Những con số về kết quả thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 của ngành giáo dục

Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận yêu cầu kết nối để báo cáo học bạ số của 63/63 Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia (được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020); nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022) làm cơ sở triển khai ứng dụng công nghệ thông và chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

Trong đó chỉ ra 3 trụ cột chính của chuyển đổi số trong giáo dục gồm: Chuyển đổi số trong các hoạt động dạy, học, kiểm tra đánh giá; Chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục và quản lý ngành giáo dục; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số.

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 và thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) với mục tiêu ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Những kết quả đạt được

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và Đề án 06, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai được một số nhiệm vụ quan trọng.

Thứ nhất, về xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục

Đối với số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục: Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục gồm:

Cơ sở dữ liệu giáo dục mầm non, đã số hóa dữ liệu của gần 22.000 cơ sở giáo dục và nhóm trẻ độc lập; gần 500 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 5 triệu hồ sơ trẻ em

Cơ sở dữ liệu giáo dục phổ thông, đã số hóa dữ liệu của hơn 26.000 cơ sở giáo dục; gần 800.000 hồ sơ giáo viên và hơn 18 triệu hồ sơ học sinh.

Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS) với 470 cơ sở đào tạo đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học.

Đối với kết nối cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia: Trong khuôn khổ triển khai của Đề án số 06, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia gồm:

Kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý): Từ năm 2022, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã kết nối và xác thực và định danh của hơn 24 triệu giáo viên và học sinh (đạt tỷ lệ gần 98%). Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục cũng đã làm giàu cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin giáo dục của hơn 24 triệu công dân.

Kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý): Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS) đã kết nối, đồng bộ dữ liệu về sinh viên đã ra trường (người lao động có việc làm). Hàng năm đã kết nối và đồng bộ chia sẻ dữ liệu việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp (ngành giáo dục biết được mã số bảo hiểm của sinh viên ra trường, mức lương bao nhiêu, làm việc trong lĩnh vực gì, ..). Hiện nay các cơ sở đào tạo đang tiếp tục rà soát cập nhật dữ liệu sinh viên ra trường để có báo cáo đánh giá, phân tích tin cậy.

Kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức viên chức (do Bộ Nội vụ quản lý):đã kết nối cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học với cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức viên chức, trước mắt để báo cáo dữ liệu về viên chức của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo lên cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức viên chức. Hiện nay đã thực hiện báo cáo được gần 18.000 hồ sơ viên chức của các đơn vị trực thuộc Bộ (trên tổng số 20.000) lên cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ hai, triển khai các ứng dụng trên nền tảng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục

Trên cơ sở dữ liệu sạch, ngành giáo dục đã và đang triển khai hiệu quả các ứng dụng phục vụ người dân (học sinh, giáo viên, nhà trường) gồm:

Phục vụ công tác thống kê, quản lý, điều hành ngành giáo dục: Cơ sở dữ liệu ngành đã cấp tài khoản cho 63 Sở và hơn 700 Phòng Giáo dục và Đào tạo để khai thác sử dụng phục vụ quản lý giáo dục.

Triển khai Dịch vụ công trực tuyến Đăng kí dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông: từ năm 2022, mỗi thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được cấp một tài khoản (dự trên mã số căn cước công dân) để thực hiện việc đăng ký hồ sơ tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Năm 2024 đã có 1.071.390 thí sinh đăng ký trực tuyến (chiếm tỷ lệ 94,66% tổng số thí sinh đã đăng ký – số còn lại là thí sinh tự do yêu cầu đăng ký trực tiếp tại các điểm thi). Với việc triển khai dịch vụ này đã tiết kiệm thời gian và công sức cho thí sinh và các thầy cô giáo (trong số hóa, nhập dữ liệu), giảm thiểu các sai sót đáng có và giúp thí sinh dễ dàng sử dụng thông tin (nếu có sai sót) và tra cứu kết quả kỳ thi.

Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngành giáo dục triển khai dịch vụ công trực tuyến về đăng ký xét tuyển đại học: với dịch vụ này, mỗi thí sinh (hàng năm có khoảng 700.000 thí sinh tham gia xét tuyển đại học) được cấp tài khoản (sử dụng tài khoản đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông) để đăng ký các nguyện vọng xét tuyển đại học (chọn nguyện vọng, chọn trường, chọn ngành, chọn phương thức xét tuyển), đóng lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Hệ thống xét tuyển chung (trực tuyến) sẽ công bố kết quả trúng tuyển, các thí sinh sẽ đăng ký nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống. Toàn bộ quy trình đăng ký, xét tuyển, nhập học đều được thực hiện trực tuyến. Với việc triển khai dịch vụ này đã tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại của các thí sinh (do thực hiện các quy trình, thủ tục hoàn toàn trực tuyến), công khai, minh bạch và mang lại sự hiệu quả của công tác tuyển sinh đại học hàng năm.

Khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ dịch vụ công về tuyển sinh đầu cấp: hiện nay đang là mùa tuyển sinh vào đầu các cấp học trong ngành giáo dục, trong tuyển sinh có thông tin rất quan trọng là Điểm ưu tiên theo khu vực, được xác định dựa trên lịch sử thường trú của thí sinh. Với sự hỗ trợ của Bộ Công an trong cập nhật, chia sẻ dữ liệu về lịch sử thường trú của thí sinh (năm 2024 đã kết nối dữ liệu của 760.000 học sinh) với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, 100% nhà trường đã khai thác sử dụng dữ liệu này trực tuyến cho việc xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và nhiều trường dân tộc nội trú khai thác phục vụ tuyển sinh đầu cấp, mà không dùng đến Giấy tờ xác nhận thường trú. Đây cũng là một lợi ích rất lớn từ cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư hỗ trợ cho ngành giáo dục.

Bên cạnh việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến tập trung toàn quốc, nhiều địa phương đã tích cực ứng dụng cơ sở dữ liệu ngành để triển khai các dịch vụ công trực tuyến về tuyển sinh đầu cấp (Hà Nội và Thành phố Hồ Chính Minh là 2 địa phương tiên phong, triển khai có hiệu quả). Với việc triển khai dịch vụ này, phụ huynh (học sinh) sẽ được cấp tài khoản để thực hiện quá trình đăng ký xét tuyển và tương tác với cơ sở giáo dục trong công tác xét tuyển, nhận kết quả. Việc triển khai này sẽ mang lại sự tiện lợi của phụ huynh (học sinh) không cần phải đến trực tiếp các trường để nộp hồ sơ, giúp giảm bớt thời gian và chi phí đi lại; giúp công khai minh bạch quá trình đăng ký và xét tuyển và giảm tải cho các trường trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ xét tuyển.

Thứ ba, triển khai thí điểm học bạ số

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành thí điểm học bạ số trong tháng 6/2024, và triển khai đại trà từ năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì tổ chức triển khai học bạ số cấp tiểu học (thí điểm cho khối 1,2,3 và 4) như:

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định việc triển khai học bạ số là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành giáo dục, thúc đẩy phát triển xã hội số, góp phần triển khai có hiệu quả Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc triển khai học bạ số mang đến sự minh bạch trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; hướng đến sự tiện dụng trong việc sử dụng học bạ trong các thủ tục hành chính (không dùng học bạ giấy), góp phần tiết kiệm chi phí, mang lại sự tiện lợi cho người dân khi cần sử dụng học bạ; triển khai học bạ số sẽ hạn chế các bất cập trong triển khai học bạ điện tử trong ngành giáo dục thời gian vừa qua.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định việc triển khai học bạ số là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành giáo dục, thúc đẩy phát triển xã hội số, góp phần triển khai có hiệu quả Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định việc triển khai học bạ số là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành giáo dục, thúc đẩy phát triển xã hội số, góp phần triển khai có hiệu quả Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là nhiệm vụ thuộc Đề án 06, có trách nhiệm tham gia triển khai ở Trung ương (do Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối) và 63 tỉnh/thành phố (trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố). Để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 213/KH-BGDĐT, ngày 01/3/2024 về việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học; tổ chức Hội nghị triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học (ngày 15/3/2024) và đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai học bạ số.

