Những công an hết lòng vì dân: Chiến sĩ lao vào đống đổ nát cứu nạn, quên cả bản thân

Dù những câu chuyện xảy ra đã rất lâu nhưng những giọt nước mắt vẫn rơi từ khóe mắt người chiến sĩ cảnh sát PCCC&CNCH khi kể về những lần cứu sống nạn nhân.

Vào ngành năm 2001, Trung tá Đỗ Bách Tùng (38 tuổi, quê huyện Quốc Oai, TP Hà Hội) đã có hàng trăm lần tham gia cứu nạn, cứu hộ thành công, giành lại mạng sống của người dân, mang lại an toàn và bình yên cho nhân dân.

Sung sướng khi cứu người như chính mình từng được cứu sống

Chúng ta chưa thể quên vụ sạt lở tại bờ kè ta luy đúc của một công trình xây dựng xảy ra vào rạng sáng 29-6 ở hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt khiến nhiều người thương vong.

Trong đó có ba người trong một gia đình được lực lượng PCCC&CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng cứu sống từ đống đổ nát. Và người trực tiếp cứu sống họ là Trung tá Đỗ Bách Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực I, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh.

Tranh thủ tiếp PV giữa trưa vì vẫn đang trong ca trực sẵn sàng chiến đấu, Trung tá Tùng kể khoảng 2 giờ 37 phút ngày 29-6, khi đang ở nhà nghỉ ca thì nhận tin báo có sự cố, xác định đây là vụ sạt lở nghiêm trọng nên chạy xe đến hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám.

Tại hiện trường, thấy quang cảnh đổ nát, hai người bị vùi lấp, ba người bị mắc kẹt trong ngôi nhà bốn tầng, sập đổ nghiêng, Trung tá Tùng cho biết đã không kịp chào thủ trưởng - người đã có mặt ở hiện trường (giám đốc công an tỉnh - PV) mà lao ngay đến vị trí có ba người đang mắc kẹt.

Trung tá Đỗ Bách Tùng đang kiểm tra các trang thiết bị phục vụ công tác PCCC&CNCH. Ảnh: VÕ TÙNG

Trung tá Đỗ Bách Tùng đang kiểm tra các trang thiết bị phục vụ công tác PCCC&CNCH. Ảnh: VÕ TÙNG

“Trước mắt tôi là một bạn nữ bị tường đổ sập xuống đè lên người, anh em đang dùng các dụng cụ cứu hộ để kích tường lên đưa bạn nữ ra ngoài. Tôi hỏi thăm tình hình, vị trí nằm ngủ của cha mẹ bạn nữ trong khi các chiến sĩ đã lao đi tìm kiếm nơi có tiếng kêu cứu phát ra” - Trung tá Tùng kể.

Trung tá kể tiếp khi cô gái chỉ cha mẹ ở phòng trên, phòng dưới nhưng khi tìm kiếm thì không phát hiện được nạn nhân ở hai tầng đó, kiểm tra lại thì phát hiện hai người này bị kẹt ở tầng giữa nên tiếp tục sử dụng phương tiện cứu hộ chuyên dụng để tiếp cận và đưa các nạn nhân ra ngoài.

Tuy nhiên, vẫn còn hai nạn nhân đang mắc kẹt bên trong, nhất là khi nghe cô chú kêu: “Các cháu cố lên chứ tường đè lên thì cô chú sẽ chết, không chịu được nữa”, Trung tá Tùng cho biết anh và các chiến sĩ hiểu rằng không có thời gian để quan tâm đến những việc khác nữa, kể cả an toàn của chính mình.

“Vừa đào bới đống đổ nát vừa động viên cô chú ấy, tất cả anh em đều cố gắng hết sức và cứu được cô chú ra ngoài. Mình thấy mình và anh em đã làm tròn nhiệm vụ, hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Thời điểm kết thúc cứu hộ cứu nạn là 5 giờ sáng, sau hơn 2 giờ chạy đua với thời gian trước mệnh lệnh của giám đốc công an tỉnh và lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH”. Lúc này giọt nước mắt của Trung tá Tùng đã lăn ra khỏi khóe mắt.

38 tuổi đời thì hơn 20 năm gắn với nghiệp cứu nạn cứu hộ

Hơn 21 năm công tác PCCC&CNCH, Trung tá Đỗ Bách Tùng cho biết đây là công việc có ích cho xã hội nên các anh em luôn rèn luyện để phục vụ tốt nhất cho công tác này.

“Với công việc được giao và bằng nghị lực của bản thân, cùng các anh em chiến sĩ, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Trung tá Tùng khẳng định.

Mặc dù Tùng không có ý định kể về những chiến công của cá nhân và tập thể thuộc Đội Cảnh sát PCCC khu vực I phụ trách địa bàn huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt nhưng những ký ức về những lần cứu hộ, cứu nạn vẫn đọng lại nơi tâm hồn người chiến sĩ này.

Trung tá Tùng tham gia cứu nạn, cứu hộ trong vụ sạt lở vào rạng sáng 29-6 ở TP Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

Trung tá Tùng tham gia cứu nạn, cứu hộ trong vụ sạt lở vào rạng sáng 29-6 ở TP Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

Tùng và các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đi qua những chiến công thầm lặng mà trong các báo cáo các anh không hề nhắc đến.

Chia sẻ với Tùng về cảm xúc khi lực lượng cứu hộ cứu sống ba người từ đống đổ nát ở Đà Lạt, PV nói các anh đưa được ba người nguyên vẹn ra khỏi căn nhà bị sập, giám đốc công an tỉnh đã rất mừng và xúc động trước nỗ lực quên mình của anh em để giành lại mạng sống cho người dân. Trung tá Tùng nói: “Cứu gia đình cô chú ấy, bọn em cũng mừng và xúc động như chính tụi em là người được cứu sống”.

Cứu 41 người bị lũ chia cắt ở huyện Lạc Dương vào năm 2019

Trung tá Tùng cho biết vụ cứu hộ vào rạng sáng 8-8-2019 khi lũ đột ngột tràn về cuốn trôi cầu bê tông qua suối Đạ Nghịt, xóa sổ nông trại khiến 41 người, trong đó có bảy trẻ em, bị kẹt tại khu vực sản xuất rau hoa ở xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.

Khi đến hiện trường, Tùng và đồng đội thấy nước chia cắt khu vực từ bờ bên này sang bờ bên kia khoảng một con sông, nước chảy rất lớn. Các anh em đã “bắn” một cái dây qua và nhờ người dân cố định lại rồi cử hai chiến sĩ đu dây sang để tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất.

Tùng kể đối với một số phụ nữ và trẻ em, không dùng biện pháp khóa cavinner và đu dây sang nhưng phát hiện có các bu gà bằng sắt khá cứng cáp nên dùng dây chuyên dụng gia cố lại bu gà cho chắc chắn, nối hết các đầu dây vào bu gà rồi đưa được các trẻ nhỏ và phụ nữ lên bu gà đó, lần lượt dùng dây kéo đưa 41 người an toàn từ bờ bên kia sang bờ bên này.

VÕ TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-cong-an-het-long-vi-dan-chien-si-lao-vao-dong-do-nat-cuu-nan-quen-ca-ban-than-post748035.html