Những cuộc 'đi tìm' trong thơ Đặng Quốc Vinh
Cầm trên tay tập thơ 'Tìm nửa của mình' của tác giả Đặng Quốc Vinh (TP. Hà Tĩnh), tôi xúc động như chính tôi cũng đang tìm lại được những giá trị, những vẻ đẹp quý giá ẩn đằng sau đời sống vốn dĩ rất bình dị ở xung quanh.
Từ bài thơ đầu tay “Tìm nửa của mình”, hơn 30 năm qua, tác giả góp nhặt, chắt chiu xúc cảm của mình trong từng khoảnh khắc, trong từng phút giây của sự sống. Ảnh Internet
Đọc tập thơ của anh, tôi bước vào một cuộc hành trình đặc biệt - hành trình trở về, tìm lại bản thể trong những xúc cảm về tình quê, tình đời mà mỗi chúng ta ai cũng đa mang.
Tập thơ không dày, gọn gàng với 50 tác phẩm nhưng đủ để khắc họa chân dung của một người thơ. Từ bài thơ đầu tay “Tìm nửa của mình”, hơn 30 năm qua, tác giả góp nhặt, chắt chiu xúc cảm của mình trong từng khoảnh khắc, trong từng phút giây của sự sống. Anh không phải là một người viết dễ dãi, anh yêu thơ và có trách nhiệm với thơ.
Qua từng thi phẩm, chân dung của một người sáng tác rất dung dị, gần gũi với những rung động chân thực, không màu mè, kiểu cách hiện lên rất rõ nét. Thơ anh không có những cách tân táo bạo, không gọt giũa cầu kỳ trong câu chữ nhưng mỗi bài đều có sức níu kéo người đọc.
Đặng Quốc Vinh được biết đến rộng rãi với tác phẩm “Tìm nửa của mình”. Đó cũng chính là tiêu đề tập thơ vừa xuất bản của anh. Ảnh AH
Có lẽ, đó chính là vẻ đẹp thâm trầm, đầy chiêm nghiệm của một người từng trải, đi nhiều, hiểu biết nhiều và công việc, trách nhiệm gắn chặt với cộng đồng, với quê hương.
Tôi tưởng tượng những bài thơ trong tập này được sắp xếp trên một con đường trải đầy cỏ hoa đồng nội. Con đường ấy in dấu chân anh - chàng trai trẻ lãng tử ngày xưa cho đến một người đàn ông từng trải, lịch lãm của bây giờ.
Phải chăng, trong suốt hành trình cầm bút của mình, Đặng Quốc Vinh chỉ bước đi trên con đường ấy, để hồn mình hòa quyện với hồn quê, để tình riêng của mình đồng vọng cùng với tình đời tha thiết?
Nguồn mạch cảm hứng quan trọng trong tập thơ này của Đặng Quốc Vinh chính là tình cảm sâu nặng dành cho quê hương, đất nước.
Mỗi miền đất anh đến đều trở thành một phần máu thịt trong anh: “Hương Khê là tình yêu của tôi/ Những Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố/ Cho tôi được gửi niềm thương nhớ/ Ở lại cùng em với mảnh đất này” (Với Hương Khê); “Thiên Cầm thành nỗi nhớ/ Đảo Bớc thành đảo thiêng/ Ai sẽ là Từ Thức/ Giữa đảo này gặp tiên” (Đảo Bớc).
Nhiều bài thơ của Đặng Quốc Vinh còn ẩn chứa ân tình sâu nặng với quê hương. Ảnh Hùng Nguyễn
Hay ở các bài “Hồng Lĩnh vào xuân”, “Linh chuông Đồng Lộc”… cũng đều toát lên không khí hào sảng, niềm tin, niềm tự hào sâu sắc của một con người gắn bó thiết tha với nơi chôn rau cắt rốn. Nhiều bài thơ của anh không chỉ khắc họa được những chuyển mình thần kỳ của quê hương, đất nước mà còn chất chứa cái tình nặng sâu, thăm thẳm của một nhân cách đáng trọng.
