Những 'đại thụ' của đồng bào dân tộc

Ở Tuyên Quang, người có uy tín (NCUT) là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ là những cây 'đại thụ' lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Bằng uy tín của bản thân, NCUT đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.

Giúp người dân nghĩ đúng, làm đúng

Là người di cư về sau nhưng lại luôn đi trước trong mọi công việc, khi đã thành công ông đều tuyên truyền vận động Nhân dân cùng làm. Ông được bà con ví như “ngọn đuốc” sáng soi đường chỉ lối cho dân bản thoát khỏi đói nghèo, đến với cuộc sống ấm no và tốt đẹp. Đó là câu chuyện về ông Nông Quý Thọ, NCUT dân tộc Dao, thôn Bản Ba 2, xã Trung Hà (Chiêm Hóa). Trong căn nhà gỗ nằm nép mình dưới chân núi, ông Thọ nhấp chén trà đặc, chậm rãi kể cho chúng tôi về chuyện lập làng, xóa đói nghèo của đồng bào Bản Ba 2.

Ông Thọ chia sẻ: “Hơn chục năm về trước, khi ấy thôn Bản Ba (cũ) là nơi sinh sống của 26 hộ gia đình đồng bào dân tộc Dao. Để xây dựng Nhà máy thủy điện, những người dân đã phải di dời về vùng đất mới và đặt tên thôn mới là Bản Ba 2. Nhưng về vùng đất mới, điều kiện canh tác có phần khó khăn hơn, nhiều gia đình muốn bỏ thôn, bản đi đến nơi khác sinh sống”.

Ông Nông Quý Thọ tiên phong trồng cam, chanh phát triển kinh tế.

Ông Nông Quý Thọ tiên phong trồng cam, chanh phát triển kinh tế.

Nắm bắt được nguy cơ này, ông Thọ cùng đảng viên trong thôn ra sức khuyên ngăn, tập hợp bà con tìm cách vượt qua khó khăn. Nhận thấy vùng đất mới có đất rừng, đất đồi và ruộng, nhưng bà con chưa biết khai thác để tạo ra sinh kế, ông Thọ cùng cán bộ xã, thôn đi đến từng nhà để tìm hiểu nguyện vọng của bà con rồi tạo điều kiện cho bà con đi học các lớp nông nghiệp ngắn hạn.

“Ở vùng này có núi Cham Chu bao bọc nên mùa Đông vẫn có thể trồng ngô, cây hoa màu..., tôi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 2.500 m2 ngô vụ Đông và nuôi 4 con trâu. Ngay vụ đầu tiên tôi đã thành công” - ông Thọ chia sẻ.

Với mục tiêu “không để đất trống, túi rỗng”, sau khi có được thành công ở vụ Đông, người dân thôn Bản Ba 2 cũng lần lượt làm theo ông Thọ. Giờ đây, tại thôn Bản Ba 2, vụ Đông cũng đã trở thành thu nhập chính của nhiều gia đình.

Ông Thọ bộc bạch: “NCUT không phải là người lãnh đạo, chỉ đạo mà là người vận động, chinh phục trái tim của Nhân dân. Cốt lõi là muốn nói dân nghe thì phải làm cho dân tin cô ạ!”.

Đúng như lời ông nói, ở Bản Ba 2 gia đình ông Thọ là một tấm gương sáng trong lao động sản xuất vươn lên làm giàu.

Bà Ma Thị Lỷ, thôn Bản Ba 2 cho biết: “Tôi học theo ông Thọ trồng cam, đến nay đã có 600 gốc cam 8 năm tuổi, ước tính mỗi năm thu hoạch được 15 - 20 tấn cam, lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/năm”.

Từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Bản Ba 2 đã được Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng làm nhà văn hóa thôn. Do công trình có tổng kinh phí hơn 400 triệu, nên phải vận động thêm kinh phí từ Nhân dân. Ông Thọ đã tiên phong tham gia đóng góp kinh phí, ngày công, vật liệu xây dựng. Ông cũng vận động bà con cùng chung tay đóng góp trên 100 triệu đồng, 300 ngày công lao động làm nhà văn hóa, làm kênh mương nội đồng. Bằng những nỗ lực của ông Thọ, giờ đây, cuộc sống người dân Bản Ba 2 đã có sự thay đổi rõ rệt. Người dân có thêm những mô hình kinh tế mới, phát triển bền vững. Thu nhập bình quân đầu người trong bản đạt 50 triệu đồng/năm.

