Những con đường nghìn tỷ làm thay đổi hạ tầng giao thông
Giao thông là một trong những 'chìa khóa' mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội. Đối với Thái Nguyên, kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư mở rộng, đồng bộ hóa...
Giao thông là một trong những “chìa khóa” mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội. Đối với Thái Nguyên, kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư mở rộng, đồng bộ hóa...
Thái Nguyên vừa là một cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, vừa là trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc. Với vị trí “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” của tỉnh, ngay từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên đã được chọn làm Thủ đô kháng chiến.
Từ Thái Nguyên có thể tỏa đi các hướng theo Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B. Đây là những tuyến đường chính được hình thành từ cách đây gần 80 năm. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông Thái Nguyên chỉ mới thực sự được quan tâm đầu tư một cách thỏa đáng từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây.
Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có gần 330km Quốc lộ và đường cao tốc, hơn 400km đường tỉnh và hơn 4.000km đường huyện, đường liên xã, đường xóm được liên thông, kết nối thuận lợi.
Những năm qua, Thái Nguyên đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng hiện đại. Đến nay, ngoài các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện, đường liên xã đã thảm nhựa, bê tông hóa đạt 100%, hệ thống giao thông nông thôn đã được bê tông hóa hơn 80%.
Đối với Thái Nguyên, trước đây tuyến Quốc lộ 3 cũ từ Hà Nội - Thái Nguyên - Cao Bằng - Cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc và Quốc lộ 37, Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang là những trục đường “xương sống”. Hạ tầng giao thông Thái Nguyên thực sự có bước chuyển biến sau khi tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được đầu tư, có chiều dài hơn 60km, với tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng, hoàn thành vào đầu năm 2014.
Cùng với đó, Quốc lộ 3, đoạn cầu Đa Phúc - TP. Thái Nguyên cũng được đầu tư nâng cấp, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo giao thông của tỉnh. Năm 2014, tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới được đầu tư theo hình thức BOT, với tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng.
Những dự án giao thông này giảm áp lực cho Quốc lộ 3 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải, Thái Nguyên đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối, có tính liên kết cao, như: Đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội; Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; đường Hồ Chí Minh, đoạn Yên Ninh (Phú Lương) - Chợ Chu (Định Hóa) - Ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang).
Đây là những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa mọi mặt, cả về phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Trong giai đoạn 2020-2025, Thái Nguyên sẽ huy động khoảng 10 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, dựa trên Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt.
Thời gian qua, Thái Nguyên cũng đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường có ý nghĩa quan trọng, kết nối các địa phương trong tỉnh, như: ĐT.261, đoạn thị trấn Hùng Sơn - thị trấn Quân Chu (Đại Từ), với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng; ĐT.273 đoạn Hóa Thượng - Hòa Bình (Đồng Hỷ) có tổng vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng; tuyến Cù Vân - An Khánh - Quyết Thắng có tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng; ĐT.266, đoạn ngã tư Sông Công - đường tròn Điềm Thụy, vốn đầu tư gần 220 tỷ đồng; đường Chùa Hang - Huống Thượng; đường Việt Bắc giai đoạn 1, giai đoạn 2…
Nhờ mạng lưới giao thông ngày càng hoàn thiện nên năng lực vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh cũng được nâng cao, với tổng lượng hàng hóa gần 30 triệu tấn và hàng triệu lượt hành khách. Thái Nguyên được đánh giá là một trong những tỉnh có hạ tầng giao thông phát triển mạnh của vùng trung du và miền núi phía Bắc, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.