Những đám cưới phóng viên chiến trường
Đám cưới anh Trần Mai Hạnh - chị Bùi Kim Anh diễn ra vào ngày 5/8/1972, đúng ngày có sự kiện Vịnh Bắc Bộ gần chục năm trước. Tổng Biên tập Đào Tùng, trong lễ cưới thời chiến rất giản dị, ấm cúng ở hội trường Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), nay là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), cũng nhắc đến sự trùng hợp này...
1- Giữa năm 1972, tôi đang ở mặt trận Quảng Trị thì nhận thư anh Trần Mai Hạnh từ Hà Nội. Trong thư, ngoài những trao đổi về bài vở, tình hình, anh báo tin sắp xây dựng gia đình với cô giáo dạy văn người Hà Nội tên là Bùi Kim Anh. Chị Kim Anh nhà ở nội thành nhưng dạy học bên trường cấp 3 Cổ Loa (Đông Anh). Anh chị quen nhau qua một chị bạn làm biên tập viên Nhà xuất bản Giải Phóng, người đang biên tập sách cho anh Hạnh xuất bản. Thời gian ấy anh Trần Mai Hạnh đang hoàn thành tập truyện Nắng Thu Bồn, tác phẩm đầu tay của anh sau khi từ mặt trận Quảng Đà trở ra miền Bắc.

Chú rể - nhà báo Trần Mai Hạnh tặng hoa cô dâu - nhà giáo Bùi Thị Kim Anh (5/8/1972).
Được tin anh báo, điều đầu tiên là tôi nghĩ đến bố mẹ tôi. Các cụ hẳn rất vui, vì anh Hạnh là con cả, năm ấy cũng gần 30 tuổi, do công tác thay đổi nhiều nơi, lại mới trở về từ mặt trận nên “chưa có nơi có chốn”. Đến lúc ấy, tôi cũng chưa biết mặt chị dâu tương lai nhưng mừng là anh đã tìm được người bạn đời của mình. Ngay buổi chiều nhận được tin, tôi đã gom tất cả số tiền tôi có, đi bộ ra nơi sơ tán của bưu điện Hồ Xá gửi về Hà Nội cho anh Hạnh. Ở chiến trường tôi chẳng tiêu gì. Tôi rất thương anh vì biết xây dựng gia đình cần nhiều thứ. Bố mẹ tôi còn phải nuôi em gái đi học nên điều kiện cũng hạn chế. Chị gái tôi lúc ấy cũng đã có gia đình riêng, sắp sinh con nên cũng còn nhiều việc phải lo toan.
Đám cưới anh Trần Mai Hạnh - chị Bùi Kim Anh diễn ra vào ngày 5/8/1972, đúng ngày có sự kiện Vịnh Bắc Bộ gần chục năm trước. Tổng Biên tập Đào Tùng, trong lễ cưới thời chiến rất giản dị, ấm cúng ở hội trường Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), nay là Thông tấn xã Việt Nam, cũng nhắc đến sự trùng hợp này. Bố mẹ tôi ở Hải Dương không lên dự được vì mẹ tôi đang ốm, bố tôi cũng bận công việc, vì dịp ấy thị xã Hải Dương, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt ga xe lửa, cầu Phú Lương, cầu Lai Vu trên quốc lộ 5, trục giao thông huyết mạch nối cảng Hải Phòng và Hà Nội.
Tổng Biên tập Đào Tùng, Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng là những người lãnh đạo cao nhất của VNTTX, thay mặt gia đình tôi và cơ quan đến thưa chuyện với nhà gái và bàn bạc về đám cưới. Sau này anh Hạnh kể, chú rể không có áo vét, chỉ mặc quần tím than, áo sơ mi trắng bằng tiêu chuẩn tem phiếu bạn bè gom lại. Chị Kim Anh mặc áo dài cũ chị vẫn mặc đi hát ở các hội diễn ngành giáo dục. Theo tiêu chuẩn hồi ấy, anh chị được mua giường cưới, vỏ chăn con công và một số đồ dùng. Tổng Biên tập Đào Tùng làm chủ hôn. Anh Hạnh đèo chị Kim Anh bằng xe đạp đến hội trường, chân đi dép cao su vì không có giày. Đám cưới có đông bạn bè, đồng nghiệp. Nhiều bạn của chị Kim Anh, những người là giọng hát hay của Hà Nội khi đó, đến hát các bản tình ca nổi tiếng trong một đêm Hà Nội vẫn sẵn sàng trực chiến. Sau ngày cưới, anh Hạnh chia tay cảnh “giường bàn, chiếu báo, gối bản tin” ở cơ quan. Anh chị được cho mượn một gian phòng nhỏ trong khu tập thể VNTTX ở dốc Thọ Lão, nơi năm sau con gái đầu của anh chị, cháu Trần Mai Anh cất tiếng khóc chào đời.

