Những cuốn sách nghiên cứu nên có trên kệ sách

Thời gian qua, dòng sách nghiên cứu chứng kiến nhiều công trình chất lượng, hấp dẫn về nội dung được xuất bản.

Nhiều đầu sách nghiên cứu đã được các đơn vị ấn hành trong năm 2020. Mỗi tác phẩm thể hiện được cá tính riêng cũng như đóng góp học thuật ở lĩnh vực cụ thể. Trong đó, có 5 đầu sách ấn tượng nên đọc.

Lược sử kinh tế học của Niall Kishtainy

Được thực hiện bởi Niall Kishtainy, chuyên gia kinh tế từng là cố vấn chính sách kinh tế cho chính phủ Anh và Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc tại châu Phi, cuốn sách như tên gọi của nó, tóm lược cho chúng ta về lịch sử kinh tế của thế giới từ hiện tượng, lý thuyết cho đến mô hình.

Lược sử kinh tế học cung cấp góc nhìn tổng quát theo trình tự biên niên về những vấn đề liên quan đến kinh tế học với những nhân vật, sự kiện, sự việc... liên quan đến chủ đề.

Những luận đề, luận chứng được tác giả thực hiện trong tác phẩm trở nên gần gũi, dễ liên hệ và đầy tính thực tế giúp độc giả khi tiếp cận có thể hiểu kinh tế học như chính "cơm ăn nước uống" hàng ngày của con người chứ không trừu tượng, lý thuyết hay hàn lâm.

 Tác phẩm Lược sử kinh tế học của Niall Kishtainy. Ảnh: Đình Ba.

Tác phẩm Lược sử kinh tế học của Niall Kishtainy. Ảnh: Đình Ba.

Với Lược sử kinh tế học, những luận giải, góc nhìn của tác giả giúp soi rọi những vấn đề độc giả đã tìm hiểu nhưng chưa hẳn đã kết luận, nhìn nhận ra được bởi tư duy lối mòn. Ví như kinh tế thời trung cổ châu Âu được tác giả gọi là "nền kinh tế của Chúa" bởi sự chi phối của tôn giáo, đức tin chứ không phải quy luật thị trường.

Tuyển tập luận đề của Bùi Giáng

Tác phẩm này là tập hợp những luận đề của Bùi Giáng đã xuất bản thành sách thời gian 1957-1969. Xoay quanh địa hạt văn chương (tác phẩm, tác giả) mà cụ thể là Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Phan Trần, Quan Âm Thị Kính, Lục Vân Tiên và Bà Huyện Thanh Quan. Bùi Giáng đã diễn giải qua góc nhìn, cảm thụ rất riêng với những bóc tách cụ thể về nhân vật, tác phẩm...

 Góc nhìn về Kiều, Lục Vân Tiên của Bùi Giáng thực sự rất riêng. Ảnh: Đình Ba.

Góc nhìn về Kiều, Lục Vân Tiên của Bùi Giáng thực sự rất riêng. Ảnh: Đình Ba.

Không diễn giải Kiều và Truyện Kiều như lối thông thường nhiều nhà nghiên cứu thực hiện, với Bùi Giáng, Kiều được thi sĩ nhìn nhận, đánh giá với những kiến giải thực sự khác lạ mà cũng rất ư... có lý của riêng ông.

Theo Bùi Giáng, Kiều và Hoạn Thư là hai gương mặt phụ nữ đẹp nhất trong tác phẩm. Nếu Kiều là người tình trong mộng tưởng, thì Hoạn Thư là một người vợ... hoàn toàn khi "ghen tuông thì cũng người ta thường tình".

Lịch sử Do Thái của Paul Johnson

Tác phẩm là một bức tranh tổng quan với nhiều nét cọ về lịch sử Do Thái từ tộc người đến tôn giáo, từ thiết chế chính trị đến những thảm họa...

 Cuốn sách Lịch sử Do Thái. Ảnh: Đình Ba.

