ dập lửa nhưng cánh tay trái của anh đã bị bỏng nặng. Thế nhưng, anh nói rằng, nếu chỉ bị bỏng như mình thì còn nhẹ lắm, hơn 500 anh em chiến sỹ tham gia chữa cháy, hầu như ai cũng bị thương, không chân thì tay, không đầu thì ngực… nhất là những anh em chiến sỹ lữ đoàn Quân khu 4. Hiểm nguy là vậy nhưng ai cũng lao vào...
“Nếu tận mắt chứng kiến những cây gỗ hàng chục năm tuổi bị thiêu trụi trong chốc lát thì chắc ai cũng như chúng tôi. Khó khăn nhiều lắm nhưng chúng tôi quyết tâm dập lửa đến cùng. Tôi là dân lính, quen với vất vả rồi, đi chữa cháy cũng nhiều rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cháy rừng trên diện rộng và thiệt hại nặng nề như vậy. Để tái tạo được cánh rừng đã bị cháy, ít nhất phải mất 30 – 40 năm nữa”, Trung tá Quý ngậm ngùi.
Sáng 2/7, ông Nguyễn Viết Ninh, Trưởng ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết, đám cháy diễn ra suốt gần 3 ngày, đến khoảng chiều tối 1/7, sau khi có lực lượng Quân khu 4 vào tiếp ứng, hỗ trợ đám cháy cơ bản đã được khống chế.
Và rất may mắn khi 2 ngày qua, trên địa bàn có mưa trên diện rộng với lưu lượng mưa lớn. Đây giống như cơn mưa vàng tại thời điểm này, bởi những tàn dư có thể cháy âm ỉ phía dưới lớp thực bì sẽ được nước mưa dập tắt hoàn toàn, không có nguy cơ cháy lại. Ngoài ra, mưa sẽ “cứu” được một số diện tích cơ bản vì có những cây sẽ sống được trở lại.
Ông Nguyễn Viết Ninh vô cùng xúc động khi chia sẻ về những đóng góp của lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương trong 72 giờ đồng hồ lao vào biển lửa cứu rừng.
Ông cho biết, thời điểm phát hiện khu vực rừng tại tiểu khu 324 bị cháy, lực lượng ban quản lý gồm 100 cán bộ, nhân viên cùng lực lượng công an huyện, bộ đội, biên phòng, chính quyền lên tới hơn 500 người. Công sức của hàng trăm con người có lúc bị tiêu tan trong phút chốc với sức tàn phá khủng khiếp của ngọn lửa. Không sóng điện thoại, bộ đàm giữa rừng sâu nhưng hàng trăm con người đã chiến đấu gần 3 ngày đêm. Từ những đồng chí lãnh đạo đến anh em chiến sỹ đều cùng nhau ăn gói mỳ tôm sống, nuốt từng miếng lương khô, hít khói bụi, chống cây rừng để bước, nằm bụi, ngủ bờ, chia nhau từng miếng bánh, chai nước... Hàng chục ha rừng tự nhiên đã bị thiêu trụi mà phải nhiều chục năm sau mới có thể phục hồi nhưng có một điều còn đọng mãi đó là tinh thần, trách nhiệm, sự dũng cảm quên mình, đoàn kết thống nhất của cán bộ chiến sỹ công an, quân sự, biên phòng, kiểm lâm, chính quyền và khu bảo tồn Kẻ Gỗ của huyện Cẩm Xuyên.
Trong 3 ngày từ 27/6 - 30/6, tại Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra cháy rừng trên 200ha của 4 huyện là Hương Sơn, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh và Cẩm Xuyên. Tại huyện Nghi Xuân, ngọn lửa cháy lan rộng, tái phát nhiều lần. Tính đến nay, có khoảng 60ha rừng thông thuộc rừng phòng hộ bị thiêu cháy. Lực lượng chữa cháy tại đây đã được điều động lên đến hơn 1000 người.