Những công nghệ quốc phòng đang làm thay đổi chiến tranh truyền thống

Năm 2024, xung đột xảy ra khắp nơi. Mặc dù kiểu chiến tranh hỏa lực truyền thống vẫn đóng vai trò chính, nhưng các cuộc chiến có đặc điểm thông minh đã xuất hiện.

Hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng cơ động cao HIMARS không người lái Mỹ cho ra mắt tháng 4/2024. Ảnh: Sohu.

Hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng cơ động cao HIMARS không người lái Mỹ cho ra mắt tháng 4/2024. Ảnh: Sohu.

Công nghệ không người lái làm thay đổi chiến trường truyền thống

Trên nhiều chiến trường, thiết bị không người lái (KNL) đã trở thành lực lượng tấn công chính. “Không người lái” hỗ trợ và thay thế “có người lái” đang dần trở thành xu hướng.

Ứng dụng của thiết bị KNL trên chiến trường đa dạng hơn. Với sự phát triển của công nghệ máy bay KNL cỡ nhỏ, một số lượng lớn drone đã xuất hiện ở mọi ngóc ngách của chiến trường, phá vỡ phương thức chiến đấu truyền thống. Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, hai bên đã triển khai hàng chục loại, với số lượng hàng chục nghìn chiếc, để thực hiện các nhiệm vụ như giám sát và trinh sát, tiêu diệt mục tiêu đã định và tấn công tự sát.

Việc sử dụng drone trên chiến trường thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của công nghệ không người lái. Các quốc gia trên thế giới đã tăng cường đầu tư nhằm vượt lên trong cuộc cạnh tranh về lĩnh vực máy bay không người lái.

 Máy bay không người lái Bayraktar TB-3 của Thổ Nhĩ Kỳ cất cánh và hạ cánh thành công trên tàu tấn công đổ bộ "Anadolu" tháng 11/2024. Ảnh: 81.

Máy bay không người lái Bayraktar TB-3 của Thổ Nhĩ Kỳ cất cánh và hạ cánh thành công trên tàu tấn công đổ bộ "Anadolu" tháng 11/2024. Ảnh: 81.

Tháng 11/2024, UAV Bayraktar TB-3 của Thổ Nhĩ Kỳ đã cất cánh và hạ cánh thành công trên tàu tấn công đổ bộ "Anadolu", đánh dấu bước đột phá mới của Thổ trong lĩnh vực UAV. Các UAV tấn công Fury và Gambit của Mỹ đã vượt qua các đợt đánh giá thiết kế quan trọng, với mục tiêu cung cấp ít nhất 1.000 chiếc vào năm 2030 và quá trình sản xuất hàng loạt cũng sắp bắt đầu.

Sự phát triển của các hệ thống KNL trên mặt đất cũng đang được đẩy nhanh. Khi công nghệ KNL ngày càng trở nên thông minh, các hệ thống KNL trên mặt đất sẽ hỗ trợ phát triển chiến đấu KNL lên một tầm cao hơn.

Đầu năm 2024, một công ty Singapore đã cho ra mắt xe KNL bốn bánh "Taurus". Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ quân sự như vận chuyển hậu cần và sơ tán người bị thương, xe còn có thể chở và thả robot hoặc thiết bị KNL khác để mở rộng phạm vi giám sát.

Tháng 4/2024, quân đội Mỹ đã trình diễn phiên bản KNL của dàn phóng tên lửa HIMARS, có thể được điều khiển từ xa từ cơ động đến khâu phóng. Trên chiến trường tương lai, các hệ thống KNL mặt đất thông minh và tự động hơn sẽ phối hợp với các hệ thống khác để hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ chiến đấu.

 Xe chiến đấu không người lái bốn bánh "Taurus" của Singapore. Ảnh: Sohu.

Xe chiến đấu không người lái bốn bánh "Taurus" của Singapore. Ảnh: Sohu.

Tháng 10/2024, một công ty Nga thông báo tàu hải quân KNL đa năng của họ đã hoàn thành thử nghiệm thành công và đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt, có thể được sử dụng để trinh sát, hỗ trợ hỏa lực, vận chuyển thương binh, đạn dược và vật tư. Việc hạ thủy tàu nổi và tàu ngầm không người lái báo hiệu một bước tiến lớn khác về khả năng tác chiến trên mặt nước và dưới nước, và có thể trở thành công nghệ then chốt làm thay đổi luật lệ của chiến tranh.

