Những chuyện kể về Thành cổ Quảng Trị

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mảnh đất Quảng Trị đau thương bởi dấu tích chiến tranh nhưng đầy hào hùng của một thời máu lửa, giờ đã là điểm đến của nhiều thế hệ người Việt... Với hơn 1.000 người con Hà Nam từng chiến đấu bảo vệ Thành cổ trong chiến dịch 81 ngày đêm đang còn sống, Thành cổ Quảng Trị là nơi ghi dấu những ký ức không bao giờ quên!

Đại tá Trịnh Trọng Tuyến, nguyên Phó Chính ủy Quân đoàn I, Chủ tịch Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Hà Nam năm nay bước vào tuổi 72. Trong câu chuyện với đồng đội, nhắc nhớ lại những câu chuyện của thời thanh niên sôi nổi, một thời rực lửa "máu và hoa", một thời những chàng trai tuổi mười tám đôi mươi “ai cũng có thể là lính”, sẵn sàng “xếp bút nghiên theo việc đao cung”... ông Tuyến luôn có cho mình cảm giác phấn chấn, vui vẻ. Chuyện ông hay nhắc tới là ký ức về Thành cổ, nơi ông đã chiến đấu trọn vẹn 81 ngày đêm và bị thương; nơi có rất nhiều đồng đội đã phải nằm lại hòa mình vào đất và nước Quảng Trị...

Năm 1972, ông Tuyến, khi đó mới 20 tuổi, mang quân hàm trung sỹ, là Tiểu đội trưởng, Đại đội 1, Tiểu đoàn 25, Sư đoàn 320B, chiến đấu ở phía tây thị xã Quảng Trị. Cùng với nhiều lực lượng khác, ông và đơn vị làm nhiệm vụ vận tải chở lương thực, vũ khí từ ngoài vào Thành cổ, qua sông Thạch Hãn, rồi lại chở thương binh từ Thành cổ ra ngoài bằng xuồng cao su, bè cây chuối hoặc phao bơi... Tất cả những nhiệm vụ ấy đều phải thực hiện lúc trời tối hoặc về đêm; phải vượt qua nhiều “hàng rào lửa” của địch trên bộ, trên sông để giữ vững tuyến liên lạc và đáp ứng yêu cầu của chiến trường. Khu vực này thường xuyên bị địch bắn phá. Máy bay B52 điên cuồng rải bom tọa độ trên các tuyến đường. Trên sông, địch rải thủy lôi, bom từ trường để ngăn chặn tiếp viện vào thành. Những khu vực bến vượt sông, kẻ thù liên tiếp bắn pháo, nã đạn cối. Rất nhiều thuyền bị trúng thủy lôi nổ tung. Có những chuyến bị máy bay oanh tạc, chiến sỹ ta phải bỏ cả thuyền, hàng để nhảy xuống sông thoát vào bờ giữa làn pháo... Việc bảo đảm tiếp vận lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các đơn vị chốt giữ trong thành; tiếp tế vũ khí cho các đơn vị hỏa lực, đơn vị chiến đấu... trong điều kiện bị địch bắn phá liên tục là công việc cực kỳ khó khăn, đòi hỏi rất lớn về sức người. Nhưng càng chiến đấu, ông Tuyến và đồng đội càng có nhiều kinh nghiệm.

Các Cựu chiến binh Hà Nam chiến đấu trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ đến thăm Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ của Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B tại Hải Lăng, Quảng Trị.

Các Cựu chiến binh Hà Nam chiến đấu trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ đến thăm Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ của Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B tại Hải Lăng, Quảng Trị.

Đại tá Trịnh Trọng Tuyến nhớ như in: Do địch sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại nên chiến sỹ của ta bấy giờ phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ vận tải đường thủy. Nhưng trong cái khó, ló cái khôn, bộ đội ta đã nghĩ ra nhiều cách để thuyền bè không mắc thủy lôi, bom từ trường như: làm bè bằng thân chuối, buộc theo sắt vụn, vỏ đạn, tận dụng cả ga-lăng ô tô, xích xe tăng bị hỏng rồi thả trôi hoặc dùng dây kéo ở trước thuyền hàng trăm mét để kích nổ thủy lôi, bom từ trường... sau đó mới chống thuyền vượt qua. Nhiều người vốn là công nhân cơ khí thị xã Phủ Lý, am hiểu về máy móc, kỹ thuật nên trong những tình huống, điều kiện thế này, đã phát huy sức sáng tạo, có phát kiến đưa những con thuyền sang sông thuận lợi hơn.

Người đồng đội của ông Trịnh Trọng Tuyến là Thượng úy Phạm Xuân Thành cũng có mặt trong chiến dịch 81 ngày đêm đỏ lửa ở thành cổ Quảng Trị. Ông Thành lúc đó là Tiểu đội phó, Trung đoàn 209, sư 312. Đơn vị của ông được tăng cường tham gia chiến đấu phá vỡ thế uy hiếp của địch tại thị xã Quảng Trị. Tháng 9/1972, quân đội Sài Gòn mở chiến dịch “Đại phong lôi” phản kích sang phía nam sông Thạch Hãn. Đơn vị ông cùng các Trung đoàn 165, 141 bí mật hành quân chiếm lĩnh tuyến xuất phát xung phong và nhận nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị bạn. Khi Trung đoàn 209 của ông Thành chọc thủng nhiều vị trí đóng quân của địch ở tuyến Tây Nam, Trung đoàn 141 giữ vững trận địa ở Điểm cao 39, động Ông Do thì Trung đoàn 165 kiên cường chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Tân Tạo, La Vang. Để mở rộng hành lang vận chuyển, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165 nhận nhiệm vụ diệt cứ điểm Đồi Cháy- một điểm cao do một đại đội lính thủy đánh bộ địch chiếm giữ...

