Những cựu chiến binh viết tiếp câu chuyện kinh tế thời bình

Không dừng lại với những chiến công trong thời chiến, nhiều cựu chiến binh tại hai xã Bắc Tân Uyên và Thường Tân (TP Hồ Chí Minh) đang tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, nêu gương sáng trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Ông Đoàn Minh Chiến (82 tuổi), nguyên Đại tá quân đội, thương binh hạng 2/4, hiện quản lý trang trại tổng hợp tại xã Bắc Tân Uyên với diện tích trên 50 ha.

Ông Đoàn Minh Chiến (82 tuổi), nguyên Đại tá quân đội, thương binh hạng 2/4, hiện quản lý trang trại tổng hợp tại xã Bắc Tân Uyên với diện tích trên 50 ha.

Trong số đó, mô hình kinh tế nông nghiệp của ông Đoàn Minh Chiến và ông Tô Hữu Phúc là điển hình tiêu biểu, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới trên vùng đất từng là chiến khu D.

Ông Đoàn Minh Chiến (82 tuổi), thương binh hạng 2/4, đang quản lý trang trại tổng hợp tại xã Bắc Tân Uyên rộng trên 50 ha. Sau khi nghỉ hưu, ông bắt tay khai hoang vùng đất từng là chiến trường ác liệt năm xưa. Với bản lĩnh người lính và tư duy sản xuất hiện đại, ông từng bước đưa trang trại phát triển theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Bưởi da xanh được ông lựa chọn làm cây trồng chủ lực, chiếm khoảng 30 ha, trong đó, gần 20 ha đang cho thu hoạch ổn định. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, trang trại đạt sản lượng khoảng 150 tấn bưởi, mang lại doanh thu hơn 3 tỷ đồng. Bên cạnh bưởi, trang trại còn kết hợp trồng điều, mít Thái và nhiều loại cây ăn trái khác theo hướng luân canh, bền vững.

Trang trại của ông Chiến hiện sử dụng hệ thống cảm biến đo độ ẩm đất, hệ thống tưới tự động và camera giám sát diện rộng. Toàn bộ quy trình canh tác được vận hành theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời đang từng bước tiếp cận chuẩn GlobalGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới xuất khẩu. Ông Đoàn Minh Chiến cho biết, bí quyết thành công không nằm ở quy mô mà là việc làm chủ công nghệ và kiên trì với định hướng sản xuất sạch, lâu dài.

Ông Đoàn Minh Chiến (82 tuổi), nguyên Đại tá quân đội, thương binh hạng 2/4.

Ông Đoàn Minh Chiến (82 tuổi), nguyên Đại tá quân đội, thương binh hạng 2/4.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Chiến còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với thu nhập ổn định, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với nhiều hộ nông dân trong vùng.

Ông Chiến đã trích một phần thu nhập để xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ anh em khó khăn. Bên cạnh đó, ông tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, góp phần chăm lo cho người nghèo và gia đình chính sách. Nhờ đó, xã Bắc Tân Uyên đã hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn trái theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị nông sản, phát triển thương hiệu “bưởi Bắc Tân Uyên”.

Tại xã Thường Tân, ông Tô Hữu Phúc (85 tuổi), thương binh hạng 4/4 cũng là một cựu chiến binh gương mẫu trong phát triển kinh tế hộ. Là y sĩ quân y từng công tác tại chiến khu D, sau khi nghỉ hưu, ông Phúc cùng vợ trở lại vùng đất cũ, nơi ông từng chiến đấu để khởi đầu lại từ hai bàn tay trắng.

Năm 1993, khi xã Thường Tân còn hoang vắng, dân cư thưa thớt, ông Phúc mua được 5 ha đất ven sông Bé. Từ vùng đất khô cằn, ông cần mẫn cải tạo, trồng thử nghiệm các loại cây có múi như, cam, bưởi, quýt và mít. Với sự cần cù, sáng tạo và áp dụng kỹ thuật tiên tiến, mô hình vườn cây của ông mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, có năm vượt mốc 1 tỷ đồng.

Ông Tô Hữu Phúc (85 tuổi), thương binh hạng 4/4, là một cựu chiến binh gương mẫu trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Thường Tân.

Ông Tô Hữu Phúc (85 tuổi), thương binh hạng 4/4, là một cựu chiến binh gương mẫu trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Thường Tân.

Từ hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhiều hộ dân trong xã học theo mô hình của ông Phúc, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo thống kê của chính quyền địa phương, diện tích cây ăn trái của xã Thường Tân tăng từ dưới 150 ha lên hơn 1.300 ha trong vòng 10 năm, với sản phẩm chủ lực là bưởi da xanh, mít Thái, sản xuất theo hướng an toàn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Hiện nay, dù tuổi cao, ông Phúc vẫn duy trì chăm sóc phần vườn còn lại và tích cực hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trẻ.

Ông Phúc chia sẻ: “Tôi thấy mình may mắn khi được sống và tiếp tục cống hiến. Thời chiến đánh giặc, thời bình chống nghèo, giúp nhân dân làm ăn, dựng xây quê hương - đó cũng là lý tưởng của người lính”.

Theo ông Trần Hữu Tài, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh, hai cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến và Tô Hữu Phúc là những tấm gương tiêu biểu trong toàn Hội về bản lĩnh, nghị lực, tinh thần vượt khó.

“Các mô hình kinh tế do hội viên Hội Cựu chiến binh làm chủ không chỉ góp phần tạo việc làm, làm giàu chính đáng mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến thế hệ trẻ, lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng”, ông Trần Hữu Tài nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Hữu Tài, các cấp Hội Cựu chiến binh đang tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế”, phối hợp các ngành chuyên môn hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình mới đang được khuyến khích nhân rộng nhằm nâng cao đời sống hội viên, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Từ vết thương chiến tranh, các cựu chiến binh đã trở thành những người kiến thiết quê hương bằng chính đôi tay và khối óc. Những trang trại trĩu quả không chỉ là minh chứng cho sự hồi sinh của vùng đất cũ mà còn là biểu tượng sống động cho tinh thần “thắng giặc rồi thắng nghèo” của người lính trong thời đại mới.

Bằng đóng góp bền bỉ, các cựu chiến binh như ông Chiến và ông Phúc đang tiếp tục viết tiếp trang truyện vẻ vang thời bình, góp phần xây dựng một vùng nông thôn đổi mới, nghĩa tình và phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Huyền Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/nhung-cuu-chien-binh-viet-tiep-cau-chuyen-kinh-te-thoi-binh-20250723172141363.htm