 Tàu ngầm không người lái lớn nhất thế giới "Ghost Shark" của Australia. Ảnh: Sohu.

Tàu ngầm không người lái lớn nhất thế giới "Ghost Shark" của Australia. Ảnh: Sohu.

Đổi mới công nghệ chống UAV

Giáo càng sắc, khiên càng bền là quy luật của chiến tranh. Đối mặt với sự tấn công mạnh mẽ của thiết bị KNL, quân đội các nước cũng đã bắt đầu tăng cường đột phá nghiên cứu và phát triển công nghệ đối phó.

Việc phát hiện và theo dõi hệ thống KNL chủ yếu sử dụng công nghệ radar, cảm biến hình ảnh, cảm biến âm thanh...Ngày càng có nhiều nhà sản xuất bắt đầu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện và theo dõi các hệ thống KNL.

Vào tháng 3, Nga đã phát triển máy dò âm thanh "Malik", có thể xác định và đưa ra cảnh báo sớm bằng cách so sánh âm thanh bay của UAV thu thập được với cơ sở dữ liệu theo thời gian thực qua Internet.

Tháng 6/2024, Công ty Netcable của Israel đã ra mắt hệ thống phát hiện UAV dựa trên công nghệ AI. Hệ thống này sử dụng thuật toán lai để tách các mục tiêu đáng ngờ khỏi môi trường quang phổ nhiễu và xác định mức độ đe dọa của chúng dựa trên các thông số khác nhau.

Tháng 10, công ty FLIR của Mỹ đã ra mắt hệ thống chống UAV Cyber XL, sử dụng hệ thống hình ảnh tiên tiến và radar tầm xa để phát hiện cùng lúc 500 mục tiêu là UAV.

Tháng 12, Anduril Industries và OpenAI của Mỹ đã công bố quan hệ đối tác tập trung vào việc cải thiện hệ thống chống UAV của Mỹ và tối ưu hóa khả năng giám sát, đánh giá và ứng phó với các mối đe dọa trên không tiềm ẩn theo thời gian thực của hệ thống.

 Hệ thống chống máy bay không người lái Cyber XL của Mỹ. Ảnh: Sohu.

Hệ thống chống máy bay không người lái Cyber XL của Mỹ. Ảnh: Sohu.

Phản công và tiêu diệt hệ thống KNL thường sử dụng cả biện pháp "mềm" và "cứng" để loại bỏ mối đe dọa từ hệ thống KNL.

“Mềm” có nghĩa là chủ yếu can thiệp vào hệ thống dẫn đường của hệ thống không người lái hoặc kết nối thông tin liên lạc giữa nền tảng KNL và trạm điều khiển từ xa. Nga đã phát triển một hệ thống tác chiến điện tử nhỏ gọn, hệ thống chế áp K-1000 "Dome". Hệ thống này có hình dạng giống một chiếc vali, nặng khoảng 2 kg, một người sử dụng, có thể chế áp nhiều UAV của đối phương trong bán kính 250 m ở băng tần 800 MHz và 900 MHz, buộc chúng phải hạ cánh hoặc quay trở lại.

"Cứng" có nghĩa là sử dụng súng, tên lửa, vũ khí năng lượng định hướng hoặc thiết bị nổ để phá hủy vật lý các hệ thống KNL. Nga đã phát triển một hệ thống bảo vệ chủ động dưới nước có thể tiêu diệt các tàu nổi KNL hoặc tàu ngầm KNL đang tiến đến gần bằng cách kích nổ từ xa.

Tháng 8, Lầu Năm Góc đã thử nghiệm hệ thống súng máy AI "Bullfrog". Thân chính của hệ thống là súng máy M240 7,62mm gắn trên tháp pháo được thiết kế đặc biệt, được trang bị cảm biến quang điện, AI độc quyền và phần mềm thị giác máy tính, được thiết kế để bắn vào mục tiêu máy bay KNL với độ chính xác cao.

 Hệ thống súng máy trí tuệ nhân tạo "Bullfrog" Lầu Năm Góc thử nghiệm tháng 8/2024. Ảnh: Sohu.

Hệ thống súng máy trí tuệ nhân tạo "Bullfrog" Lầu Năm Góc thử nghiệm tháng 8/2024. Ảnh: Sohu.

