Khánh Hòa: nhiều bất cập khi cho thí điểm lặn biển trên vịnh Nha Trang

Khánh Hòa thông qua thí điểm 4 khu vực tổ chức lặn biển thế thao giải trí trên vịnh Nha Trang nhưng tại các điểm này không được lặn bằng khí tài và đi bộ dưới biển.

Thông qua 4 điểm lặn biển

Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu tại cuộc họp nghe báo cáo phương án thí điểm một số khu vực tổ chức lặn biển thể thao giải trí trên vịnh Nha Trang.

Rạn san hô vịnh Nha Trang đang phục hồi tốt.

Rạn san hô vịnh Nha Trang đang phục hồi tốt.

Trước đó, tại cuộc họp liên quan đến vấn đề trên, lãnh đạo UBND TP Nha Trang cho biết, vịnh Nha Trang có thế mạnh về du lịch biển đảo… là nơi tập trung nhiều loại hình du lịch như: bơi, lặn biển, tàu đáy kính, đi bộ dưới đáy biển, tổ chức sự kiện dưới đáy biển, tour tham quan biển đảo… đã thu hút hàng triệu khách du lịch đến tham quan mỗi năm. Hiện nay, trong vịnh Nha Trang có trên 30 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ lặn biển.

Tuy nhiên, do rạn san hô khu vực Hòn Mun thời gian qua bị suy giảm vì nhiều lý do, nên TP Nha Trang tạm dừng hoạt động lặn biển tại khu vực đảo Hòn Mun. Việc đóng cửa tạm thời các điểm lặn tại Hòn Mun, chỉ tổ chức hoạt động lặn tại Hòn Rơm và yêu cầu du khách tham gia hoạt động lặn biển phải có chứng chỉ lặn biển thể thao gây ra khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp.

Theo UBND TP Nha Trang, việc đóng cửa tạm thời các điểm lặn tại Hòn Mun và nâng yêu cầu đối với du khách là cần thiết để đảm bảo việc phục hồi rạn san hô và các hệ sinh thái khác.

Ngoài ra, việc đóng các điểm lặn nói trên còn nhằm thực hiện nhiệm vụ khảo sát đánh giá hiện trạng rạn san hô tại Hòn Mun nói riêng và vịnh Nha Trang nói chung, xác định các khu vực dễ bị tổn thương, từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang phù hợp nhất.

 Doanh nghiệp nuôi trồng, phục hồi san hô trên vịnh Nha Trang.

Doanh nghiệp nuôi trồng, phục hồi san hô trên vịnh Nha Trang.

Lãnh đạo UBND TP Nha Trang cũng cho rằng, song song với việc điều tra, nghiên cứu và tổ chức phân vùng lại phân khu chức năng của khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, cần có giải pháp tạm thời để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động lặn biển thể thao giải trí trên vịnh Nha Trang; phục hồi và duy trì hoạt động kinh doanh sau thời gian dài khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Qua khảo sát của Ban Quản lý vịnh Nha Trang và các cơ quan, đơn vị liên quan, hiện trên vịnh Nha Trang có 4 khu vực thích hợp để tổ chức thí điểm lặn biển thể thao giải trí phía Bắc đảo Hòn Rùa (phường Vĩnh Hòa), khu vực thả rạn nhân tạo tại phường Vĩnh Hòa, phía Đông Bắc đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên), vùng nước giáp ranh giữa Bãi Tranh và Bãi Sỏi (phía đông đảo Trí Nguyên).

Các rạn san hô và các hệ sinh thái khác tại những khu vực này khá phong phú, đa dạng; không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy và thuận lợi cho việc vận chuyển du khách khi đưa vào khai thác... Theo đó, UBND TP Nha Trang đề xuất tổ chức thí điểm lặn biển thể thao giải trí tại 4 khu vực nói trên.

Cho không khác gì cấm

Theo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu, thống nhất chủ trương tổ chức thực hiện phương án lặn thí điểm trong 1 năm, kể từ khi cấp phép cho doanh nghiệp tham gia hoạt động thí điểm đầu tiên.

Tour biển đảo, lặn ngắm san hộ và đi bộ dưới biển nhiều năm nay được du khách lựa chọn hàng đầu khi đến Nha Trang.

Tour biển đảo, lặn ngắm san hộ và đi bộ dưới biển nhiều năm nay được du khách lựa chọn hàng đầu khi đến Nha Trang.

Tuy nhiên kết luận yêu cầu TP Nha Trang bổ sung phương án thí điểm các điển kiện cần thiết để đảm bảo tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của rạn san hô và đảm bảo môi trường bền vững. Chỉ cho phép khai thác với sức tải tối thiểu tại các khu vực.

Đáng chú ý là yêu cầu TP Nha Trang phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các đơn vị liên quan xác định cụ thể các hoạt động lặn biển cho phép tổ chức thực hiện tại 4 khu vực thí điểm. Trong đó, 4 khu vực thí điểm không tổ chức hoạt động lặn biển đối với loại hình mang khí tài, đi bộ dưới biển.

Theo các doanh nghiệp chuyên tổ chức các tour lặn biển, đi bộ dưới biển, việc địa phương cho thí điểm nhưng không cho sử dụng khí tài và đi bộ dưới biển không khác nào cho nhưng cấm.

“Để đầu tư một điểm lặn biển hoặc đi bộ dưới biển doanh nghiệp phải chi khá nhiều tiền tùy vào quy mô. Đầu tiên là nuôi trồng phục hồi san hô, cấy ghép các loại thủy sinh để tăng độ phủ san hô, thủy sinh cũng như thu hút các loài cá về bãi lặn.

Có như vậy du khách lặn biển mới có những trải nghiệm thú vị để chi tiền mua tour. Nhưng thời gian thí điểm 1 năm và không cho sử dụng khí tài hoặc đi bộ dưới biển thì không doanh nghiệp nào dám đầu tư” - đại diện một doanh nghiệp chuyên tổ chức tour lặn biển cho biết.

Đầu năm 2024, hệ sinh thái rạn san hô xung quanh Hòn Mun đang trong quá trình phục hồi tốt. Độ che phủ của san hô dao động 30- 50%.

Đầu năm 2024, hệ sinh thái rạn san hô xung quanh Hòn Mun đang trong quá trình phục hồi tốt. Độ che phủ của san hô dao động 30- 50%.

Theo các doanh nghiệp chuyên tổ chức tour lặn biển, đi bộ dưới biển, việc bảo vệ các rạn san hô, thủy sinh trong vịnh Nha Trang không khác gì bảo vệ miếng cơm của họ. Ngoài ra, người đi tour lặn biển thường không có chứng chỉ lặn biển chuyên nghiệp nên cần có các điểm lặn “phổ thông” để trải nghiệm.

“Doanh nghiệp mở tour lặn biển ở Khánh Hòa trung bình cũng được 10 năm, ít cũng khoảng 5 năm. Ai cũng ý thức bảo vệ rạn san hô để có cái dắt khách đi tham quan. Chúng tôi luôn nói với du khách về việc nghiêm cấm làm hư hại san hô.

Hơn hết dù khách lặn khí tài hay đi bộ dưới biển chúng tôi luôn có người của mình kè kè bên cạnh để hướng dẫn, bảo vệ du khách cũng như ngăn cản các hành động ảnh hưởng đến san hô. Vậy nên việc cho lặn mà không có khí tài chẳng khác nào kêu chúng tôi đừng làm” - ông Quang, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.

Trung Nhân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khanh-hoa-nhieu-bat-cap-khi-cho-thi-diem-lan-bien-tren-vinh-nha-trang.html