Những đại sứ văn hóa đọc 2024: Chung một tình yêu với sách

Nhận xét về chất lượng bài thi của các Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Bình Phước năm 2024, Ban tổ chức cho rằng thí sinh đã lựa chọn tác phẩm đa dạng và mới mẻ hơn so với các năm trước. Những bài thi đạt giải thể hiện sự xuất sắc trong ý tưởng, nhân vật truyền cảm hứng, tác phẩm truyền cảm hứng, kỹ thuật viết và cả khả năng sáng tạo. Đặc biệt, có bài thi đã thể hiện niềm say mê thực thụ đối với sách, trải lòng mình trong từng trang viết và dành trọn tâm huyết để thực hiện.

Đề xuất giải pháp phát triển văn hóa đọc hiệu quả

Cô Nguyễn Thị Mỹ Nhân, giảng viên Trường cao đẳng Bình Phước chia sẻ: Lần thứ 6 tham gia với vai trò thành viên Ban giám khảo, năm nay tôi thấy các bài dự thi lọt vào vòng trong có nội dung khá tốt với nhiều đầu sách mới phù hợp lứa tuổi thí sinh tham gia. Tôi ấn tượng với bài thi của thí sinh Nguyễn Thảo Linh, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Phước Bình, TX. Phước Long ở đề thi “Viết tiếp lời cho một câu chuyện - cuốn sách lan tỏa tình yêu đọc sách” dành cho khối THCS. Bài viết của Thảo Linh nói về Cà Nóng - “một chiếc máy ảnh” được đến và trải nghiệm cuộc sống ở đảo Trường Sa. Tại đây, Cà Nóng đã cùng các bạn làm việc có ý nghĩa là nỗ lực xây dựng một thư viện nhỏ giúp các bạn sống trên đảo biết đến thế giới rộng lớn của sách.

Khi tiếp cận đề thi, Thảo Linh đã nghĩ ngay đến đề tài biển đảo và muốn các bạn ở đất liền hiểu rõ về biển đảo quê hương. Vì thế, Thảo Linh chọn “Cà Nóng chu du Trường Sa” để góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách cũng như tình yêu biển đảo.

Đại sứ văn hóa đọc Thảo Linh đã hóa thân thành chiếc máy ảnh Cà Nóng viết ước mơ xây thư viện cho các bạn nhỏ trên đảo Trường Sa

Đại sứ văn hóa đọc Thảo Linh đã hóa thân thành chiếc máy ảnh Cà Nóng viết ước mơ xây thư viện cho các bạn nhỏ trên đảo Trường Sa

“Cà Nóng chu du Trường Sa” của tác giả Bùi Tiểu Quyên là cuốn sách đã đoạt giải C Giải sách quốc gia lần thứ V, năm 2022. Nhớ lại ấn tượng khi đọc cuốn sách này, Thảo Linh cho biết: “Lần đầu tiên đọc cuốn sách “Cà Nóng chu du Trường Sa”, gấp trang sách lại rồi mà chương 12 vẫn còn vang vọng trong đầu em. Đó là chương sách với cái tên rất ấn tượng “Những em bé hoa muống biển”. Bởi lẽ nội dung đó giúp em hiểu hơn về đời sống và ước mơ của các bạn nhỏ ở ngoài đảo xa. Các bạn nhỏ trên đảo cũng như những bông hoa muống biển, thanh khiết tưởng chừng mong manh nhưng lại rất mạnh mẽ, bền bỉ. Điều đáng quan tâm là các bạn rất thích đọc sách nhưng tủ sách ở đảo rất ít. Các bạn ở đảo rất có ý thức bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên và tiết kiệm nước. Điều đó làm em thấy vừa thương vừa nể phục các bạn, đồng thời thấy mình may mắn khi được sống trong điều kiện đầy đủ hơn. Từ đó em muốn viết tiếp câu chuyện bằng cách hóa thân vào vai Cà Nóng để tặng thật nhiều sách cho các bạn ở đảo. Cà Nóng sẽ đến Trường Sa lần thứ hai và lên kế hoạch thành lập tủ sách trên đảo”.

Còn trong suy nghĩ của em Dương Mai Khôi, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Tân Tiến, huyện Đồng Phú, đọc sách sẽ giúp bản thân thu thập được nhiều kiến thức, các bài học bổ ích, từ đó trau dồi kiến thức về các lĩnh vực trong cuộc sống và hoàn thiện bản thân. Vì vậy mỗi ngày, khi có thời gian rảnh, Mai Khôi thường say sưa với các cuốn sách liên quan đến lịch sử nước nhà, văn học xã hội hoặc các loại truyện tranh trinh thám...