Phó Tổng Biên tập VNTTX Đỗ Phượng chúc mừng chú rể Xuân Lâm và cô dâu Tạ Thị Xiêm (1969).
2- Năm 1972, khi chúng tôi ở Quảng Trị, nhà báo Xuân Lâm dùng bút danh Xuân Lệ. Thời kỳ ấy, các phóng viên đã có tên trên các báo ở miền Bắc, khi vào chiến trường đều đổi tên. Tôi biết tên anh được ghép từ tên mình và con gái đầu lòng, cháu Bích Lệ, khi ấy chưa đầy hai tuổi.
Hôm chúng tôi lên đường vào Quảng Trị, tháng 1/1972, trong số người đưa tiễn có chị Tạ Thị Xiêm, vợ anh Xuân Lâm. Gương mặt chị đẹp, hiền hậu nhưng lộ rõ vẻ hồn chồn, lo lắng. Tâm trạng ấy mọi người đều hiểu và chia sẻ. Không ai muốn chồng mình đi vào nơi hòn tên mũi đạn. Trong số anh em lên đường ngày ấy, chỉ duy nhất anh Xuân Lâm đã có gia đình riêng nên sự có mặt của chị càng được chú ý.
Anh Xuân Lâm và chị cưới nhau năm 1969. Một tình yêu bắt đầu tình bạn bè, anh em cùng phố. Nhà anh ở phố Lò Đúc, nhà chị ở phố Trần Xuân Soạn. Hai con phố cổ của Hà Nội này liền nhau. Nhà họ ở nơi ngã ba ấy. Năm 1966 , anh Xuân Lâm đi bộ đội về, theo học lớp phóng viên VNTTX khóa 7. Chị Xiêm mà cán bộ kỹ thuật ở Bộ Nội thương. Năm ấy họ mới chính thức nói lời yêu nhau. Anh Xuân Lâm trở thành phóng viên nhiếp ảnh của tiểu ban Nội chính trong những ngày chiến tranh phá hoại leo thang ở miền Bắc. Anh thường xuyên đi công tác tuyến lửa khu Bốn. Họ chỉ gặp nhau vào những ngày anh trở về Hà Nội giữa những chuyến đi.

Đám cưới tại quê hương nhà báo Vũ Tạo và chị Vũ Thị Hiển có hai vị khách quý: Nhà báo Lê Châu, Phó Trưởng Ban Tin Ảnh miền Bắc-VNTTX (trái) và Đại tá Trần Bình, trưởng Phòng Thông tấn quân sự.
Đám cưới thời chiến của anh chị tổ chức ở nhà ăn của VNTTX, số 18 Trần Hưng Đạo. Cả cơ quan chung tay lo cho hạnh phúc của đôi trẻ. Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng là chủ hôn. Nhà báo Chu Chí Thành là phù rể. Các nhà báo Lê Châu, Châu Quỳ, Việt Thảo… là cán bộ phụ trách Ban và Tiểu ban tham dự. Đặc biệt nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, phóng viên ảnh từng được phục vụ Bác Hồ, là người chụp ảnh đám cưới của họ. Chị Xiêm mặc áo dài trắng, anh Xuân Lâm mặc áo vét đi mượn. Anh chị cũng đón dâu bằng xe đạp đến đám cưới trong tiếng vỗ tay vui mừng các gia đình, bạn bè đồng nghiệp. Rất may, hôm ấy Hà Nội không có máy bay Mỹ ném bom. Một khoảng khắc bình yên đáng nhớ trong cuộc đời họ.
3- Sau khi hiệp định Paris về Việt Nam được ký, nhà báo Chu Chí Thành và tôi lên đường vào Quảng Trị. Việc triển khai hiệp định đặt ra nhiều vấn đề ở địa bàn chiến lược này, trong đó có việc trao trả tù binh hai bên, hình thành vùng mỗi bên kiểm soát, và những vấn đề khác. Điều đáng nói là khi ấy, anh Chu Chí Thành mới cưới vợ được hai mươi ngày. Và đám cưới của anh với chị Nguyễn Tuyết Lựu cũng diễn ra đúng hai mươi ngày sau khi Mỹ ngừng ném bom B52 Hà Nội.

