Những cuộc tỉ thí trên sới vật nức tiếng thời xưa
Nước Nam ta vốn là nước có truyền thống võ học, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa tự vệ cho bản thân, mà cũng góp phần để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi có ngoại xâm. Thế nên, những dịp hội làng ở các lò võ hay các chi phái võ thuật xưa kia, các sới vật được mở ra cho các tay đấu tỉ thí. Cũng từ đó, mà có những cuộc đấu vật hiếm có, ví như những cuộc tỉ thí dưới đây…
Xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, có ngôi làng quen thuộc với nghề làm pháo một thời: làng Đồng Kỵ. Nhưng cùng với Đồng Kỵ, còn một làng nổi danh không kém, đó là Trang Liệt.
Nhờ xem vật, nhận mặt con
Sở dĩ Trang Liệt nổi tiếng bởi đây là đất thực phong của một người con của Thượng hoàng Trần Thừa, cha vua Trần Thái Tông, ông là Hoài Đức Vương. Theo bản Thần tích Phả lục Trần triều Hoàng Thái Tử, do Lễ bộ Thượng thu Đông Các Đại học sỹ Lê Tung, soạn năm Hồng Đức thứ ba (1472), vào thời Trần, huyện Đông Ngàn là đất phong thực ấp của Hoài Đức Vương - một hoàng tử nhà Trần, có lỵ sở đặt tại trang Tráng Liệt, sau đổi thành làng Trang Liệt.
Hoài Đức Vương là ai? Ông chính là Trần Bà Liệt. Dù là con của Thượng hoàng Trần Thừa, nhưng thân thế của ông cũng không phải ngay lập tức sinh ra đã là hoàng tử, được sống nơi cung vàng điện ngọc như những công chúa, hoàng tử khác. Để được làm Thượng hoàng nhận làm con, Bà Liệt đã từng làm một đô vật, và cũng từng cận kề cái chết.
Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” kể, thì: “Thượng hoàng (Trần Thừa) lúc còn hàn vi, có lấy một người con gái ở thôn Bà Liệt, huyện Tây Chân (nay thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định – Người dẫn chú), khi đã có thai thì bỏ, sau sinh con trai, Thượng hoàng không nhìn nhận gì đến.
Người con trai ấy lúc lớn lên, mặt mũi khôi ngô, giỏi nghề võ, sung vào đội đánh vật. Một hôm, cùng với người trong đội đánh cầu, rồi lại cùng nhau đánh vật, người kia vật người con trai ấy ngã, chẹn lấy cổ, gần tắt thở. Thượng hoàng tự nhiên quát to lên rằng: “Nó là con ta đấy!”. Anh kia sợ, buông ra, nhân thế gọi tên là Bà Liệt”.
Vào dịp tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1232), “Đại Việt sử ký tiền biên” cho biết nhà vua “bắt đầu định triều nghi”. Quan lại, thân vương được phong vương, tước. Cũng ngày hôm đó sự việc trên diễn ra, nên vua Trần Thái Tông cũng nhân đó phong Bà Liệt em mình làm Hoài Đức Vương. Từ chỗ bị cha ruồng bỏ, nhưng vì tình máu mủ, “hổ dữ cũng không ăn thịt con”, huống hồ biết đó là con mình bị kẻ khác đang làm hại mà không cứu thì không phải đạo làm cha nữa. Dù muộn, nhưng cha con Thượng hoàng Trần Thừa được đoàn tụ, cũng là phúc của ông.
Còn Bà Liệt, cũng trong cái nguy lại nảy ra cái yên, trong cái rủi có cái may. Từ một đô vật bình thường, được cha thừa nhận, lại ngay lập tức trở thành một thân vương, đứng trong hàng ngũ tôn thất nhà Trần, cũng là để bù đắp cho những ngày tháng thiếu hụt tình máu mủ.