Đại sứ văn hóa đọc Mai Khôi chọn tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Đại sứ văn hóa đọc Mai Khôi chọn tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Khi tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024, Mai Khôi mong muốn được chia sẻ cảm nghĩ của mình về các tác phẩm văn học, tạo thói quen đọc sách và giúp phong trào đọc sách ngày càng lan tỏa rộng rãi. Ở đề thi yêu cầu xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt khuyến khích thí sinh xây dựng kế hoạch hành động hướng đến đối tượng là trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, Mai Khôi đã có những đề xuất giải pháp rất cụ thể, sát thực tế. Mai Khôi đề xuất nên xây dựng tủ sách cộng đồng ở mỗi địa phương. Qua đó, giúp nhiều người được tiếp xúc với những cuốn sách hay, góp phần nâng cao ý thức đọc sách của mỗi người.

Mai Khôi còn đề xuất địa điểm đặt tủ sách phải phù hợp và thuận lợi cho việc tiếp cận sách của các bạn nhỏ và người dân. Đặc biệt nguồn sách cần chọn lọc kỹ để mang đến những giá trị văn hóa, xã hội, giáo dục sự phát triển nhân cách con người. Đồng thời tại các điểm đặt tủ sách cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể nhằm thu hút học sinh, người dân đến đọc sách, lồng ghép tuyên truyền nâng cao ý thức người dân tham gia đọc sách.

Truyền cảm hứng lối sống tích cực

Tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Bình Phước năm 2024, với tác phẩm “Lược sử nước Việt bằng tranh” bản tiếng Việt, thí sinh Nguyễn Ngọc Hồng Nhung, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Phước Long, TX. Phước Long đã được chọn trao giải tác phẩm truyền cảm hứng tới lối sống tích cực có trách nhiệm với xã hội. Hồng Nhung có sở thích đọc tư liệu lịch sử, các sự kiện và nhân vật có sức ảnh hưởng trong lịch sử Việt Nam. Hồng Nhung còn yêu thích các môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý nên đây là cuốn sách khiến em rất tâm đắc.

Đại sứ văn hóa đọc Hồng Nhung chọn tác phẩm “Lược sử nước Việt bằng tranh” nhằm lan tỏa thông điệp “Dân ta phải biết sử ta”

Đại sứ văn hóa đọc Hồng Nhung chọn tác phẩm “Lược sử nước Việt bằng tranh” nhằm lan tỏa thông điệp “Dân ta phải biết sử ta”

Theo Hồng Nhung, những tấm gương của thế hệ đi trước đã truyền cho em nguồn động lực phấn đấu, học tập, giúp em thấy được giá trị của lòng biết ơn và xây dựng thái độ sống đúng đắn. Chính vì vậy, Hồng Nhung luôn nỗ lực nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi; đạt giải khuyến khích học sinh giỏi cấp thị xã môn Ngữ văn lớp 9; đạt giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12. Đặc biệt, Hồng Nhung là thí sinh đạt điểm môn Ngữ văn cao nhất trường kỳ thi tốt nghiệp THPT, á khoa khối C00 Trường THPT thị xã Phước Long năm 2024. Hồng Nhung còn vinh dự được kết nạp Đảng khi đang là học sinh lớp 12.

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Bình Phước năm 2024 tiếp nhận 731 bài thi và 4 video dự thi với 59 trường tham gia ở 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Theo ban tổ chức, cuộc thi năm nay có số lượng bài thi ít hơn năm 2023. Qua các vòng sơ khảo, Ban giám khảo đã chọn 31 bài để trao giải nhất, giải nhì, giải ba, khuyến khích và chọn ra 6 bài đạt thứ hạng cao để tham gia dự thi toàn quốc. Ở giải chuyên đề, ban tổ chức sẽ trao giải nhất về nội dung chia sẻ cảm nhận cuốn sách hay nhất và giải nhất sáng kiến kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ấn tượng nhất. Giải tập thể sẽ trao 2 giải cho trường có nhiều thí sinh đạt giải nhất và trường có nhiều thí sinh tham gia nhất. Lễ tổng kết và trao giải sẽ tổ chức vào ngày 10-8 tới.

Số lượng bài thi năm nay ít hơn năm 2023, tuy nhiên có nhiều bài dự thi được trình bày công phu, đẹp mắt, cách hành văn chững chạc, sâu sắc trong suy nghĩ và hồn nhiên trong cảm nhận. Nhiều bài dự thi ấn tượng với những cuốn sách có ý nghĩa, những giải pháp lan tỏa tình yêu đối với sách, đúng chủ đề, bố cục khoa học, rút ra ý nghĩa, bài học, có liên hệ bản thân hợp lý và thực sự là sản phẩm tinh thần của các em. Những sáng tác, chia sẻ đầy xúc động, chân thành trong các bài dự thi cho thấy sách là người bạn đồng hành vô cùng thân thiết của các em.

Bà NGUYỄN THỊ TÚY VÂN, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Bình Phước năm 2024

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/161073/nhung-dai-su-van-hoa-doc-2024-chung-mot-tinh-yeu-voi-sach