Những con sóng ngầm vẫn chực chờ ập tới kênh đào Suez
Trong báo cáo mới nhất vừa được công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024. Tuy nhiên, bên cạnh đó, họ cũng đưa ra những cảnh báo về nguy cơ lạm phát hay căng thẳng thương mại có thể xảy đến trong ngắn hạn.
Trong một diễn biến tưởng chừng không liên quan, các nhà quản lý Ai Cập cho biết: Doanh thu thường niên từ kênh đào Suez đã giảm tới 25% trong năm tài chính vừa khép lại, do tình trạng bạo lực leo thang trên Biển Đỏ. Và, thậm chí, với những diễn biến mới cực kỳ căng thẳng xoay quanh tình hình chiến sự ở Trung Đông, mọi chuyện còn có thể tồi tệ hơn gấp bội.
Nỗi thất vọng mang tên Suez
Đầu tháng 5/2024, những biểu hiện lạc quan vẫn được ông Osama Rabie - Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập cố gắng đưa ra, khi ông bộc lộ sự tin tưởng rằng: Bất chấp tác động tiêu cực từ các cuộc tiến công mà lực lượng Houthi ở Yemen thực hiện nhắm vào các chuyến tàu thương mại trên Biển Đỏ (nhằm trả đũa hoạt động quân sự của Israel tại Dải Gaza), dự kiến doanh thu từ kênh đào Suez vẫn có thể đạt tới 9 tỷ USD trong năm tài khóa 2024-2025.
Kỷ lục cao nhất về doanh thu mà cơ quan quản lý kênh đào Suez ghi nhận chính là năm tài khóa 2022-2023, với mức 9,4 tỷ USD. Tuy nhiên, đó là trước khi cuộc xung đột ở Dải Gaza bắt đầu nổ ra ngày 7/10/2023, kéo theo các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ.
Còn thực tế, 3 tháng đầu năm 2024, theo Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly, doanh thu từ kênh đào Suez đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Và, đến hiện tại, ngày 18/7, ông Osama Rabie cho biết: Doanh thu từ tuyến vận tải này giảm xuống chỉ còn 7,2 tỷ USD trong năm tài khóa 2023-2024. Nếu tính theo số lượt tàu thuyền qua lại kênh đào thì số liệu của năm tài khóa mới giảm xuống 20.148, ít hơn gần 6.000 lượt so với mức 25.911 lượt ghi nhận vào năm tài khóa trước đó.
Cần phải nhấn mạnh: Kênh đào Suez là nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Chính phủ Ai Cập. Vì vậy, những năm gần đây, Ai Cập đã nỗ lực tăng nguồn thu từ kênh đào Suez theo nhiều phương thức, bao gồm cả việc đầu tư mở rộng tuyến vận tải biển này vào năm 2015. Rõ ràng, những hành động kịp thời ấy đã mang lại hiệu quả vô cùng tích cực và đầy hứa hẹn, mà minh chứng chính là mức doanh thu kỷ lục 9,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi chóng mặt, kể từ thời điểm căng thẳng bùng lên hồi tháng 10/2023. Bất chấp những nỗ lực của liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi, lực lượng Hồi giáo này vẫn không ngừng tấn công các tàu ở Biển Đỏ, đặc biệt là những tàu liên quan Israel, Mỹ và Anh. Không còn cách nào khác, bối cảnh cực kỳ nguy hiểm và nhiều rủi ro này đã khiến một số công ty vận tải - bao gồm cả những hãng logistic lớn nhất thế giới như Maersk hay Hapag-Lloyd bắt buộc phải tuyên bố tái định tuyến, chuyển hướng những đội tàu của mình khỏi kênh đào Suez, chấp nhận sử dụng tuyến đường hàng hải đắt đỏ hơn và dài hơn tới 10 ngày qua mũi Hảo Vọng (cực Nam châu Phi), cho dù tuyến đường ấy cũng có sự hoành hành của cướp biển. Đối với các chuyến hành trình Âu-Á, việc chuyển hướng đến mũi Hảo Vọng làm tăng thời gian vận chuyển từ 30-50%.
Chuyện doanh thu từ kênh đào Suez sụt giảm thậm chí đã được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) dự báo từ giữa quý II/2024. Đó là một sự thất vọng được báo trước và Ai Cập bắt buộc phải chấp nhận. Điều này cũng đồng nghĩa: Nếu không thể sớm có các biện pháp ngăn chặn căng thẳng tiếp tục leo thang, thì hy vọng đạt mức doanh thu 9 tỷ USD trong năm tài khóa 2024-2025 cũng sẽ chỉ là ảo vọng. Thậm chí, theo UNDP ước đoán, tổng doanh thu từ kênh đào Suez và du lịch của Ai Cập sẽ thâm hụt đến 9,9 tỷ USD trong các năm tài khóa 2023-2024 và 2024-2025 nếu xung đột tại Gaza diễn ra ở cường độ trung bình và còn có thể giảm tới 13,7 tỷ USD nếu xung đột leo thang với sự can dự của các bên khác trong khu vực.
