Những con chuột nổi tiếng trong tranh của danh họa Việt

Tí là con vật biểu tượng, đứng đầu tiên trong thập nhị địa chi, Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Tý là tháng đầu tiên của năm, tháng Một (Một, Chạp, Giêng/ thấy Tết, Hai…). Tý là giờ đầu tiên của ngày, 11h-1h đêm. Tý có nghĩa là bắt đầu, như cái cây đã bén rễ, chuẩn bị đâm chồi nảy lộc.

Đám cưới chuột, tranh dân gian Đông Hồ được nhà nghiên cứu Thu Hòa đưa lên gốm Biên Hòa

Đám cưới chuột, tranh dân gian Đông Hồ được nhà nghiên cứu Thu Hòa đưa lên gốm Biên Hòa

Trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, hình ảnh chuột ít xuất hiện. Tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng không có chuột, nhưng tranh Đông Hồ thì có 3 bức: “Chuột vinh quy bái tổ”; “Đám cưới chuột” và “Chuột múa rồng”. Ở đình làng Đông Hồ còn một bia đá thời Lê Hy Tông (1680) chạm hình 2 con chuột đang giã gạo.

Như đã nói chuột là con vật biểu tượng cho nên, trong tranh dân gian Đông Hồ, các nghệ nhân xưa đều đã tạo hình chuột theo kiểu người hóa để kể những câu chuyện của con người. Ví dụ: Trong “Đám cưới Chuột” là một bức tranh châm biếm với hình ảnh hai chú chuột dâng cá và chim bồ câu để đút lót mèo già.

Tranh chuột của họa sĩ Tào Linh

Tranh chuột của họa sĩ Tào Linh

Mỹ thuật hiện đại với thế hệ khởi đầu là các họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí học khóa 1931-1936, là bậc thầy của chất liệu sơn mài nhưng bên cạnh đó ông còn rất nổi tiếng với thể loại tranh biếm họa. Trước 1945, ông là họa sĩ chủ lực tranh biếm họa của 2 báo Phong Hóa và Ngày Nay. Báo Phong Hóa số 75 và 76 năm 1933 có bức “Đám cưới” và “Hậu cưới”, các nhân vật đều là chuột.

Năm 1960 (Canh Tý), trên tờ Tự Do (Sài Gòn) số Tết có bức 5 con chuột đang gặm quả dưa hấu ám chỉ sự mục ruỗng của chế độ gia đình trị của 5 anh em họ Ngô. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí có nhiều bút danh nhưng có một bút danh đặc biệt, có những bức không ký tên nhưng ông vẽ hình một chú chuột nhắt ở góc tranh, thì mọi người đều biết. Sau này họa sĩ Lưu Công Nhân cũng dùng hình con nhái làm “nick name”.

Chuột của nhà điêu khắc Đinh Công Đạt

Chuột của nhà điêu khắc Đinh Công Đạt

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là họa sĩ duy nhất có đầy đủ bộ sưu tập 12 con vật biểu trưng của năm, năm nào con đó, chất liệu bột màu trên giấy. 4 đề tài làm nên sự nghiệp của Nguyễn Tư Nghiêm là “Múa cổ”, “Kiều”, “Gióng” và 12 con giáp. Năm 2008, Nhà xuất bản Mỹ thuật in một cuốn sách của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm chuyên về tranh con giống.

Thêm một họa sĩ thế hệ trường Mỹ thuật Đông Dương nữa yêu thích vẽ con chuột là họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh (1917-1991), ông học cùng khóa (1931-1936) với Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn…

Chuột vẽ trên gốm của họa sĩ Nguyễn Hồng Phương

Chuột vẽ trên gốm của họa sĩ Nguyễn Hồng Phương

Trong cuốn “Thơ ngụ ngôn La Fontaine”, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, minh họa Ngô Mạnh Quỳnh in ở Hà Nội năm 1943, bài thơ “Hội đồng Chuột” được ông tạo hình những chú chuột theo điệu bộ người, tâm trạng người rất sinh động, hóm hỉnh. Ở một cuốn khác, cũng của học giả Nguyễn Văn Vĩnh tuyển lựa những bài hát đồng dao, cuốn “Trẻ con hát”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh trở lại với hình ảnh chuột trong bài “Mèo trèo cây cau”, chú chuột được vẽ động tác như người và mặc quần áo của một anh nông dân. Đẹp và ngộ nghĩnh!

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Chia tay năm Kỷ Hợi đón Canh Tý, nhóm họa sĩ G39 cũng đã tổ chức một triển lãm chuyên về hình ảnh chuột vàng để đón chào năm mới, với các chất liệu gốm Hương Canh, gốm Bát Tràng, sơn dầu, giấy dó…

Chào một giáp mới, chào một năm mới, chào Canh Tý.

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nhung-con-chuot-noi-tieng-trong-tranh-cua-danh-hoa-viet/840200.antd