Đến thời điểm này (tháng 7/2024) đã thu nhận được kết quả thí điểm như sau:

Đã đưa ra được mô hình, giải pháp kỹ thuật triển khai học bạ số trên phạm vi toàn quốc; ban hành đặc tả kỹ thuật học bạ số, phương thức kết nối chia sẻ dữ liệu học bạ số và hướng dẫn các Sở GDĐT tổ chức thực hiện thí điểm.

Đến nay (đến ngày 22/7), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận yêu cầu kết nối để báo cáo học bạ số của 63/63 Sở Giáo dục và Đào tạo. Số lượng học bạ số đã gửi về cơ sở dữ liệu của Bộ là 3.055.019 (chiếm tỷ lệ 43% học sinh khối 1,2,3 và 4).

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổng hợp kết quả triển khai từ các địa phương để chuẩn bị Hội nghị Tổng kết thí điểm, để có đánh giá, điều chỉnh mô hình (nếu cần thiết), và xác định kế hoạch triển khai học bạ số trong thời gian tới.

Thứ tư, chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học

Thực hiện Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý, tổ chức dạy học trực tuyến trong giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt dạy và học được các nhà trường quan tâm, duy trì:

Kho học hiệu số igiaoduc.vn chia sẻ dùng chung toàn ngành (bao gồm cả học liệu mở) đã được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng, chia sẻ hơn 9.130 bài giảng e-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới để học sinh và giáo viên tham khảo sử dụng, đáp ứng nhu cầu dạy và học trực tuyến.

Ngoài ra, thống kê cho thấy tại các cơ sở giáo dục phổ thông đã chủ động xây dựng và đưa vào khai thác trong dạy và học với gần 1 triệu học liệu số (gồm bài giảng e-learning, bài trình chiếu, sách giáo khoa, video, thí nghiệm ảo, …). Số lượng học liệu số trên chưa phủ đều trên các môn học, bậc học theo chương trình giáo dục phổ thông; chất lượng đáp ứng yêu cầu về tự học chưa cao; nội dung học liệu số vẫn tập trung vào một số môn học như Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng việt.

Phần mềm dạy học trực tuyến đã được các nhà trường chuyển từ phần mềm dạy trực tuyến trực tiếp (như Zoom, Meet, Teams) sang dùng các hệ thống Quản lý học tập (LMS) như là công cụ kết nối, tương tác giữa nhà trường, giáo viên với học sinh và phụ huynh trong thực hiện các hoạt động dạy và học.

Phương hướng triển khai chuyển đổi số và Đề án 06 trong năm học mới

Năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, toàn ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục triển khai có hiệu quả 02 Đề án của Thủ tướng Chính phủ là: “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025”.

Tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến dùng chung; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục.

Tiếp tục triển khai mở rộng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm nâng cao tiện ích và hiệu quả cho công tác quản lý giáo dục. Một số cơ sở dữ liệu cấu phần sẽ tiếp tục được mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động gồm cơ sở dữ liệu về: giáo dục mầm non, giáo dục thể chất, giáo dục dân tộc, công tác chính trị học sinh sinh viên, cơ sở vật chất và chuyển đổi số.

Nâng cấp, triển khai hệ thống thông tin phổ cập giáo dục - chống mù chữ trên cơ sở kết nối và kế thừa dữ liệu sẵn có từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.

Hoàn thành thí điểm triển khai học bạ số bậc tiểu học và triển khai học bạ số trong năm học 2024-2025: các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về nguồn lực để tổ chức triển khai trong năm học mới.

Triển khai nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý”, hướng đến triển khai văn bằng số và chứng chỉ số.

Triển khai 03 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (theo Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành giáo dục đào tạo có trách nhiệm triển khai 3 thủ tục hành chính trực tuyến, toàn trình):

- Chuyển trường đối với học sinh trung học phổ thông/Xin học lại tại trường khác đối với học sinh trung học.

- Nhóm thủ tục Hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo/Trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

- Nhóm thủ tục Hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người/Xét, duyệt chính sách hỗ trợ đối với học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số, học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Kinh/Đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí đối với người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Ban hành Khung năng lực số đối với người học; Khung năng lực số đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với cơ sở giáo dục mầm non, đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo.

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng và Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số.

Linh An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhung-con-so-ve-ket-qua-thuc-hien-chuyen-doi-so-va-de-an-06-cua-nganh-giao-duc-post244370.gd