Những cuộc đời 'tái sinh' từ cơ thể người đã khuất

Nhiều người bệnh cận kề cửa tử, nhưng có cơ hội sống nhờ được ghép những bộ phận cơ thể của người khác.

Thiếu nữ “tái sinh” vào ngày 30 Tết

11h30, tiếng chuông báo hết tiết vang lên, Phạm Anh Thư (21 tuổi, quê Bắc Kạn, sinh viên năm thứ 2 một trường đại học ở Thái Nguyên) - tự tin bước ra khỏi lớp, chuyện trò rôm rả cùng vài người bạn. Nhìn Thư vui khỏe, khó ai có thể tưởng tượng, ở tuổi đôi mươi, cô gái ấy từng cận kề cửa tử.

Cách đây 4 năm, sau một thời gian dài khó thở, Anh Thư đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM), hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ tạo nên các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi. Đây là bệnh hiếm, thường xảy ra ở người trẻ.

Để duy trì sự sống, Anh Thư phải thở ô-xy dài hạn, luôn cần người hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày. Sức khỏe của Thư rất yếu, nguy cơ tử vong nếu không được ghép phổi. “Những lúc Thư tím tái, khó thở đến lịm đi, gia đình từng nghĩ tới tình huống xấu nhất”, bà Phạm Thị Tuyền (mẹ của Anh Thư) kể.

Tháng 10/2023, sức khỏe Thư chuyển biến xấu, phải trợ thở ô-xy vượt quãng đường dài từ Bắc Kạn xuống Bệnh viện Phổi Trung ương. Bác sĩ tiên lượng: Thư bắt đầu giai đoạn nguy kịch, khó qua khỏi nếu không được ghép phổi.

13h ngày 8/2/2024 (tức 29 Tết Giáp Thìn), Bệnh viện Phổi Trung ương nhận thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Người cho tạng là nam thanh niên 26 tuổi chết não do tai nạn giao thông.

Ê kíp ghép phổi cho bệnh nhân Phạm Anh Thư tại Bệnh viện Phổi Trung ương đúng 30 Tết Giáp Thìn. (Ảnh: BVCC)

Ê kíp ghép phổi cho bệnh nhân Phạm Anh Thư tại Bệnh viện Phổi Trung ương đúng 30 Tết Giáp Thìn. (Ảnh: BVCC)

Bệnh viện Phổi Trung ương huy động khoảng 80 nhân lực trực tiếp tham gia ca ghép phổi cho Anh Thư, đồng thời có sự phối hợp hỗ trợ từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội.

Ca phẫu thuật được thực hiện ngày 9/2/2024 (30 Tết âm lịch), kéo dài 12 tiếng (từ 10h đến 22h). Với sự hỗ trợ của hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO), các bác sĩ lần lượt ghép phổi trái và phổi phải.

12 tiếng sau mổ, Anh Thư tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của lá phổi mới, các chỉ số hô hấp ổn định. Cả người bệnh, thân nhân người bệnh và ê kíp y bác sĩ đều trào nước mắt hạnh phúc.

Sau 14 tiếng, các bác sĩ rút ống nội khí quản thành công. Ngày thứ ba sau ghép, với sự hỗ trợ của nhân viên y tế, Anh Thư có thể đi lại nhẹ nhàng trong 5 phút. Cô được rút hết đường truyền tĩnh mạch trung tâm, rút ống dẫn lưu khí màng phổi trái và ăn bữa ăn đầu tiên sau ghép.

Ngày thứ 5, Thư đi lại tốt, hồi phục sức khỏe nhanh chóng, thậm chí thần kỳ. Sau 50 ngày, Phạm Anh Thư xuất viện trong niềm hạnh phúc lớn lao của cả gia đình.

“Em hạnh phúc khi sống với lá phổi mới, được quay trở lại trường học, vui chơi như bao bạn bè khác. Em hứa sẽ cố gắng sống thật tốt để không phụ lòng của tất cả mọi người. Em cảm ơn các thầy thuốc đã yêu thương em như người thân trong nhà”, Thư nói.

Bệnh nhân Phạm Anh Thư tập đi sau 15 ngày ghép phổi. (Ảnh: BVCC)

Bệnh nhân Phạm Anh Thư tập đi sau 15 ngày ghép phổi. (Ảnh: BVCC)

Sau ghép phổi 6 tháng, Anh Thư tăng 6 kg, sức khỏe ổn định, ăn ngủ tốt, có thể nấu cơm, giặt quần áo, lau nhà, làm những công việc nhẹ nhàng. Nữ sinh quay trở lại trường học để hoàn thành ước mơ cử nhân công nghệ thông tin.

TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đánh giá, ca ghép phổi cho bệnh nhân Phạm Anh Thư thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF (Trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín tại Hoa Kỳ). Trên thế giới, ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển, do đây là kỹ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn.

