Những đặc sản ngon nhất Tây Bắc, pa pỉnh tộp có nguồn gốc từ đâu?

Các tỉnh miền núi Tây Bắc không chỉ níu chân du khách bằng cảnh vật hùng vĩ, nên thơ mà còn hấp dẫn bởi nhiều món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số.

1. Món cá nướng Pa Pỉnh Tộp là đặc sản của tỉnh nào?

A. Thái Nguyên
B. Lào Cai
C. Lai Châu
D. Điện Biên

Chính xác

Cá nướng Pa Pỉnh Tộp là đặc sản của đồng bào dân tộc Thái. Nguyên liệu chính của món này là cá suối và các loại gia vị. Món ăn này đặc biệt cả từ cách chế biến cho tới cách kết hợp các loại gia vị.

Khi thưởng thức món cá nướng Pa Pỉnh Tộp, người dân ở đây thường ăn cùng với xôi nếp, xôi dẻo, chẩm chéo, nhâm nhi chút rượu ngô.

Giữa không khí Tây Bắc se se lạnh, được ngồi quây quần bên mâm cơm ấm cúng, thưởng thức miếng Pa Pỉnh Tộp thơm nức mũi, vị ngọt béo quyện với hương vị của núi rừng là trải nghiệm mà khách du lịch không nên bỏ lỡ khi ghé thăm Điện Biên.

2. Món ăn nào là đặc sản của tỉnh Hòa Bình?

A. Trâu gác bếp Mèo Vạc
B. Thịt lợn đùm hoa chuối
C. Bánh chưng Bờ Đậu
D. Thịt trâu lá lồm

Chính xác

Thịt trâu lá lồm là món ăn đặc sản của người dân tộc Mường. Món ăn này ngon nhất là khi ăn nóng. Với người Mường, nồi thịt trâu lá lồm đặc biệt thơm ngon bởi nó đại diện cho sự ấm áp, thân tình, là "Mùi của gia đình - Vị của hạnh phúc".

Cắn miếng thịt, người ăn có thể cảm nhận ngay vị chua ngọt nơi đầu lưỡi và ấm nồng trong cổ họng nhưng lại rất khó để diễn tả hết hương vị của món đặc sản này.

Người Mường ăn thịt trâu lá lồm theo cách múc riêng mỗi người một bát to, đủ cả nước lẫn cái. Du khách cũng có thể ăn chung với bún, bánh mì hay nhâm nhi như món nhậu.

3. Bê chao là đặc sản của tỉnh nào?

A. Hòa Bình
B. Thái Nguyên
C. Sơn La
D. Phú Thọ

Chính xác

Bê chao Mộc Châu là đặc sản nổi tiếng của Sơn La. Thịt bê mềm ngọt thơm lừng mùi sả với lớp da giòn sần sật chấm kèm tương bần đậm đà, ăn cùng với rau thơm, rau rừng, ăn đến đâu đã đến đấy. Du khách thưởng thức món bê chao nhâm nhi cùng chút rượu táo mèo Tây Bắc thì quả là tuyệt phẩm.

4. Nơi nổi tiếng với món xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc Lự?

A. Yên Bái
B. Thái Nguyên
C. Phú Thọ
D. Lai Châu

Chính xác

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới với 20 dân tộc sinh sống, trong đó có người dân tộc Lự. Người Lự Lai Châu có nhiều món ẩm thực độc đáo, nhưng nổi bật là món xôi ngũ sắc. Món xôi được người dân gìn giữ đến tận nay và trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn du khách khi đặt chân đến nơi đây.

Từ lâu, xôi ngũ sắc được biết đến là món ăn truyền thống của người Lự và mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Trong các dịp lễ, Tết của người dân nơi đây, nhất là trong đám cưới, đám giỗ, không thể thiếu món xôi này. Xôi ngũ sắc tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của cộng đồng dân tộc Lự nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung.

5. Món phở chua là đặc sản của tỉnh nào?

A. Hòa Bình
B. Lào Cai
C. Hà Giang
D. Yên Bái

Chính xác

Bắc Hà được coi là mảnh đất ẩm thực của Lào Cai, nếu du khách có dịp ghé thăm Bắc Hà, đừng bỏ qua món phở chua nổi tiếng.Thành phần của món ăn gồm có bánh phở mới tráng còn ấm nóng, thịt lợn xá xíu, rau sống thái nhỏ, lạc và cuối cùng chan một ít nước chua. Với phở chua, yếu tố quyết định vị ngon chính là nước chua.

Theo truyền thống, nước chua được làm từ việc ngâm, trộn rau cải với nước đường và chắt lọc được nước chua. Đây là cả một quy trình khắt khe, mà chất lượng của nước chua phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của người làm.

Bởi phở chua nhạt hơn so với khẩu vị chung của mọi người nên khi ăn nhớ cho thêm một chút muối để vừa miệng. Đây là món ăn thích hợp thưởng thức vào ngày hè.

6. Món bánh chưng đen là đặc sản của tỉnh nào?

A. Điện Biên
B. Bắc Kạn
C. Phú Thọ
D. Yên Bái

Chính xác

Bánh chưng đen Mường Lò ở Yên Bái là đặc sản của người Thái không chỉ hấp dẫn bởi màu sắc đặc biệt mà còn có hương vị tuyệt vời. Những ai đã thưởng thức bánh sẽ không thể quên được độ dẻo, vị ngọt, vị béo ngậy quyện lại với nhau tạo nên 1 món ngon khó thể cưỡng lại.

Giống như bánh chưng xanh của người Kinh, bánh chưng đen Mường Lò của người Thái cũng được cha truyền con nối qua nhiều thế hệ. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, được thưởng thức miếng bánh chưng đen, mùi gạo quyện với than núc nác, hoa cây vừng đen như có cảm giác thưởng thức cả mùi cỏ cây, ruộng đồng, đất trời và thiên nhiên miền Tây Yên Bái.

Ngọc Tân

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-dac-san-ngon-nhat-tay-bac-pa-pinh-top-co-nguon-goc-tu-dau-2105235.html