Những công trình giao thông ở TP.HCM mòn mỏi chờ mặt bằng
Nhiều công trình giao thông ở TP.HCM phải chờ mặt bằng, dẫn đến tiến độ bị kéo dài nhiều năm làm đội vốn đầu tư dự án...
TP.HCM có khoảng 90% dự án giao thông đang bị vướng giải phóng mặt bằng. Việc này không chỉ ảnh hưởng cuộc sống người dân, thường xuyên kẹt xe, tắc đường mà còn dẫn đến đội vốn đầu tư dự án.
Tái khởi động dự án sau 7 năm chờ mặt bằng
Ngày 25/3, dự án cầu Nam Lý với tổng vốn đầu tư 919 tỷ đồng được khởi công lại sau 4 năm tạm ngưng. Cầu này được khởi công năm 2016, tuy nhiên đến tháng 4/2019 dự án bị tạm ngưng vì vướng GPMB.
Ông Nguyễn Văn Năm, người dân sinh sống gần cầu Nam Lý chia sẻ: “Người dân mong mỏi cây cầu sớm hoàn thành để đi lại thuận tiện, an toàn hơn”.
Tương tự, cầu Tăng Long, Long Đại trên đường Lã Xuân Oai (TP Thủ Đức) bắt đầu thi công cuối năm 2017 và dự kiến ban đầu hoàn thành vào năm 2019. Đến tháng 8/2019, khi công trình đạt 30% khối lượng phải dừng do vướng giải phóng mặt bằng. Đến nay, tổng mức đầu tư đã tăng từ 450 tỷ đồng lên 688 tỷ đồng, chủ yếu là do chi phí mặt bằng tăng. Cầu Tăng Long chưa hoàn thành nên người dân vẫn phải đi qua khu vực này bằng cầu sắt cũ, nhỏ hẹp.
Dự án mở rộng, nâng cấp đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) cũng chậm tiến độ nhiều năm khiến người dân khốn khổ. Năm 2015, TP.HCM khởi công dự án với chiều dài 2,5km, từ đường Mai Chí Thọ đến nút giao Trần Não, tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án trễ tiến độ hơn 5 năm. Hiện nhà thầu tiếp tục triển khai thi công cầm chừng, tiếp tục vừa làm vừa chờ tiếp mặt bằng không biết đến bao giờ.
Vốn đầu tư các dự án có giữ nguyên?
Ngày nhận lại mặt bằng cầu Nam Lý, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình trong 14 tháng.
Đại diện nhà thầu Thăng Long thi công cầu Nam Lý cho biết, đã làm được 60% khối lượng thì bị ngưng 4 năm qua. Giờ phát sinh chi phí giải thể, huy động lại công nhân, thiết bị máy móc, chi phí này nhà thầu có thể chịu. Nhưng về giá vật tư tăng, chủ đầu tư phải thanh toán theo giá thị trường hiện nay.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Trưởng Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng TP Thủ Đức (chủ đầu tư) cho biết, cầu Long Đại cũng đã thực hiện xong công tác GPMB, nhà thầu đang thi công dự án, dự kiến đến 2/9 sẽ hoàn thành.
Cầu Ông Bồn sẽ được bàn giao mặt bằng để triển khai thi công vào 31/3. Còn dự án xây dựng mới cầu Ông Nhiêu, Tăng Long sẽ bàn giao mặt bằng, triển khai thi công trước ngày 30/9.
Theo Ban Bồi thường GPMB TP Thủ Đức, công tác GPMB trên địa bàn TP thời gian qua kéo dài do gặp khó khăn khi giao thời giữa luật cũ và luật mới.
Ông Lương Minh Phúc cho biết, phần lớn các dự án chậm đều do vướng mặt bằng. Khi có mặt bằng, Ban cũng như các nhà thầu sẽ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ.
Dẫn chứng cụ thể, tại cầu Long Kiểng, sau 5 năm dừng do vướng mặt bằng, tháng 9/2022 được khởi động trở lại. Đến nay nhà thầu đã lao lắp dầm sắp xong, phấn đấu hoàn thành trước 3 tháng so với kế hoạch, tức khoảng tháng 10 sẽ đưa vào khai thác.
Ngoài ra, hiện còn nhiều dự án khác đang vướng mặt bằng như: hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Bình Chánh), tỉnh lộ 8 (Củ Chi), Vành đai 2 (TP Thủ Đức)...