Làm để dân tin

Đến thôn Bờ Hồ, xã Kháng Nhật (Sơn Dương), người dân đã quen thuộc với hình bóng người “vác tù và hàng tổng” là bà Hoàng Thị Uyên. Bà Uyên được người dân bầu làm NCUT từ năm 2014. Năm 2018, bà được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ.

Bí thư Đảng ủy xã Kháng Nhật Trần Viết Hướng chia sẻ: “Những năm gần đây, nhờ triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống của đại bộ phận đồng bào ở Bờ Hồ đã có nhiều chuyển biến tích cực”. Đến nay, đường giao thông nội thôn cơ bản đã được bê tông hóa, số hộ nghèo của thôn chỉ còn 9% không còn hộ đói. Chỉ vào con đường bê tông sạch sẽ, nhà văn hóa thôn, rồi tuyến đường thắp sáng đều nhờ bà Uyên vận động bà con hiến đất, góp tiền, ngày công xây dựng.

Bà Hoàng Thị Uyên (đứng giữa) tự nguyện hiến 354 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa.

Bà Hoàng Thị Uyên (đứng giữa) tự nguyện hiến 354 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa.

Trong đó, bà Uyên đã nêu gương tự nguyện hiến 354 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa. Noi theo bà Uyên, người dân trong thôn đã đóng góp gần 200 triệu đồng. Đến cuối năm 2020, nhà văn hóa thôn đã xây dựng xong, khang trang, sạch đẹp và đưa vào sử dụng, Nhân dân ai cũng phấn khởi.

Bà Uyên trải lòng: “Tuy khó nhưng mình gương mẫu trước Nhân dân, cố gắng động viên, giúp đỡ thì Nhân dân sẽ đồng thuận và làm theo”.

Sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, bà Uyên đã cùng với tập thể chi bộ vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp như: trồng rừng, chè, nuôi trâu, bò sinh sản... Thấy Nhân dân chưa yên tâm, bản thân bà và các đảng viên trong chi bộ gương mẫu làm trước, sau đó vận động người dân làm theo. Vừa làm mẫu, vừa đến từng hộ vận động người dân, cầm tay chỉ việc. Bà Uyên còn thành lập 3 tổ sản xuất kinh tế, để giúp đỡ nhau trong sản xuất, đặc biệt là các hộ gia đình khó khăn. Từ một xóm nghèo vươn lên, đến nay thu nhập bình quân đầu người thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm.

Dành trọn tâm sức cho bản làng

Bước sang tuổi 64, mái tóc đã gần bạc trắng nhưng ông Hoàng Văn Đương, NCUT thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) vẫn rắn rỏi như cây lim, cây táu giữa rừng già. Tiếng nói của ông vẫn sang sảng, chắc nịch.

Ông Hoàng Văn Đương nỗ lực vận động bà con phát triển vùng nguyên liệu ớt.

Ông Hoàng Văn Đương nỗ lực vận động bà con phát triển vùng nguyên liệu ớt.

Thôn Làng Chạp có 121 hộ dân, 85% là đồng bào dân tộc Tày và Dao. Đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy để thực hiện được các tiêu chí của Chương trình nông thôn mới là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Nhận thức được tầm quan trọng đó, với vai trò là NCUT, ông cùng Mặt trận và các chi hội, đoàn thể của thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ chung tay xây dựng NTM, vận động bà con đóng góp trên 400 triệu đồng, 300 ngày công tham gia xây dựng đường giao thông liên thôn, đường nội đồng; xây dựng cơ sở, vật chất văn hóa... Những công trình này góp phần thay đổi diện mạo thôn Làng Chạp.

Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, ông Đương đã tạo được niềm tin yêu của đồng bào, trở thành trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Làng Chạp.

Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 xác định mục tiêu thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Thực hiện được mục tiêu trên cần sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó, NCUT có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tại địa phương.

Tỉnh Tuyên Quang có 1.343 NCUT. Hầu hết NCUT tuổi đời đã cao nhưng luôn nỗ lực tham gia đóng góp vì sự phát triển chung của cộng đồng. Họ là những “cây đa, cây đề”, là chỗ dựa vững chắc trong lòng dân bản vùng đồng bào DTTS.

Lý Thu

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nhung-dai-thu-cua-dong-bao-dan-toc-193681.html