Công nghệ AI được ứng dụng rộng rãi

Công nghệ AI có tính ứng dụng linh hoạt mạnh. Với sự hỗ trợ của AI, "nền tảng trinh sát có người lái/không người lái + đám mây tình báo + thiết bị đầu cuối tình báo cầm tay thông minh" ngày càng được sử dụng rộng rãi trên chiến trường.

Hiện nay, một số quốc gia đã sử dụng thuật toán AI để phân tích hình ảnh khu vực xung đột do UAV chụp, xác định binh sĩ và trang thiết bị trên chiến trường để tiến hành không kích. Tại Triển lãm Quốc phòng châu Âu tháng 6/2024, Bỉ đã trình diễn ứng dụng hướng dẫn thiết bị quân sự sử dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh tiên tiến để xác định thiết bị quân sự nhanh chóng và chính xác.

Sự kết hợp giữa công nghệ AI và thiết bị đang thay đổi mô hình chiến tranh trong tương lai. Trong ngân sách năm tài chính 2024, Không quân Mỹ đã yêu cầu gần 50 triệu USD để khởi động dự án Venom, nhằm ứng dụng rộng rãi công nghệ AI vào máy bay để có được khả năng bay tự động. Không quân Mỹ đang có kế hoạch thành lập một lực lượng gồm hơn 1.000 máy bay chiến đấu không người lái AI, dự kiến chiếc đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2028.

 Tháng 4/2024, Mỹ thử nghiệm máy bay chiến đấu F-16 hiệp đồng tác chiến với máy bay không người lái AI (dưới). Ảnh: Sohu.

Tháng 4/2024, Mỹ thử nghiệm máy bay chiến đấu F-16 hiệp đồng tác chiến với máy bay không người lái AI (dưới). Ảnh: Sohu.

Công nghệ phỏng sinh học quân sự

Sự phát triển của khoa học và công nghệ quân sự thường được đánh dấu bằng những dấu vết của các sinh vật. Bằng cách khéo léo vận dụng AI vào thiết bị quân sự, chiến lược và chiến thuật, nó mang lại sức sống cho những thay đổi trong chiến đấu.

 Sói robot mang súng trường tấn công gây chú ý tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2024. Ảnh: CCTV.

Sói robot mang súng trường tấn công gây chú ý tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2024. Ảnh: CCTV.

Công nghệ phỏng sinh học quân sự đạt được mục đích bằng cách mô phỏng hình dạng và chức năng của động vật trong tự nhiên. Ví dụ, cấu trúc vi mô của da cá mập có thể được áp dụng vào vỏ vũ khí và cấu trúc tổ ong có thể được tích hợp vào các thành phần của vũ khí.

Tại Triển lãm hàng không Chu Hải lần thứ 15 (2024), chim phỏng sinh, sói robot và nhiều sản phẩm khác là những sản phẩm trưng bày công nghệ phỏng sinh học quân sự.

 Robot hình người thế hệ mới Atlas của Mỹ có thể trở thành các chiến binh trong tương lai. Ảnh: Sohu.

Robot hình người thế hệ mới Atlas của Mỹ có thể trở thành các chiến binh trong tương lai. Ảnh: Sohu.

Robot hình người đang đảm nhiệm nhiều vai trò trong lĩnh vực quân sự, bao gồm tiên phong trong chiến đấu, trinh sát và chuyên gia hỗ trợ.

Tháng 3/2024, quân đội Mỹ đã triển khai một cuộc tập trận giữa người và robot mang tên "Dự án hội tụ" tại California, tích hợp một số lượng lớn robot vào đội hình chiến đấu để thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm và có tính phá hoại, chẳng hạn như sử dụng robot để rà phá bãi mìn.

Thế hệ robot "Atlas" chạy điện mới do Boston Dynamics phát triển có những ưu thế về trí thông minh cao, điều khiển động, nhận thức thời gian thực và khả năng dự đoán, đồng thời đang được quân đội liên tục nâng cấp và chuyển đổi.

Được thúc đẩy bởi sự phát triển của công nghệ máy học và mô hình lớn, robot hình người tích hợp AI, sản xuất cao cấp và vật liệu mới có thể trở thành sản phẩm đột phá trong quá trình phát triển công nghệ quân sự thế hệ tiếp theo.

Theo Sohu, Xinhua

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nhung-cong-nghe-quoc-phong-dang-lam-thay-doi-chien-tranh-truyen-thong-post182623.html