Thơ Nguyễn Đức Hạnh - Ngọn lửa trữ tình không an yên
Nếu coi tên tập thơ là linh hồn thứ hai của tác phẩm thì hình ảnh người nghệ sĩ cháy hết mình trong thơ Nguyễn Đức Hạnh, phải chăng là một tác nhân khiến anh đặt tên cho tập thơ mới nhất của mình in tại NXB Văn học là 'Khát cháy'.
Cái tựa đề nghe khá dữ dội, từ khát đã mãnh liệt, lại ghép thêm từ cháy khiến cảm giác như bùng nổ ngay tức thì. Nó mang sắc thái Căng - gắt - không an yên, giống như một nỗi khát đến độ đốt rát ruột gan. Với người yêu thơ dịu dàng, tên này có thể bị xem là quá kịch tính, và hơi "bốc hỏa". Nhưng đây là một tựa đề vừa gợi cảm, vừa đầy năng lượng, và hay ở chỗ: bạn không cần chọn một nghĩa. Đặt tên như thế - nước đôi, gợi mở - sẽ để người đọc tự cảm, tự đo lường lửa trong tim họ.
Những bài thơ trong tập này của Nguyễn Đức Hạnh đầy giọng điệu từ bùng vỡ đến hoài nghi, từ đắm say tới kiệt cùng trăn trở, và “Khát Cháy” theo tôi là một cái tên khá hợp, chắc chắn không phải là một cái tên nhạt nhòa. Nó có thể không an yên nhưng có lửa và thơ mà thiếu lửa, thì có gì đáng đọc.

Nhà thơ Nguyễn đức hạnh.
Khi cảm xúc thầm lặng đi qua cơn bão chữ
Nguyễn Đức Hạnh là một trong những gương mặt thơ đương đại được chú ý bởi giọng trữ tình giàu cảm xúc, mê đắm nhưng cũng lắm day dứt. Đọc thơ anh, tôi có cảm giác như vừa đi qua cơn bão chữ với nhiều sung lực mạnh. Thơ anh không đứng yên ở một kiểu mạch cảm xúc đơn thuần mà luôn vận động giữa hiện thực và biểu tượng,giữa dân gian và hiện đại, giữa cá nhân và cộng đồng.
Đọc thơ Nguyễn Đức Hạnh là bước vào một không gian thẩm mỹ riêng biệt, đó là nơi con người đối thoại với thân phận, văn hóa, thời gian, và cả những cơn mộng mị đan cài ám ảnh. Giọng điệu thơ của anh vừa da diết vừa đa tầng vừa dữ dội vừa trầm mặc với những thi điệu khác nhau. Trong thi điệu thơ da diết và u hoài, ta thấy nỗi buồn là dòng chảy xuyên suốt trong thơ của tác giả này, nhưng không phải nỗi buồn sầu não, mà là một nỗi buồn được chiêm nghiệm, được gạn lọc từ cuộc sống.
Trong bài thơ “Tôi là ống cơm lam nướng vụng”, hình ảnh “tôi” là ống cơm lam cháy đen mà vẫn cố “bùi thơm” thể hiện nỗi niềm của những kiếp người lam lũ, cố gắng dâng hiến chút hương vị đời mình trong thinh lặng.
Với thi điệu có xu hướng trầm mặc và triết lý của Nguyễn Đức Hạnh, những câu thơ trong bài “Hiện sinh trong nhạc Trịnh” hay “Những ký tự trên đá cổ Sa Pa” đều mang nặng giọng điệu tự vấn, ngẫm ngợi về sự tồn tại, về bản chất thiện và ác, về tình yêu và sự vô thường. Thơ anh vừa mềm mại lại vừa chấn động, như “gạn đời từ đục thành trong” như một nỗ lực siêu hình từ bóng tối tiến tới ánh sáng. Còn ở thi điệu dữ dội, thô mộc và nghệ sĩ với các bài thơ “Chợ biên ải” hay “Gặp Quang Dũng hát trên sông Mã”, giọng điệu thơ Nguyễn Đức Hạnh trở nên cuồng nhiệt, mạnh mẽ với nhiều hình tượng sống động, thể hiện một sự mãnh liệt của thiên nhiên và con người.