Thượng úy Phạm Xuân Thành kể lại: Thường thì chúng tôi sẽ đánh địch vào nửa đêm hoặc gần sáng nhưng khi có thông tin của trinh sát, Anh hùng Nguyễn Thế Thao (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165) đã trực tiếp xin ý kiến Tư lệnh Mặt trận B5 được đánh ban ngày, bắt đầu từ 17h chiều khi địch đang có tâm lý chủ quan, lơ là canh gác. Tiểu đoàn đã quyết định giấu quân trong lòng đất, ngay dưới chân Đồi Cháy, cách địch 70m. Lực lượng lúc đó được huy động khoảng 300 người từ 3 đại đội, mỗi chiến sỹ phải đào một công sự nhỏ, ngụy trang chờ lệnh. Chiều 9/9/1972, trên Đồi Cháy đã có tín hiệu của sự lơ là, địch đang nấu cơm chiều, khói xuất hiện, các lực lượng của quân ta ngay lập tức dùng hỏa lực đánh phủ đầu. Nhưng khi Tiểu đoàn 6 chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài thì pháo địch cũng trùm lên Đồi Cháy khiến quân ta không sao tiến lên. Phải đến lúc Trung đội trưởng Hoàng Đăng Miện trườn lên, tìm được địa thế thuận lợi, giương B41 bắn tiêu diệt ổ 12,8 mm của địch mới mở đường cho quân ta tràn lên... Sau hai ngày chiến đấu, Tiểu đoàn 6 đã tiêu diệt 150 tên địch, làm chủ Đồi Cháy, chiến dịch “Đại phong lôi” của địch bước đầu bị thất bại. Xong trận này, anh Thao, anh Miện được phong Anh hùng, còn tôi cũng vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường…

Sống sót trở về gia đình sau 81 ngày đêm với những người lính là một kỳ tích. Đại tá Trịnh Trọng Tuyến bùi ngùi: Thật khó có thể tìm thấy ai lành lặn nguyên vẹn trong chiến dịch này. Như tôi và anh Thành đây, cả hai anh em đều bị thương tháng 8/1972, sau đó điều trị vết thương ổn định, rồi nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ của mình. Chúng tôi luôn bị ám ảnh về sự hy sinh của đồng đội khi trúng bom, đạn pháo quân thù ngay trước mắt mình. Nhưng trong mỗi người, ai cũng như có niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng và hướng tới ngày hòa bình, thống nhất đất nước, được trở về với gia đình.

Cả hai CCB Trịnh Trọng Tuyến, Phạm Xuân Thành đều rất tự hào về những cống hiến của tuổi trẻ thế hệ mình cho đất nước, về những tháng ngày có mặt trong chiến dịch vĩ đại này. Với các ông, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ là phần kết nối giữa chiến dịch tiến công Trị Thiên (từ 30/3 đến 27/6/1972) với chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (từ 1/9/1972 đến 31/1/1973); một cuộc chiến đấu kéo dài 308 ngày, trong đó có 81 ngày đêm giữ Thành cổ, kể từ khi địch phản công (28/6/2972) đến lúc ta rút ra khỏi Thành cổ bí mật, an toàn (16/9/1972). Trong điều kiện so sánh lực lượng, binh khí, kỹ thuật rất chênh lệch và những khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết, việc giữ được 81 ngày đêm đã làm tăng thời gian quyết tái chiếm Thành cổ của địch lên 8 lần so với thời hạn ban đầu của chúng. Với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ, sự anh dũng của Quân đội ta, kẻ địch đã không thể hoàn thành mục tiêu tái chiếm toàn tỉnh Quảng Trị; chúng ta đã giữ được 85% diện tích vùng giải phóng Quảng Trị cho đến trước ngày ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Vì nhớ đồng đội, nhớ những tháng năm tham gia chiến dịch, Đại tá Trịnh Trọng Tuyến đã sưu tầm nhiều tài liệu, sách báo về Thành cổ. Kể từ khi Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Hà Nam được thành lập, ông và đồng đội thường có những chuyến đi trở lại chiến trường xưa. Mỗi lần đến Thành cổ là mỗi lần tâm can ông trở nên khác lạ, vừa bùi ngùi xúc động, vừa vui sướng về những đổi thay trên mảnh đất Quảng Trị một thời đạn bom. Những bức ảnh của nhà báo Đoàn Công Tính như: “Nụ cười dưới chân Thành cổ”, “Đưa bộ đội qua sông Thạch Hãn”, “Ánh sáng dưới lòng đất”… được ông sưu tầm trở thành những kỷ vật quý giá. Với Thượng úy Phạm Xuân Thành, trong nhiều câu chuyện của đồng đội có những chuyện luôn làm ông trăn trở khi vẫn còn trên 70% người từng tham gia chiến đấu ở Thành cổ ở Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Hà Nam còn sống là thương binh, bệnh binh, bị nhiễm chất độc hóa học dioxin… sức khỏe yếu. Nhiều người đánh mất giấy tờ, không thể hưởng chế độ theo quy định nên cuộc sống cũng gặp vất vả, khó khăn. Tham gia công tác hội, ông và nhiều CCB rất muốn làm một điều gì đó cho những đồng đội yêu thương của mình bớt khó khăn, vất vả.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/quoc-phong/nhung-chuyen-ke-ve-thanh-co-quang-tri-142398.html