Cuốn sách Lịch sử Do Thái. Ảnh: Đình Ba.

Ở công trình đồ sộ này, Paul Johnson chứng minh cho luận điểm người Do Thái là một tộc người tạo ra bản sắc riêng biệt và sớm hơn bất cứ dân tộc nào còn tồn tại đến nay, cũng như lịch sử của họ nếu suy xét kỹ lưỡng thì cũng gần như lịch sử thế giới, bởi họ đã thâm nhập vào nhiều xã hội và ở nơi nào họ hiện diện, đều có dấu ấn để lại nơi đó.

Lịch sử Do Thái cho thấy sức sống bất diệt của một dân tộc lưu vong, chịu nhiều thảm họa qua hàng nghìn năm lịch sử nhưng vẫn kiên định, bền bỉ và nắm giữ vận mệnh của bản thể mình. Tác giả luận giải sức mạnh ấy qua những dữ kiện với luận cứ chặt chẽ, sống động và không kém phần mê hoặc.

Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam: Thực chất và huyền thoại của Nguyễn Văn Trung

GS Nguyễn Văn Trung đã thể hiện khả năng luận giải chặt chẽ, biện chứng một vấn đề gai góc mà nếu không tỉnh táo, có thể rơi vào chủ nghĩa dân tộc vị kỷ khi tìm hiểu, chứng minh và phê bình một chế độ ngoại lai xâm thực Việt Nam trong gần một thế kỷ: Chủ nghĩa thực dân Pháp.

 Sách Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam: thực chất và huyền thoại của Nguyễn Văn Trung. Ảnh: Đình Ba.

Sách Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam: thực chất và huyền thoại của Nguyễn Văn Trung. Ảnh: Đình Ba.

Không sa đà vào những tài liệu của người Việt, vì tính chủ quan và thiên kiến sẽ thể hiện ít nhiều, tác giả dùng nhiều tư liệu Pháp ngữ của phần đa người Pháp trong cuộc, luận giải và chứng minh thực chất chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam để từ đó bóc trần bản chất bóc lột của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước ta. Mà điều ấy, toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut từng có lần thẳng thắn thú nhận:

“Chúng ta đừng gian lận. Chẳng có lợi gì bôi nhọ sự thật. Thực dân, lúc ban đầu không phải là một hành động khai hóa văn minh. Nó chỉ là một hành động bạo lực, và bạo lực vị lợi”.

Nhân học đối diện với những vấn đề của thế giới hiện đại của Claude Lévi-Strauss

Nhà nhân học Claude Lévi-Strauss người Pháp nổi tiếng với những tác phẩm Nhiệt đới buồn, Định chế tô tem hiện nay, Chủng tộc và lịch sử... Nhân học đối diện với những vấn đề của thế giới hiện đại cũng là một trong những dấu ấn nghiên cứu của ông.

 Cuốn sách Nhân học đối diện với những vấn đề của thế giới hiện đại. Ảnh: Đình Ba.

Cuốn sách Nhân học đối diện với những vấn đề của thế giới hiện đại. Ảnh: Đình Ba.

Qua nghiên cứu của Claude Lévi-Strauss với Nhân học đối diện với những vấn đề của thế giới hiện đại, chúng ta được biết tới dự báo sự cáo chung của "văn hóa bá quyền phương Tây" dưới góc nhìn của Claude Lévi-Strauss; cùng với đó là những vấn đề lớn của thế giới đương đại liên quan đến giới tính, kinh tế...

Cũng ở tác phẩm này, một mối quan tâm lớn và thường xuyên của Claude Lévi-Strauss được ông thể hiện, ấy là về văn minh Nhật Bản, một nền văn minh phương Đông để lại dấu ấn lớn trong đời nghiên cứu của vị học giả phương Tây, từng được ông thể hiện ở tác phẩm Mặt khác của trăng - Khảo luận về Nhật Bản.

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-cuon-sach-nghien-cuu-nen-co-tren-ke-sach-post1168160.html