Phong cách thơ của Nguyễn Đức Hạnh là sự giao thoa giữa dân gian với hiện đại cùng các lớp nghĩa hướng về tính triết lý và liên văn bản, trong đó, đề cao dân tộc tính với các hình ảnh dân gian và ẩn dụ văn hóa. Tác giả mượn hình ảnh gần gũi như ống cơm lam, muối ớt, mèn mén, sông Mã, măng rừng, nhà sàn, dân ca Mường - Thái,… để tạo nên một thế giới trữ tình đậm bản sắc dân dã vùng cao. Trong bài “Chợ biên ải”, hình ảnh “gió mẹ”, “gió cha”, “gió con” chính là sự ẩn dụ về nỗi nhớ nguồn cội và dòng chảy văn hóa xuyên thế hệ.
Với cách sử dụng liên văn bản và các biểu tượng văn hóa nghệ thuật, Nguyễn Đức Hạnh không viết tách rời mà luôn đặt mình trong dòng chảy của thi ca Việt. “Gặp Quang Dũng hát trên sông Mã” là bài thơ “hội ngộ thiêng liêng” giữa hai hồn thơ, tạo nên một mê lộ biểu tượng: sông Mã, hoa ban, cá Anh Vũ, độc huyền cầm… tất cả được “liên kết ngầm” với hồn thơ “Tây Tiến”. Trong “Nghĩ về Văn Cao”, anh tạo dựng một bức chân dung đa tầng của thiên tài qua ba nghệ thuật lớn: thơ - nhạc - họa. Tác giả không chỉ tri ân mà còn tiếp tục “kí thác” ngôn từ như cách Văn Cao gửi gắm âm nhạc vào hồn dân tộc.

Bìa cuốn “Khát cháy” của Nguyễn Đức Hạnh.
Không chỉ thế, khi hướng thơ mình vào chất triết lý - hiện sinh - đa tầng cảm xúc, Nguyễn Đức Hạnh không né tránh những câu hỏi bản thể, những nghịch lý sống còn như trong bài thơ “Hiện sinh trong nhạc Trịnh”: “Người luôn đổi dòng khi chảy về huyệt mộ” khi nói về đời người với cái nhìn chân thực, nhưng đầy thương yêu, bao dung. Câu thơ “Hai con kiến giữa biển Đông” vừa buồn cười vừa xót xa: kiếp người nhỏ bé đến nực cười, nhưng vẫn cần tình yêu để không hóa đá.
Một điểm nhấn quan trọng trong ngôn ngữ thơ của Nguyễn Đức Hạnh là sự phá cấu trúc ngữ pháp với hình tượng mạnh mạnh - sắc - gợi cảm xúc: “Đốt ba đống lửa thơ - nhạc - họa”, “chém chữ mất còn”, “cắn bóng thi nhân ngậm ngùi” khi anh hay dùng các động từ dữ dội như “đốt”, “chém”, “cào”, “giật” để kích hoạt tầng cảm xúc mãnh liệt. Ở một số bài thơ, dường như tác giả của tập thơ "Khát cháy" đề cao ngôn ngữ tượng trưng và trừu tượng hóa với nhiều hình ảnh mang tính ý niệm hóa và trừu tượng hóa thành hình thể cụ thể như “Lửa số phận đốt đau không khóc”, “Nỗi buồn tròn, niềm vui méo”, “Mật ngôn của cánh cò”, “Sóng thần tràn qua vũ trụ sạch không”…
Sự choáng ngợp khiến thơ tràn lấp cảm xúc tự nhiên
Thơ Nguyễn Đức Hạnh thường hướng tới các chủ đề trữ tình đặc trưng như nỗi đau dân tộc; tình yêu bất toàn mang tính hiện sinh khi tình yêu cá nhân gắn với cộng đồng để thơ không chỉ là “thơ tình đôi lứa” mà thường là tình yêu mang tính định mệnh, gắn bó với quê hương và dân tộc.
Trong sự giao cảm với quá khứ với hiện tại và các nghệ sĩ tiền bối, tác giả không chỉ viết cho mình mà còn như nối lại mạch cảm xúc của người đi trước, từ Văn Cao, Trịnh Công Sơn tới Quang Dũng, để từ đó mở rộng không gian trữ tình vượt khỏi thời gian cá nhân.