Vợ chồng nhà báo Chu Chí Thành trong ngày cưới.
Đám cưới của họ diễn ra giữa bộn bề công việc thời chiến nên rất đơn giản. Đại diện cơ quan VNTTX cũng đến gặp gia đình để đặt vấn đề. Lãnh đạo các đơn vị nơi hai anh chị công tác cùng giúp việc tổ chức. Tiệc cưới diễn ra tại nhà chị Lựu ở phố Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng). Từ đấy đến những địa điểm ít ngày trước bị đánh phá ác liệt như Khâm Thiên, ga Hà Nội… không xa. Một ngày vui khi hy vọng về hòa bình đang đến gần. Mọi người mừng cho anh chị trong một lễ cưới trong một căn phòng nhỏ. Ngoài nước chè, bánh kẹo mậu dịch, còn có những lọ hoa đồng tiền nhỏ. Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng, Trưởng Ban tin ảnh miền Bắc Trần Hữu Năng , Phó Trưởng ban Lê Châu, giáo sư Nguyễn Mạnh Hào, người thầy của nhiều lớp đào tạo phóng viên thông tấn… đến dự. Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng thay lãnh đạo cơ quan phát biểu, chúc phúc cô dâu chú rể. Nhưng câu “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” được ông thực hiện ngay bằng việc điều nhà báo Chu Chí Thành vào Quảng Trị sau đó vài tuần.

Phó Tổng Biên tập VNTTX Đỗ Phượng và các cán bộ VNTTX chúc mừng chú rể Chu Chí Thành và cô dâu Nguyễn Tuyết Lựu.
Tôi đã đến thăm căn phòng nhỏ cơ quan dành cho anh chị ở khu tập thể trước ngày anh Thành và tôi lên đường. Không hiểu chị Lựu nghĩ gì sau lễ cưới chưa đầy ba tuần đã tiễn chồng vào mặt trận. Chắc hẳn rất nhiều ưu tư lo lắng chị không thể nói ra. Gương mặt chị hôm tiễn chúng tôi lên đường đã cho thấy điều ấy. Nhưng với những phóng biên thông tấn trong chiến tranh và người thân của họ, điều ấy đã trở thành bình thường… Sau này, chị Nguyễn Tuyết Lựu được an ủi và động viên nhiều; bởi vì chuyến đi năm ấy, với những tác phẩm của mình, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã giành được giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Mình nhờ những bức ảnh mang dấu ấn lịch sử của thời kỳ này.
4- Cuối năm 1974, trong chuyến đi tăng cường vào Vĩnh Linh, tôi sang Đông Hà thăm nhà báo Thanh Phong và anh chị em phân xã TTXGP Quảng Trị. Năm 1972-73, tôi đã ở địa bàn này, tình đồng nghiệp nhiều gắn bó. Tôi có tình cảm đặc biệt với anh Thanh Phong, một người Quảng Trị rất chân thành, giàu tình cảm và giản dị.
Anh ra Bắc tập kết năm 1954, theo học đại học, rồi trở thành phóng viên thông tấn. Năm 1965, anh trở lại quê hương chiến đấu, là phóng viên TTXGP mặt trận Trị Thuên từ ngày ấy đến những năm sau này. Tôi đã đi cùng anh Thanh Phong trong chiến dịch tổng tiến công năm 1972 cũng như những ngày thi hành Hiệp định Paris nửa đầu năm 73. Không đâu con người dễ hiểu nhau hơn ở chiến trường. Năm ấy anh xấp xỉ tuổi 40 mà vẫn cô đơn. Trong điều kiện chiến trường, cuộc sống gia đình chỉ là niềm mơ ước. Khi ấy, tôi biết anh có tình cảm với chị Nguyễn Thị Nguyệt, chính trị viên huyện đội Gio Linh, người cùng quê. Chị Nguyệt đẹp người, đẹp nết, một “nữ tướng” trên vành đai điện tử ở nam vĩ tuyến 17.

