Những con đường trải vàng rơm khô

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê, nơi những con đường làng không tên uốn lượn qua những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay bát ngát. Tuổi thơ tôi không có phố thị phồn hoa, không ánh đèn cao áp. Thay vào đó là bầu trời trong xanh với những cánh diều to nhỏ chấp chới chao nghiêng, có tiếng gà gáy râm ran và có những con đường vàng lóng lánh sau mỗi mùa gặt, trải đầy rơm khô như lối đi riêng phủ kín từng mảnh ký ức tròn đầy.

Minh họa: NGỌC DUY

Minh họa: NGỌC DUY

Mùa gặt luôn là mùa bận rộn nhưng cũng là mùa rộn rã tiếng cười. Mỗi khi lúa chín vàng, cả làng xôn xao như vào hội. Người lớn ra đồng từ tinh mơ, tay liềm tay hái thoăn thoắt. Trẻ con chúng tôi, dù không đỡ đần được nhiều, vẫn hăm hở theo mẹ, theo bà ra đồng những sáng còn thảng mờ hơi sương.

Ngày ấy, lúa sau khi gặt xong được gom lại, bó thành từng bó, lật ngược đầu rạ cho khô rồi tuốt bằng máy quay tay. Rơm sau khi tuốt được phơi ngay bên vệ đường. Cả con đường làng dài tít tắp từ đầu thôn đến tận lối ra đồng, biến thành một thảm nắng vàng mềm mại, ấm áp.

Những sợi rơm còn ẩm mùi sương đêm, được mẹ tôi khéo léo dàn đều, chờ nắng lên hong khô. Khi ánh mặt trời cao vút, rơm khô giòn, xốp nhẹ, ánh lên sắc vàng óng ánh như dát mật. Trải qua ba bốn lần phơi dưới con nắng vàng giòn như vậy, rơm mới được chất lên xe thồ hoặc xe bò chở về nhà mà quây thành đống, thành ụ.

Những con đường khi ấy là cả một thế giới thần tiên đối với lũ trẻ chúng tôi. Chúng tôi tung tăng chạy nhảy, nô đùa trên thảm rơm ấy như đang lạc bước trong truyện cổ tích. Có lần, tôi và tụi bạn cùng xóm gom rơm làm nhà, đắp thành từng ụ như lũ trẻ thành phố chơi xếp hình.

Có đứa táo bạo hơn còn lấy rơm, quấn quanh thân cây chuối già hoặc tàu lá dừa khô làm ngựa cưỡi, tay cầm que tre làm kiếm, tưởng mình là tướng lĩnh thời xưa đi dẹp giặc. Tiếng cười vang cả xóm nhỏ, rộn ràng hơn cả tiếng tuốt lúa, tiếng máy nổ giữa đồng chiều.

Mùi rơm khô cũng là một phần hương thơm gắn liền với quê hương tôi. Đó là mùi ngai ngái của rạ lúa, quyện với nắng và gió đồng. Đó còn là mùi của mùa màng, của giọt mồ hôi cha đổ xuống ruộng, của vết chai tay mẹ sần sùi theo năm tháng. Mỗi khi đi xa, chỉ cần vô tình bắt gặp mùi rơm đâu đó, tim tôi lại bất chợt se thắt, như thể vừa được đánh thức một miền ký ức ngủ quên.

Nhưng bây giờ, những con đường trải rơm ấy chỉ còn trong hoài niệm. Làng tôi đã thay áo mới. Đường làng đã được đổ bê tông phẳng lỳ, sạch sẽ. Máy gặt đập liên hợp thay thế bàn tay người, lúa tuốt xong là đưa thẳng về nhà. Không còn cảnh gom rơm phơi trên đường, không còn thảm vàng rực dưới chân lũ trẻ. Bây giờ cũng chẳng mấy đứa biết chơi với rơm, bởi chúng đã quen với điện thoại, tivi và những trò chơi trong thế giới internet huyền ảo.

Tôi trở về quê, đứng trước ngả đường dẫn vào làng mà chẳng nhìn thấy chút vết tích ngày xưa đâu nữa. Cũng con đường ấy, cũng lối đi dẫn ra đồng chiều, nhưng không còn cảnh người người miệt mài gặt lúa, gương mặt đầm đìa, lã chã mồ hôi nhưng ánh lên niềm vui khôn tả vì mùa màng bội thu những bông lúa trĩu hạt.

Cả khoảng trời rộng lớn thênh thang, chỉ còn lại bóng tôi trơ trọi dưới bóng cột điện và dãy hàng rào sắt mới dựng. Thèm được một lần nhìn thấy rơm vàng trải kín lối, thèm được hít căng lồng ngực mùi rơm khô giữa trưa nắng, thèm được nghe tiếng cười trong trẻo của mình ngày xưa với đôi chân trần chạy trên thảm rơm trải nắng vàng rát bỏng.

Dẫu có chút luyến tiếc vô ngần, nhưng nhìn lại thấy quê mình có chút thay da đổi thịt, nhất là trong khoảnh khắc sáp nhập hành chính các tỉnh thành hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong lòng tôi lại trào dâng niềm tự hào. Lòng thầm nhủ rằng, không phải con đường đã mất, mà chỉ là thời gian đã tạm mang giấu đi đâu đó.

Vì đã từng có một thời, những con đường làng quê không chỉ là lối đi, mà còn là nơi ươm mầm cho những ước mơ non nớt của đám trẻ con trong sự mong mỏi của những người dân quê chân lấm tay bùn.

Tạm khép lại những con đường làng trải vàng rơm khô trong ký ức, lòng tôi mở ra với ước mong cho quê mình ngày càng phát triển, phồn vinh. Để những con đường rơm khô trong ký ức dù có mất đi, vẫn vẹn nguyên óng vàng, thơm ngát và ấm áp như một vầng dương không bao giờ lặn trong hoài niệm của biết bao thế hệ sinh ra và lớn lên từ những làng quê tươi đẹp, bình yên.

Song Ninh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nhung-con-duong-trai-vang-rom-kho-195634.htm