Với tập thơ "Khát cháy", Nguyễn Đức Hạnh là một nhà thơ của chất thơ “chín kỹ”, kết tinh giữa dân gian với hiện đại, với ngôn ngữ giàu biểu tượng. Thơ anh không dễ hiểu ở lớp nghĩa đầu tiên, nhưng khi đào sâu, sẽ thấy đó là một thế giới thơ dày đặc xúc cảm, suy tưởng và tình yêu thương.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh rất rõ nét, thơ anh cũng bộc lộ một số khiếm khuyết trong cách dựng tứ và dùng chữ. Tổng quan về phong cách trữ tình của anh có thể được nhìn nhận ở cả hai chiều: sức hấp dẫn và sự choáng ngợp đôi khi làm đứt mạch cảm xúc. Ưu điểm là Nguyễn Đức Hạnh có một giọng thơ giàu nội lực, đa tầng và nhiều bản sắc từ tự sự đến hiện sinh. Điểm nổi bật nhất trong thơ anh là giọng điệu thiết tha nhưng không sướt mướt, day dứt nhưng không tuyệt vọng.
Dù viết về tình yêu (Cà phê), thân phận nghệ sĩ (Tự họa), một miền đất (Sông Lam), hay những cuộc độc thoại giữa bóng đêm (Uống với Hoàng Cầm…), thơ anh đều có một tiếng nói trầm lặng, vừa khắc khoải vừa hài hước, vừa tĩnh tại vừa sâu lắng. Thơ anh cũng mang màu sắc triết lý hiện sinh rõ rệt, nơi con người được đặt vào giữa những nghịch lý của đời sống: có - không, sáng - tối, yêu - buông, như trong "Hiện sinh trong nhạc Trịnh" hay "Ga mưa". Cảm giác vô định, trôi dạt, “mất chỗ đứng” nhưng vẫn cố níu giữ điều gì đó mềm mại có tình người.
Hạn chế lớn nhất của Nguyễn Đức Hạnh trong tập "Khát cháy" là không ít khi để thơ tràn lấn cảm xúc tự nhiên. Tác giả dùng liên tưởng khoa trương, đôi lúc quá sức chịu đựng của cấu tứ. Tuy giàu tưởng tượng, nhưng không ít lần Nguyễn Đức Hạnh để cảm hứng trôi quá xa, vượt khỏi giới hạn tự nhiên của hình tượng. Một số bài thơ (như "Cà phê", "Ga mưa", "Tự họa") xuất hiện những câu chữ khoa trương, như cố tình gây ấn tượng: “Hai câu thơ xa tít hai miền/ Lỡ mắc vào nhau thành dây buộc bão” hoặc “Người thành sách quý bị rách mất trang”. Những hình ảnh này tuy sáng tạo nhưng có cảm giác bị gò ép, “phô diễn kỹ thuật” hơn là tuôn chảy cảm xúc, làm mất đi sự chân thành cần có trong một bài thơ trữ tình.
Một số bài của anh có tứ thơ dàn trải, sa vào liệt kê và trưng bày biểu tượng như "Sông Lam" hay "Uống với Hoàng Cầm"… có dấu hiệu dồn quá nhiều chất liệu vào một bài duy nhất, khiến bố cục tản mạn, thiếu điểm nhấn. Hình ảnh đẹp có, biểu tượng lạ có, nhưng thiếu sự cô đọng và tiết chế nên chất thơ bị loãng, mạch cảm xúc khó tập trung. Thơ là nghệ thuật của khoảng lặng, nhưng Nguyễn Đức Hạnh dường như không cho phép bài thơ “thở”, mà liên tục dồn dập hình ảnh, chữ nghĩa, khiến người đọc có lúc mệt mỏi vì bị đẩy vào mê cung ngôn từ không có lối ra.
Một vài hình ảnh trong thơ rơi vào mỹ từ rỗng khi câu chữ của anh đôi lúc quá đẹp nhưng lại thiếu điểm tựa cảm xúc, như: “Thở thật buồn sen bay trắng ngàn mây” với câu thơ như một bức tranh lụa đẹp mà lạnh, nhưng không chạm vào được tâm khảm người đọc. Trên đây, tôi điểm qua một số ưu điểm và nhược điểm trong tập thơ "Khát cháy" của Nguyễn Đức Hạnh. Mong rằng với một nội lực thơ đang tới độ chín kỹ, ta sẽ đợi chờ anh ở các tập thơ tiếp theo.