Đám cưới Phân xã trưởng TTXGP Thanh Phong và Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Giải phóng Quảng Trị Nguyễn Thị Nguyệt tại Đông Hà, Quảng Trị (1974).
Rất mừng là sau khi ngừng tiếng súng, anh chị có thời gian tìm hiểu, gặp gỡ, được bạn bè đồng chí vun vào nên đã thành đôi. Đám cưới của họ tổ chức ở Đông Hà đầu năm 1974. Khi ấy, chị Nguyệt là Phó chủ tịch Hội phụ nữ giải phóng tỉnh Quảng Trị. Nhà báo Trần Thị Kim Quy, phóng viên phân xã Quảng Trị nhớ lại: Đám cưới anh Phong, chị Nguyệt rất vui. Đồng nghiệp của anh chị ở hội phụ nữ, ở phân xã TTXGP Quảng Trị cùng đứng ra lo việc tổ chức. Lễ cưới có đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, các đồng nghiệp ở tuyên giáo, báo Quảng Trị, hội phụ nữ tỉnh, các bạn chiến đấu ở huyện đội Gio Linh, bà con quê hương Gio Mỹ… Ai cũng vui vì anh chị đến được với nhau sau những năm tháng chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng quê hương, mãi mới có điều kiện lo cho hạnh phúc riêng của mình.
Đầu năm 1975 khi tôi đến thăm, anh Phong, chị Nguyệt vừa đón con gái đầu lòng là cháu Hà được ít ngày. Tôi nhớ mãi hình ảnh anh chị bên cháu. Một căn nhà nhỏ bên bờ sông Hiếu tràn đầy niềm vui, tiếng cười. Niềm hạnh phúc giản dị mà sau bao năm, qua nhiều thử thách gian nan anh chị mới có được.
5- Mùa Xuân năm 1975. Tôi may mắn là thành viên trong tổ phóng viên xung kích từ Huế giải phóng, đi dọc miền Trung rồi vào đến Sài Gòn. Tổ trưởng tổ phóng viên của chúng tôi là nhà báo Vũ Tạo, phóng viên thông tấn quân sự . Các thành viên khác là các nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, cùng lái xe Ngô Bình và điện báo viên Lê Thái.
Khi đi chiến dịch, lần đầu tiên tôi được gặp nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo, dù dã biết tiếng ông từ trước.

Bạn bè dự, chúc mừng đám cưới nhà báo - chú rể Chu Chí Thành và cô dâu Nguyễn Tuyết Lựu.
Với tác phẩm “Hiên ngang”, nhà báo Vũ Tạo, đã để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử nhiếp ảnh chiến tranh Việt Nam. Hình tượng người chiến sĩ trong cuộc đối đầu với không lực Mỹ trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc được khắc họa thật đẹp: Nòng pháo vươn thẳng lên trời cao; những người lính với mũ sắt, nùn rơm hiên ngang trên mâm pháo; quả bom từ máy bay ném xuống vừa chạm nổ sát trận địa, dựng cột khói cao, tạo ấn tượng mạnh, sống động. Chỉ có thể ghi lại hình ảnh tuyệt vời ấy khi người cầm máy đồng hành cùng người chiến sĩ trong khoảnh khắc cái chết cận kề gang tấc.
Tác phẩm “Hiên ngang” được Vũ Tạo chụp tại Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) năm 1967 - giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất - đã được sử dụng rộng rãi ở trong và ngoài nước như một biểu tượng của tinh thần dũng cảm, khí phách Việt Nam. Bức ảnh đã đem lại các giải thưởng lớn của nhiếp ảnh báo chí trong nước và quốc tế, đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về nhiếp ảnh vào năm 2007 cho nhà báo Vũ Tạo.
6- Đầu năm 1976, tôi từ Sài Gòn ra nhận công tác tại phân xã VNTTX tại Hà Nội. Đất nước hòa bình, tôi nghĩ đến việc xây dựng gia đình riêng. Tôi và nhà tôi - cô giáo Bùi Thị Kim Vân - khi ấy quen nhau đã được 5 năm, đủ sự cảm thông và chia sẻ. Những năm trước, tôi liên tục đi công tác chiến trường, hoặc đến những địa bàn khó khăn. Điều ấy giúp chúng tôi hiểu nhau hơn. Đầu 1972, khi tôi về Hải Dương thăm gia đình trước khi vào chiến trường, Kim Vân, cô học sinh Hà Nội về Hải Dương sơ tán, là người duy nhất đưa tôi ra bến xe để về cơ quan.

