Những con số ấn tượng trong phát triển giáo dục và đào tạo ở Quảng Trị
Thời gian qua, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và tình hình thực tế của địa phương, ngành GD&ĐT Quảng Trị triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển GD&ĐT, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài và đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
Một trong những kết quả nổi bật nhất là chất lượng giáo dục không ngừng nâng lên. Trong 5 năm từ 2015 - 2020, toàn tỉnh có hàng ngàn em đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh ở cấp THCS và THPT; có 121 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia THPT. Nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi như giải Toán qua mạng internet, trên máy tính Casio, các cuộc thi và sân chơi trí tuệ cấp quốc gia, đặc biệt có 2 học sinh giành ngôi quán quân, 1 học sinh đạt á quân, 1 học sinh đạt giải Ba chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia (Năm thứ 15, 17 và 18). Ngoài ra còn có 5 học sinh đoạt giải khu vực và quốc tế…
Học sinh sau tốt nghiệp THCS vào trường THPT chiếm 85%- 90%; vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên, trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề chiếm tỉ lệ từ 2,5%- 4,5%, học sinh dừng học ở nhà, đi làm từ 8,5%- 10,5%. Sau tốt nghiệp THPT, tỉ lệ học sinh vào đại học, cao đẳng từ 63%- 67%; học sinh sau tốt nghiệp THPT đi học nghề khoảng 13%- 14%, học sinh tham gia trực tiếp vào thị trường lao động khoảng 19%- 24%.
Cấp THCS và THPT, chất lượng hai mặt (học lực và hạnh kiểm) được duy trì vững chắc, ngày càng đi vào thực chất. Quy mô dạy học tiếng Anh chương trình 10 năm tăng, trong đó cấp THCS năm học 2015 - 2016, lớp 6 đạt 62,7%, lớp 7 đạt 13,3%, lớp 8 và lớp 9 chưa triển khai; đến năm học 2019 - 2020, lớp 6 đạt 89,5%, lớp 7 đạt 87,2%, lớp 8 đạt 85,2%, lớp 9 đạt 76,3% và đã triển khai ở 116 trường trong 134 trường có cấp học THCS. Cấp THPT có 20 trường dạy tiếng Anh chương trình 10 năm, tăng 8 trường so với năm học 2015- 2016. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS bình quân 5 năm 2015- 2019 đạt 99,62%. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT (THPT và GDTX) bình quân 5 năm 2015 - 2019 đạt 91,85%. Tỉ lệ huy động học sinh các cấp học trong độ tuổi đi học ngày càng tăng, đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao hằng năm.
Công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực, 100% xã, phường, thị trấn duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ, phổ cập giáo dục bậc trung học đến nay có 84/141 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 59,57%...
Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Lê Thị Hương cho biết: “Ngành GD&ĐT Quảng Trị tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách về GD&ĐT, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên cũng như đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định để giáo viên yên tâm công tác. Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả bộ tiêu chuẩn cán bộ quản lý cũng như đánh giá, phân loại, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn chức danh cụ thể. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT cũng như chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra để giữ vững kỷ cương, nền nếp, đồng thời phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục. Bên cạnh đó, sở đã kịp thời thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng tạo động lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cũng như học sinh tích cực thi đua…”.
Cùng với đó, ngành GD&ĐT tích cực thực hiện việc sáp nhập trường, lớp theo chủ trương của tỉnh đạt tiến độ và hiệu quả đề ra. Theo đó, từ 30/6/2018 đến 31/12/2019 trên địa bàn tỉnh đã sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, giảm 99 trường học, giảm 96 cấp trưởng và 31 cấp phó.
Trước yêu cầu phát triển sự nghiệp GD&ĐT trong tỉnh, ngành GD&ĐT đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 98%. 100% xã, phường, thị trấn duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập THCS, tỉ lệ người dân trong độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ trên địa bàn tỉnh đạt 98%. Tỉ lệ giáo viên mầm non và giáo viên THPT đạt chuẩn 100%, giáo viên tiểu học đạt chuẩn 98,85%, giáo viên THCS đạt chuẩn 98,8%. Đến năm 2025, tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 85%. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT bình quân 5 năm đạt từ 90% trở lên. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp đạt 25%, học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng đạt 30%. Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mầm non 70%, tiểu học 80%, THCS 80%, THPT 60%, trường phổ thông có nhiều cấp học 60%. Hằng năm, tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị đạt danh hiệu Lao động tiên tiến từ 95% trở lên.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương cho biết: “Ngành GD&ĐT Quảng Trị tiếp tục triển khai tốt Chương trình hành động số 95 ngày 23/7/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; tiếp tục tham mưu tỉnh cụ thể hóa chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về GD&ĐT để ban hành cơ chế, chính sách phát triển GD&ĐT tại địa phương. Chuẩn bị đầy đủ điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh hợp lý, phù hợp với từng vùng, địa phương. Xây dựng phương án tự chủ tiến đến chuyển đổi mô hình từ công lập ra ngoài công lập tại một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở địa bàn có khả năng xã hội hóa cao.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với vị trí việc làm, đảm bảo sự cân đối, hợp lý về số lượng, chất lượng giữa các cấp học, ngành học, giữa các vùng miền trên phạm vi toàn tỉnh. Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng mất cân đối về đội ngũ giáo viên ở các ngành học, cấp học trên địa bàn tỉnh. Sàng lọc và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ, giáo viên không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý một cách khoa học, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ở từng cấp học, bậc học…”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152356