Về sau, vua Trần lấy huyện Đông Ngàn là đất phong thực ấp của Hoài Đức Vương Trần Bà Liệt. Bà Liệt lấy Sặt Đồng làm lỵ sở thực ấp. Để nhớ ơn của ông, dân làng đã lấy tên ông làm tên làng và tôn phong làm thành hoàng của làng. Có ý kiến cho rằng danh tướng trẻ Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản chính là con của Hoài Đức Vương Trần Bà Liệt. Hoài Văn hầu từng dựng cờ cứu nước “Phá cường địch, báo hoàng ân” đánh giặc Nguyên. Nếu quan hệ giữa Bà Liệt và Quốc Toản được chứng thực chính thức, thì đúng là “hổ phụ sinh hổ tử” vậy.
Trạng Vật thách đấu lực sĩ của vua
Dân gian ta, khi nói về người có tướng ngũ đoản (năm bộ phận là hai tay, hai chân và thân mình đều ngắn) đều cho rằng ấy là tướng quý. Chẳng biết ứng vào ai, chứ như trường hợp Vũ Phong, thì quả có vậy thật. Ông là em của tiến sĩ Vũ Hữu, người có tiếng tính gạch sửa thành không sai một viên, được mệnh danh là Trạng Toán đời vua Lê Thánh Tông. Chẳng kém cạnh gì anh, Vũ Phong sau này, cũng trở thành Trạng Vật qua cuộc tỉ thí đầy mưu mẹo. Sự vụ ấy, được ghi lại nơi “Công dư tiệp ký” ở mục “Giao điệt Trạng nguyên ký”.
Anh em nhà Vũ Phong, vốn quê nơi đất Mộ Trạch, vùng đất được xem là tổ tiến sĩ của Hải Dương. Theo lời trong “Hải Dương phong vật chí”, thì người dạy võ cho Phong, lại chính là Vũ Hữu. Nhân có lần vào kinh đô được diện kiến mặt rồng, thấy vua ngồi ngự triều, có một lực sĩ cầm dùi đồng đứng trước mặt vua, vẻ tự đắc, ông hỏi các bạn rằng: “Người ấy có tài năng gì mà kiêu căng thế?”.
Các bạn ông cho hay đó là võ sĩ vật rất giỏi, không ai địch nổi, hắn lấy đó làm đường tiến thân cho mình. Nghe thế, ông nói: “Xin cho tôi vật thử với hắn một keo xem sao”. Nghe lời đề nghị của ông, chúng bạn đều lo lắng, can rằng: “Người ấy thân thể cao lớn mà anh thì thấp bé, nay anh vật nhau với hắn chỉ tổ làm trò cười cho khán giả mà thôi”. Tưởng lời ấy làm cho Phong e dè mà dừng nào hay, Phong đã có tính toán cả rồi, nên đáp: “Nghề vật của tôi rất tinh tế, không ai địch nổi. Người ấy chưa gặp địch thủ cho nên được tiếng. Lần này tôi nhất định thắng”.
Thế rồi, nói là làm, Vũ Phong dâng sớ lên vua xin đấu vật với đô lực sĩ kia. Vua xem sớ xong, phán rằng: “Lực sĩ của ta, nghìn vạn người mới được một người như thế, đời này không ai địch nổi. Kẻ kia là người thế nào mà dám cả gan đối địch. Vậy chuẩn y lời tâu để xem sức khỏe của y thế nào”. Được lời của đấng kim thượng, cuộc tỉ thí giữa đô lực sĩ “đời này không ai địch nổi” với anh chàng thấp bé, có tướng ngũ đoản họ Vũ diễn ra. Và hãy xem…
… Trước sự chứng kiến trực tiếp của vua, sới vật được lập, hai bên cùng nhau giáp trận. Bên kia, đô lực sĩ cậy khỏe mạnh, cao to ; bên này, Vũ Phong thua sút về thể hình, nhưng lại quá là mưu mẹo. Khi hai bên sáp vào nhau, trước đó Phong đã thủ sẵn ít cát trong lòng bàn tay, bất ngờ vung tay ném vào mặt lực sĩ làm cho hắn không mở mắt ra được. Chớp ngay thời cơ ấy, hắn “bị ông dùng cách luồn nách quật ngã xuống đất”.