Chú rể, nhà báo Trần Mai Hưởng đón cô dâu Bùi Thị Kim Vân bằng xe đạp trên đường phố Hà Nội còn ngổn ngang dấu tích cuộc chiến.
Chúng tôi có nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Tháng 12/72, tôi từ Quảng Trị về , tìm nhà cô ấy để thăm đúng đêm B52 đánh rung chuyển cả Hà Nội; hay lần tôi về Hải Dương những ngày bị lụt, cô ấy là người chèo thuyền đưa tôi đi các nơi trong thị xã. Trong những năm gian khó ấy, chính tình yêu của Kim Vân đã đem lại động lực tinh thần giúp tôi vượt lên tất cả.
Đám cưới của chúng tôi rất giản dị trong không khí của những ngày đầu hòa bình. Phân xã VNTTX lúc ấy ở số 44 Nguyễn Du. Nhà Kim Vân ở ngay đầu phố Triệu Việt Vương. Hai con phố liền nhau, rất gần gũi và thuận tiện. Anh em phân xã lo giúp mọi việc tổ chức. Chi đoàn Ban Tin ảnh Miền Bắc giúp kê dọn bàn ghế. Bánh kẹo được mua theo tiêu chuẩn. Nhà báo Bùi Ngọc Hải từ Cu Ba gửi tặng tút thuốc lá. Gia đình bên ngoại và các bạn của Kim Vân giúp lo liệu mọi thứ Bí thư đoàn VNTTX Trương Việt Cường đem quà mừng của thanh niên cơ quan. Nhà báo Vũ Tâm là người dẫn chương trình. Tổng Biên tập VNTTX Đào Tùng, Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng đến chúc mừng. Các nhà báo Trần Hữu Năng, trưởng Ban Tin Ảnh Miền Bắc; Hoàng Dương, phân xã trưởng phân xã Hà Nội, các cán bộ, phóng viên của tổng xã đến dự rất đông. Nhà báo Đoàn Dũng phải đem cả bánh kẹo ra mời mọi người đứng trên hè phố vì trụ sở của phân xã không đủ chỗ ngồi.

Tổng Biên tập VNTTX Đào Tùng chúc mừng chú rể - nhà báo Trần Mai Hưởng và cô dâu - cô giáo Bùi Thị Kim Vân trong lễ cưới (6/3/1976).
Chuyện đón dâu bằng xe đạp là đáng nhớ nhất. Vì nhà gần bên chúng tôi không xin xe ô tô cơ quan. Các cụ bên nhà ngoại cũng rất thoải mái trong việc này. Tôi cùng hai người bạn đi xe đạp đến đón Kim Vân và các cô phù dâu. Cảnh đón dâu đặc biệt ấy đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, một thành viên trong tổ mũi nhọn đi chiến dịch Hồ Chí Minh, ghi lại rất sinh động. Thời kỳ ấy, đón dâu bằng xe đạp lưu lại được hình ảnh như của chúng tôi rất ít. Vì thế, những bức ảnh ấy trở thành kỷ niệm không quên của một thời.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/nhung-dam-cuoi-phong-vien-chien-truong-i766447/