Gánh nặng đè lên nền kinh tế toàn cầu
Ngành vận tải biển được coi là "xương sống" của thương mại quốc tế, nên khi vận tải biển bị đứt gãy ở một vị trí quan trọng, điều đó sẽ có thể lập tức gây ra hỗn loạn cho các nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ. Việc các linh kiện đến chậm chắc chắn sẽ kéo theo hệ quả là dây chuyền sản xuất của nhà máy đình trệ. Hơn thế, nếu tình trạng gián đoạn kéo dài, hàng dự trữ của các nhà bán lẻ có thể sẽ cạn kiệt. Trong khi đó, các công ty vận chuyển hàng hóa phải chịu các khoản phụ phí đội lên (kể cả về phí bảo hiểm), tỷ lệ thuận với chi phí vận hành của các đội tàu đã và đang không thể (hoặc không dám) đi qua kênh đào Suez - tuyến hàng hải huyết mạch hàng đầu của thế giới.
Đó là lý do vì sao, cho dù IMF vẫn dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2024 (và 3,3% trong năm 2025) thì phần sau của Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới (công bố ngày 16/7) vẫn có đầy đủ cơ sở để gây ra rất nhiều nỗi nghi ngại.
IMF cảnh báo: Vẫn còn rủi ro lạm phát trong bối cảnh căng thẳng thương mại hoặc địa chính trị gia tăng, dù có thể mức lạm phát sẽ trở lại mục tiêu an toàn vào cuối năm 2025. Cũng theo IMF, tình hình căng thẳng thương mại leo thang (nhất là nếu những cuộc "thương chiến" gay gắt như "thương chiến Mỹ - Trung" trở lại) cũng có thể làm tăng rủi ro lạm phát trong ngắn hạn, vì sẽ đẩy chi phí hàng hóa nhập khẩu lên cao. Lạm phát cao hơn có thể làm tăng khả năng lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, làm tăng rủi ro tài chính. Bởi vậy, khuyến cáo được đưa ra cho tất cả là: Cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách hết sức thận trọng. Chúng ta có thể hiểu vì sao cũng trong ngày 18/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố giữ nguyên mức lãi suất 3,75%.
Nhưng, trước hết, "lò lửa Gaza" chẳng những không có dấu hiệu hạ nhiệt mà thậm chí vẫn đang sôi trào nóng bỏng gấp bội. Vào những ngày này, cả thế giới đang nín thở chờ đợi đợt tấn công trả đũa khủng khiếp của Iran vào lãnh thổ Israel, sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ngay tại Iran ngày 31/7, ngay sau vụ ám sát ông Fuad Shukr, chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Hezbollah và là cánh tay phải của thủ lĩnh Hassan Nasrallah, trong một cuộc không kích khác vào thủ đô Beirut của Lebanon, một ngày trước đó.
Rất nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Anh và nhiều cường quốc khác đã bắt đầu hối thúc công dân của mình rời khỏi Lebanon. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra bi quan, khi cho rằng những vụ sát hại trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nỗ lực đàm phán hòa bình. Và, theo những dự báo u ám từ giới quan sát quốc tế, ở kịch bản xấu nhất, thậm chí một cuộc đối đầu vũ trang toàn diện giữa Iran với Israel cũng hoàn toàn có thể trở thành điểm kích hoạt Thế chiến 3. Nếu điều đó trở thành hiện thực, kênh đào Suez nhiều khả năng sẽ trở nên "hoang vắng", khi không còn chuyến tàu hàng nào đủ dũng cảm để đi qua đây nữa.
Nhưng, dù viễn cảnh khủng khiếp ấy có xảy ra hay không thì những cơn sóng ngầm vẫn đang lừng lững trồi lên. Bão táp vẫn réo gào từ khắp Biển Đỏ, tiếp tục làm tổn thương chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua việc đe dọa hủy hoại những chuyến tàu hàng qua kênh đào Suez, từ đó tô đậm thêm nỗi ám ảnh về lạm phát.
Trong thời gian gần đây, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng đang trỗi dậy và đẩy mạnh hoạt động ở Trung Đông. Theo số liệu của Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), số vụ tấn công của IS ở Syria và Iraq đang có xu hướng tăng cao gấp đôi năm 2023. Cụ thể, ngày 17/7, CENTCOM cho biết IS đã thực hiện 153 vụ tấn công ở Iraq và Syria trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong cả năm 2023, số vụ tấn công khủng bố tại hai quốc gia này (mà IS nhận trách nhiệm) chỉ là 121 vụ.
Ngày 16/7, một thánh đường Hồi giáo dòng Shiite tại Oman - một trong những quốc gia xưa nay vẫn "yên bình" nhất Vùng Vịnh - bị 3 tay súng IS đột kích, làm ít nhất 9 người thiệt mạng (gồm cả 3 tên khủng bố bị bắn hạ) và nhiều người bị thương. Như "đổ thêm dầu vào lửa", đúng thời điểm quân đội Mỹ đang tính toán đến chuyện hoàn toàn triệt thoái khỏi Iraq, bóng ma khủng bố càng làm đậm đặc thêm tình trạng bất ổn, ở khu vực vừa là "rốn dầu" của thế giới, vừa liên quan đến những tuyến vận tải biển quan trọng nhất. Và, ở những kịch bản xấu nhất, guồng máy kinh tế toàn cầu sẽ còn phải chuẩn bị tinh thần chịu đựng thêm những vết thương trầm trọng.