Người xem thấy thế hoan hô ầm ĩ, còn vua thì khen ông có sức khỏe, lấy chức tước của lực sĩ thất trận kia đem ban cho Vũ Phong, lại phong là “Trạng nguyên đô vật”. Thế là qua một cuộc tỉ thí hiếm có, Vũ Phong đường hoàng tiếp bước anh vào làm quan triều Lê, sau làm đến chức Đình úy, và theo lời “Hải Dương phong vật chí”, thì ông có tiếng là xét xử công bằng, thỏa đáng. Gương Vũ Phong, sau được Lê Quang Bí (đi sứ bị giữ lại 18 năm ở đất Trung Hoa) ca ngợi là:
“Ngũ đoản tằng xưng tướng mạo kỳ,
Tang bồng hồ thỉ hảo nam nhi”.
Mạc Đăng Dung thua vật
Vốn xuất thân từ dòng dõi nhà khoa bảng, có ông tổ 7 đời Mạc Đĩnh Chi là “lưỡng quốc trạng nguyên” thời Trần. Nhưng thời thế biến loạn, đổi thay, qua nhà Trần, Hồ, rồi Lê sơ, đến thời cha Đăng Dung là Hịch không đỗ đạt gì, lấy Đặng Xuân, sinh ra 3 con trai, trong đó Mạc Đăng Dung là con cả.
Theo “Đại Việt thông sử” cho hay “Đăng Dung sinh giờ Ngọ ngày 23 (Nhâm Tý) tháng 11 năm Quý Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 14 (1483). Tuổi còn trẻ đã có sức khỏe, nhà nghèo, làm nghề đánh cá”. Hẳn phận chài lưới đeo đuổi mãi hậu duệ của “lưỡng quốc trạng nguyên” đến suốt đời ấy nhưng, cũng sách trên cho hay:
“Thời vua Uy Mục, tuyển dũng sĩ, Đăng Dung dự thi môn đánh vật, trúng đô lực sĩ xuất thân, được sung vào đội túc vệ, giữ việc cầm dù theo xe vua. Khoảng thời Đoan Khánh, thăng bổ chức Đô chỉ huy sứ vệ Thiên vũ”. Vậy là đường tiến thân của vị vua tương lai nhà Mạc, chính là từ sới vật mà ra. Từ sau khi vào chân cầm dù cho vua, Đăng Dung lựa theo thay đổi thời thế mà tiến thân rất nhanh.
Lúc bấy giờ, có tiến sĩ Lê Tuấn Mậu, người làng Xuân Lôi, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh làm quan đến chức Đô Ngự sử. Thấy Đăng Dung lên chức nhanh “như diều gặp gió”, ông không lấy làm phục, nên thách đấu vật. Việc được “Tang thương ngẫu lục” ghi lại: “Bấy giờ Mạc Đăng Dung nhờ đánh vật giỏi mà vụt lên chức quan to. Ông nhiếc rằng: “- Anh đừng cậy sức. Ta rất có thể như thế được, không thèm làm đấy thôi”. Đăng Dung tức, xin với vua cùng ông thử sức. Ông hăng hái nhận lời, rồi bôi mỡ vào mình, cài kim vào tóc và khố, vật cho Đăng Dung ngã suýt chết”.
Hóa ra, đâu chỉ cứ cậy sức là thắng vật được, Đăng Dung cậy mình khỏe, nhờ đấu vật mà từ anh dân chài bước vào cung vàng điện ngọc hầu vua, nhưng sức đâu dễ mà thắng được trí của vị tiến sĩ họ Lê.
Sau này, chắc vì nhớ thù cũ, nên khi cướp được ngôi nhà Lê, lật đổ vua Lê Cung Hoàng để lên ngôi cao, Mạc Đăng Dung cho người mời ông vào triều. Lê Tuấn Mậu thác bệnh không đến mà không được, bất đắc dĩ phải diện kiến. Nhưng khi vào triều, vốn là tôi trung của nhà Lê, không chịu ở dưới trướng kẻ cướp ngôi vua, từng thua vật mình, ông giấu đá trong tay áo ném vào người Mạc Đăng Dung, nhưng không trúng rồi bị giết…