Đặc biệt, ở tập thơ này, tôi thích nhất những tác phẩm trong mạch cảm hứng về nhân sinh, thế sự. Chất nhân văn ngấm sâu vào từng con chữ, ăm ắp trong mỗi vần thơ. Những tứ thơ độc đáo có khi bất chợt tìm về từ một hình ảnh giản dị, đời thường nhất - người đi bán lá đùng đình: “Giữa trưa nắng rát thân gầy/ Người đi che nắng biết ngày nào râm?”.
Cái đau đáu về đời sống thế nhân, cái đa cảm của một hồn thơ giàu rung động nhiều khi thể hiện rõ trong những vần thơ giản dị như thế. Tôi có cảm giác nhiều bài thơ của Đặng Quốc Vinh bắt nhịp theo cái rộn ràng của những đổi thay đất nước trong thời kỳ mới.
Nhưng cũng có những khoảnh khắc, những rung cảm lãng mạn, nhẹ nhàng chợt đến vây kín tâm hồn anh cùng những vần thơ dễ dàng neo lại trong lòng người đọc: “Hôm nay giữa ồn ào phố thị/ Chợt nhận ra hương bưởi dâng đầy/ Thì ra mấy cô em xóm núi/ Về chợ xuân vừa mới qua đây” (Hương bưởi). Hay: “Đêm lạnh lắm, sấu ơi đừng rơi nữa/ Để nỗi buồn xa vắng cứ dày thêm (Thu Hà Nội).
Chắc hẳn đối với bất kỳ người làm thơ nào, suốt nghiệp văn chương của mình cũng khao khát có một thi phẩm trở thành bài thơ của mọi người, mọi thời. Điều đó quả thực rất khó. Nhưng với Đặng Quốc Vinh, tên tuổi của anh đã gắn với thi phẩm “Tìm nửa của mình”.
Tứ thơ độc đáo, cách thể hiện đậm chất triết lý về tình yêu nhưng vẫn rất gần gũi, dễ cảm. Một bài thơ hay là khi người đọc tìm thấy họ, tìm thấy thân phận, cuộc đời, hay nhiều khi chỉ là chút rung động của mình trong đó.
Không phải nửa của mình không phải nửa của nhau
Thì thượng đế ơi! Đừng bắt tôi nhầm tưởng
Bởi tôi biết khổ đau hay vui sướng
Là đúng sai trong tìm nửa của mình.
Có lẽ, Đặng Quốc Vinh đã giải mã được sự bí ẩn lạ kỳ muôn đời của tình yêu lứa đôi bằng một thứ ngôn ngữ thơ ca giản dị và đẹp đẽ nhất. Ảnh Interner
Có thể dễ dàng hiểu được tại sao thơ anh có một sức hấp dẫn lạ lùng đặc biệt với những người trẻ tuổi đến như vậy.
Có lẽ, anh đã giải mã được sự bí ẩn lạ kỳ muôn đời của tình yêu lứa đôi bằng một thứ ngôn ngữ thơ ca giản dị và đẹp đẽ nhất; anh mang lại cho chúng ta niềm tin yêu vào cuộc sống, có khi chỉ giản đơn là cảm giác hạnh phúc, ấm áp bên người bạn đời, là những cảm thức rung động sâu xa khi “em đi vắng” để rồi lại càng cảm thấy em gần hơn, gần thêm mãi…
Đặng Quốc Vinh đã bắt đầu hành trình sống và sáng tạo của mình bằng một cuộc đi tìm. Và tôi tin chắc rằng, cho đến giây phút này, anh đã tìm được rất nhiều thứ - đó không chỉ là “nửa của mình” mà còn là những giá trị đẹp đẽ mà với nhiều người chưa hẳn cuối hành trình đã tìm thấy.
Tình người, tình đời, tình quê nồng mặn trong tập thơ này sẽ neo đậu lại trong lòng những người yêu cái đẹp và trân trọng giá trị cuộc đời.
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoc/nhung-cuoc-di-tim-trong-tho-dang-quoc-vinh/199517.htm