“Thành công của ca ghép này là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương, với những chỉ đạo và quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế”, TS.BS Đinh Văn Lượng nói.

Trái tim đầy ân nghĩa đang trong lồng ngực chồng tôi

“Sau hơn 2 tháng được ghép tim, giờ đây anh H. tự chạy xe máy, đưa đón con đến trường, phụ giúp vợ việc nhà. Không ai nghĩ anh vừa trải qua ca đại phẫu”, chị N.T.P.T (vợ của anh L.A.H - bệnh nhân ghép tim hồi tháng 8/2024 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) nói.

4 năm trước, anh H. đang đi làm ở TP.HCM thì thường xuyên bị ho, tức ngực, khó thở, được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn, chức năng co bóp của cơ tim chỉ còn 18%. Xác định sẽ phải điều trị lâu dài, tốn kém, anh H. cùng vợ trở về quê thu xếp công việc để bước vào hành trình chữa bệnh.

Thời điểm đó, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, anh H. không thể quay trở lại thành phố TP.HCM, buộc phải nhờ bác sĩ tư vấn từ xa và uống thuốc.

Thời gian sau, triệu chứng khó thở ngày càng nặng. Anh H. đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám và được xác định chức năng tim của anh suy yếu, nếu không ghép tim kịp thời khó có thể kéo dài sự sống.

Ê kíp bác sĩ ghép tim cho bệnh nhân H. tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Ảnh: BVCC)

Ê kíp bác sĩ ghép tim cho bệnh nhân H. tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Ảnh: BVCC)

Rạng sáng 24/8/2024, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nhận được thông báo có tạng hiến từ nam thanh niên chết não do tai nạn giao thông, nhiều khả năng tương thích với bệnh nhân L.A.H. Toàn bộ hệ thống của bệnh viện được kích hoạt, huy động sự tham gia của hàng trăm người.

Ca phẫu thuật ghép tim kéo dài 5 tiếng đồng hồ. Tất cả nhân viên y tế đều tập trung cao độ. 3h sáng ngày 25/8/2024, trái tim của người hiến bắt đầu những nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực của anh L.A.H.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Y Dược TP.HCM, khó khăn lớn nhất của ca mổ là người được ghép tim có áp lực động mạch phổi khá cao, nguy cơ suy tim sau phẫu thuật. Mặt khác, bệnh nhân có nhóm máu Rh âm tính (nhóm máu hiếm gặp, dưới 1% dân số), gây khó khăn khi xác định các kháng thể bất thường và chuẩn bị máu phù hợp cho ca phẫu thuật.

“Rất may mắn, ca ghép tim diễn ra thuận lợi. Sau ghép, các chỉ số đánh giá sức khỏe của người bệnh tốt”, PGS TS Nguyễn Hoàng Định nói.

Hiện nay, anh L.A.H có thể sinh hoạt như một người bình thường. Anh mong muốn sớm đi làm trở lại để được gặp đồng nghiệp.

"May mắn đã mỉm cười với gia đình tôi. Sau ca ghép, trái tim đầy ân nghĩa đang đập trong lồng ngực chồng tôi. Điều hạnh phúc của vợ chồng tôi là sẽ được cùng nhau chứng kiến các con khôn lớn, trưởng thành, gia đình sum vầy, hạnh phúc. Tôi mong nhiều người bệnh được cứu sống như chồng tôi”, chị N.T.P.T. chia sẻ.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, Việt Nam ngang tầm các nước trong khu vực về kỹ thuật ghép tạng. Vấn đề lớn nhất hiện nay là khan hiếm nguồn tạng, trong khi danh sách bệnh nhân cần thay tạng ngày càng dài.

"Chúng ta thành lập các trung tâm điều phối, nhưng tạng ở đâu để điều phối. Đó là câu hỏi lớn nhất, day dứt nhất hiện nay để cứu người", bà Tiến nói.

Từ năm 1992 đến nay, cả nước có 8.365 trường hợp được ghép tạng. Trong đó, số tạng hiến từ người chết não chỉ chiếm 6%, còn lại là từ người sống.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, ghép tạng đã trở thành biện pháp điều trị rộng rãi và có hiệu quả với các bệnh lý suy tạng giai đoạn cuối.

Thành công của ghép tạng mang lại nhiều lợi ích, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tuy nhiên, nhu cầu ghép tạng hiện nay rất lớn, trong khi nguồn tạng hiến tặng lại khan hiếm.

Hai năm qua, Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số ca ghép tạng, với hơn 1.000 ca mỗi năm. Tỷ lệ ca ghép từ nguồn hiến chết não của Việt Nam tăng dần nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước, thậm chí thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Tính đến đầu năm 2024, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, các bệnh viện cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện còn gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-cuoc-doi-tai-sinh-tu-co-the-nguoi-da-khuat-ar920687.html