Những chuyến xe đầy ắp yêu thương đưa bệnh nhân bị ung thư về quê đón Tết
Những ngày giáp Tết, ai ai cũng tất bật hơn, nhưng những thành viên của nhóm 'Pun - Hành trình kết nối yêu thương' vẫn sắp xếp thời gian tổ chức 15 chuyến xe miễn phí đưa bệnh nhân Bệnh viện K về quê đón Tết.
Chuyến xe yêu thương trong dịp Tết Nguyên đán là hoạt động thường niên được Bệnh viện K tổ chức trong nhiều năm gần đây, nhằm giúp người bệnh và người nhà đỡ một phần chi phí đi lại cũng như không phải vất vả trước tình hình quá tải của các bến xe.
Bệnh nhân ở các bệnh viện đều cần được quan tâm, sẻ chia, nhưng có lẽ với bệnh nhân ở Bệnh viện K, điều này càng trở lên ý nghĩa hơn. Bởi khi mắc căn bệnh ung thư, với nhiều người, thời gian không còn nhiều…
Để giúp đỡ người bệnh, những năm qua, nhiều cá nhân, tổ chức đã thường xuyên phối hợp với Bệnh viện K thực hiện các chương trình thiện nguyện. Một trong những nhóm từ thiện đó là Nhóm "Pun - Hành trình kết nối yêu thương" với gần 100 thành viên có chung tấm lòng hảo tâm, trách nhiệm với cộng đồng. Ra đời từ hoạt động hỗ trợ đưa đón bệnh nhân trong đợt giãn cách phòng, chống dịch, đến nay, Nhóm đã hỗ trợ đưa đón miễn phí hàng nghìn bệnh nhân ở khắp các tỉnh phía Bắc đến viện, về nhà.
Chị Ngọc Diệu, thành viên của nhóm cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhóm đã tổ chức 15 chuyến xe miễn phí đưa 53 bệnh nhân và người nhà đang điều trị ở Bệnh viện K trở về các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Hưng Yên, Sơn La, Phú Thọ… Chúng tôi rất vui được góp một phần công sức nhỏ bé trong những chuyến xe đưa bệnh nhân về quê ăn Tết.
Nhận chạy tuyến đường xa nhất đưa hai bệnh nhân về Sơn La chiều 27 Tết, anh Nguyễn Văn Tuấn (trú tại khu đô thị Thanh Hà, công tác tại Công ty cổ phần dược phẩm Hoàng Giang) cho hay, anh và một người bạn đưa hai bệnh nhân, 1 người bị ung thư tử cung và 1 người bị u xương, chạy từ 14 giờ chiều ngày 27 Tết đến 6 giờ sáng ngày 28 Tết đã về đến Hà Nội để kịp ngày đi làm cuối năm.
“Tôi nhận thấy mỗi người bên cạnh trách nhiệm với gia đình, công việc của bản thân, thì cần có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường. Khi nhận ra được điều này, tôi muốn lưu giữ, phát triển cho bản thân, gia đình và con cháu mình sự yêu thương, chia sẻ, để làm cho cuộc sống đơn giản, nhẹ nhàng, thân thiện và tốt hơn.
So với hành trình chữa bệnh rất dài và chi phí rất lớn của bệnh nhân ở Bệnh viện K thì những món quà hay chuyến xe mà nhóm tặng chỉ là sự động viên rất nhỏ. Thực ra, khi đồng hành với họ, tôi thấy người nhận được nhiều hơn cả lại là những tình nguyện viên, đó là nhận thấy mình có sức khỏe, mình may mắn…”.
Anh Tuấn cho hay, công tác trong lĩnh vực y tế nên bản thân cũng có hiểu biết, kinh nghiệm nhất định khi tiếp xúc với bệnh nhân, vì vậy giúp đỡ được bệnh nhân cũng cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Ngoài hỗ trợ các bệnh nhân vào lúc rảnh, những khi đi công tác, xác định có vài giờ rảnh rỗi, anh Tuấn thường trao đổi trước với Nhóm để kết nối, đưa hoặc đón được bệnh nhân nào cùng cung đường…
Chị Diệu Linh, thành viên của Nhóm cho hay, dịp giáp Tết, có nhiều bệnh nhân đã liên hệ các nhà xe, nhưng không đặt được chỗ, có bệnh nhân không có lịch điều trị cụ thể nên không dám đặt trước, lại có bệnh nhân sức khỏe không đảm bảo, khi ra viện muốn được về nhà ngay, nhưng các xe trung chuyển, xe khách thường chỉ dừng đỗ ở đầu tỉnh, đầu huyện... không thuận tiện cho việc đi lại trong tình trạng sức khỏe kém.
Bởi vậy, nhiều bệnh nhân chia sẻ, họ cảm thấy rất phấn khởi, được động viên, chia sẻ khi có những “người dưng” tình nguyện đưa đón họ về đoàn viên với gia đình, cũng như giúp họ tiết kiệm được một phần chi phí. Bên cạnh đó, Nhóm còn kết nối với các mạnh thường quân như nhóm thiện nguyện “Ấm”, Công ty Kojy… có phong bao lì xì và các phần quà hỗ trợ bệnh nhân.
“Tham gia các chuyến xe đồng hành cùng bệnh nhân, giúp tôi gạt áp lực cuộc sống, toan tính ngày thường sang một bên, và chỉ còn lại sự kết nối, sẻ chia, muốn làm được gì đó cho những người không được may mắn như mình. Chúng tôi không biết bệnh nhân là ai, mọi người đều chẳng quen nhau, nhưng đều mong muốn nuôi dưỡng sự nhân văn, thông cảm trong cộng đồng nhiều hơn.
Bệnh nhân khi đón nhận những điều này, dù chẳng thấm vào đâu trong hành trình họ phải đi qua, nhưng tôi tin nếu những năng lượng tích cực này được nhân lên, trở thành lối sống, sẽ trở thành những đốm lửa ấm áp ngày càng nhiều hơn trong cộng đồng”, chị Diệu Linh chia sẻ.
Một chuyến xe, một phong bao lì xì… không làm nghèo người trao đi, nhưng chắc chắn góp phần làm “giàu” tình thương yêu cho người bệnh, giúp họ và gia đình vững vàng hơn để vượt qua khó khăn, nhất là khi Tết đến, Xuân về...