Những cựu chiến binh trên trận tuyến mới

Khai thác lợi thế về đất đai, năng động trong phát triển kinh tế, các cựu chiến binh đã thành công trên trận tuyến xây dựng cuộc sống mới, trở thành gương điển hình phát triển kinh tế ở địa phương, làm giàu cho gia đình, tích cực hỗ trợ đồng đội và đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.

Tham gia quân ngũ từ năm 1979 đến năm 1983, sau khi xuất ngũ, Cựu chiến binh (CCB) Quàng Văn Kiên, bản Nam Niệu, xã Chiềng Đen, Thành phố, công tác tại UBND xã Chiềng Đen. Trải qua các vị trí xã đội phó, Phó Chủ tịch Hội CCB xã, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch CCB xã, năm 2021, ông nghỉ chế độ hưu trí. Hiện nay, ông nuôi gần 200 con nhím giống và nhím trưởng thành. Ngoài ra, ông còn trồng trên 1 ha cà phê xen canh cây ăn quả. Thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng.

Mô hình nuôi nhím của ông Quàng Văn Kiên, bản Nam Niệu, xã Chiềng Đen, Thành phố.

Mô hình nuôi nhím của ông Quàng Văn Kiên, bản Nam Niệu, xã Chiềng Đen, Thành phố.

Nhớ lại thời điểm bắt đầu nuôi nhím, ông Kiên cho hay: Năm 2003, gia đình nuôi thử nghiệm 6 con theo chương trình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Nhận thấy nhím là loài động vật có sức đề kháng cao, dễ thích nghi với môi trường, ít mắc bệnh. Thức ăn chủ yếu là rau khoai lang, bí ngô, măng… Nhờ chăm sóc theo kỹ thuật, đàn nhím phát triển tốt, tăng trưởng nhanh về trọng lượng cũng như số lượng.

Theo ông Kiên, thường sau 2 năm, nhím cái bắt đầu sinh sản, bước sang năm thứ ba nhím đẻ dày hơn, với số lượng 2-4 con. Nếu giống tốt, chăm sóc đầy đủ khi được trên 2 kg có thể xuất chuồng. Nhím giống bán với giá 2,5 triệu đồng/đôi; nhím thịt từ 10 -12 kg/con có thể xuất bán, giá giao động từ 300.000 - 320.000 đồng/kg. Thịt nhím nạc, ít mỡ, thơm ngon, nên đầu ra thuận lợi, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Gia đình ông Quàng Văn Kiên trồng cà phê xen canh cây ăn quả

Gia đình ông Quàng Văn Kiên trồng cà phê xen canh cây ăn quả

Mô hình của ông Kiên được nhiều hội viên đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các phong trào hội, sẵn sàng đóng góp tiền ủng hộ xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Đèo Văn Hải, trao đổi kinh nghiệm trồng vải chín sớm với hội viên CCB bản Nang Phai, xã Mường Bú.

Ông Đèo Văn Hải, trao đổi kinh nghiệm trồng vải chín sớm với hội viên CCB bản Nang Phai, xã Mường Bú.

Năm 1984, ông Đèo Văn Hải, bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường La, lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1989, ông được xuất ngũ, hưởng chế độ thương binh. Sau khi lập gia đình, ông bắt đầu khởi nghiệp với nghề làm vườn, chăn nuôi. Năm 1990, ông trồng 1 ha nhãn, cải tạo trên 700 m2 ao nuôi các loại cá và nuôi lợn đen, bò nhốt chuồng. Đến năm 2000, cây nhãn cho năng suất thấp, ông chuyển sang trồng giống vải U hồng chín sớm xen táo đại và mít thái.

Ông Hải chia sẻ: Đến nay, vườn vải của gia đình đã được hơn 20 năm. Do là giống chín sớm nên vào đầu tháng 8, vườn vải đã cho thu hoạch, sớm hơn giống vải địa phương 1 tháng. Sản lượng đạt trên 10 tấn quả, với giá bán trung bình 20.000 - 25.000 đồng/kg, được thương lái thu mua tại vườn. Tổng thu nhập từ trồng cây ăn quả và chăn nuôi khoảng 400 triệu đồng/năm.

Trở về sau những tháng năm rèn luyện trong quân ngũ, CCB Lò Văn Chơ, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cả Vai, xã Mường É, huyện Thuận Châu, luôn hết lòng vì công việc chung. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn góp công, góp sức cho sự phát triển chung của bản. Ông cùng với các đoàn thể, ban quản lý bản tuyên truyền, vận động bà con trong bản tham gia đóng góp hàng trăm triệu đồng, hiến trên 2.000 m2 đất, cây ăn quả và hàng trăm công lao động để mở rộng đường giao thông nông thôn...

Đầu năm 2020, ông vận động những người trồng chè trên địa bàn liên kết thành lập HTX Nông nghiệp Cả Vai, với 13 thành viên. HTX đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất giữa các thành viên từ khi trồng, thu hái đến tiêu thụ sản phẩm. Kiểm soát chặt chẽ quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ dịch bệnh nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tươi.

Ông Chơ cho biết: Với 50 ha chè, trung bình mỗi năm, HTX thu khoảng 50 tấn chè búp, bán với giá 15.000 đồng/kg, cho Công ty TNHH Kinh doanh nông sản Thân Nga, HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái... Ngoài ra, HTX còn kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng… Thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/thành viên/tháng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 74 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 35 HTX, 21 tổ hợp tác sản xuất, 125 trang trại, 1.603 gia trại, 934 hộ kinh doanh dịch vụ, do CCB làm chủ, tạo việc làm cho trên 21.000 lao động. Đã có 749 hội viên được công nhận danh hiệu CCB sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó, 15 hộ cấp Trung ương, 136 hộ cấp tỉnh, 278 hộ cấp huyện và 320 hộ cấp xã. Những con số này minh chứng thêm về tinh thần vượt khó, không cam chịu đói nghèo, luôn gương mẫu, đi đầu của những CCB trên trận tuyến mới, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, góp sức xây dựng quê hương phát triển.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/nhung-cuu-chien-binh-tren-tran-tuyen-moi-aQtOFjIIR.html