Những dấu ấn của danh họa Trần Văn Cẩn qua sách và tác phẩm âm nhạc về 'Em Thúy'

Công chúng sẽ được tiếp cận nhiều hơn với các tác phẩm của danh họa Trần Văn Cẩn thông qua cuốn sách 'Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam' do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu, và bản nhạc về 'Em Thúy' do tác giả Paul Zetter tặng lại Bảo tàng.

Tác phẩm "Ở hang" của họa sĩ Trần Văn Cẩn.

Tác phẩm "Ở hang" của họa sĩ Trần Văn Cẩn.

Cuốn sách được thực hiện nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của Họa sĩ Trần Văn Cẩn (1994-2024), giới thiệu các tác phẩm chọn lọc của danh họa Trần Văn Cẩn hiện đang được lưu giữ trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn là một một trong bộ tứ danh họa hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam: Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn. Danh họa Trần Văn Cẩn (1910-1994) có khả vẽ trên nhiều chất liệu: từ lụa, sơn mài, sơn dầu đến khắc gỗ với nhiều chủ đề khác nhau. Những tác phẩm của ông góp phần đưa nền mỹ thuật Việt Nam vươn tầm quốc tế, đồng thời cũng là những tác phẩm vô cùng đắt giá, được các nhà sưu tầm trong nước và quốc tế ưa chuộng.

Bảo vật quốc gia "Em Thúy" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bảo vật quốc gia "Em Thúy" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam may mắn lưu giữ một bộ sưu tập quý giá những tác phẩm của danh họa Trần Văn Cẩn, trong đó có bức “Em Thúy”, hiện là bảo vật quốc gia. Những tác phẩm của danh họa lưu giữ tại Bảo tàng được chọn lọc đưa vào cuốn sách với những bài viết, hình ảnh và thông tin về các tác phẩm, phần nào giúp bạn đọc có được những hình dung đầy đủ hơn về chân dung và nhân cách của ông - một trong những cây đại thụ của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn đem đến cho độc giả những bức tranh ít được biết đến của danh họa Trần Văn Cẩn, trong đó có tác phẩm “Ở hang”, mới được giới thiệu tại triển lãm “Đường lên Điện Biên” của Bảo tàng hồi cuối tháng 4.

Các bức "Gội đầu" và "Hai thiếu nữ trước bình phong" trong sách. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Các bức "Gội đầu" và "Hai thiếu nữ trước bình phong" trong sách. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Cuốn sách không chỉ là một tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu, sinh viên mỹ thuật mà còn là món quà tinh thần ý nghĩa dành tặng những người yêu thích hội họa Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, cố vấn nội dung cuốn sách cho rằng, nằm trong "Tứ trụ" thứ nhất của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại: Trí-Lân-Vân-Cẩn, danh họa Trần Văn Cẩn thể hiện tài năng ở nhiều mặt, từ tranh lụa, tranh sơn mài, tranh sơn dầu đến tranh khắc gỗ. Những tác phẩm của ông góp phần hình thành nên diện mạo của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, đưa hương sắc mỹ thuật Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Tác phẩm "Vẽ một góc sân", danh họa vẽ năm 1957, được giới thiệu trong sách.

Tác phẩm "Vẽ một góc sân", danh họa vẽ năm 1957, được giới thiệu trong sách.

"Cả cuộc đời ông dành cho nghệ thuật, ông chấp nhận hy sinh cái tôi cá nhân, ý thích cá nhân để phụng sự con người, phụng sự nền mỹ thuật của dân tộc. Đặc biệt, Trần Văn Cẩn là người có những đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện kỹ thuật sơn mài cũng như những tác phẩm của ông góp phần hình thành nên diện mạo của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, đưa mỹ thuật Việt Nam vươn tầm quốc tế", nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến nói.

Tại buổi giới thiệu sách, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn tiếp nhận một món quà hết sức đặc biệt, đó là tác phẩm âm nhạc “Little Thuy’s Minuet” do nhạc sĩ Paul Zetter dành tặng Bảo tàng.

 TS Nguyễn Anh Minh trao thư cảm ơn và tặng hoa tác giả Paul Zetter. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

TS Nguyễn Anh Minh trao thư cảm ơn và tặng hoa tác giả Paul Zetter. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Năm 1998, nhạc sĩ Paul Zetter đến Việt Nam với tư cách là Trợ lý Giám đốc Hội đồng Anh. Ông đã phát động chiến dịch khôi phục tranh “Em Thúy” của danh họa Trần Văn Cẩn năm 2000. Tác phẩm “Em Thúy” đã tạo cho ông những cảm xúc đặc biệt và ông đã viết bản nhạc dành riêng cho tác phẩm này. Với sự đồng hành của NSND Ngô Hoàng Quân, bản nhạc đã được chuyển soạn cho nhóm nhạc thính phòng và lần đầu được công diễn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong sự kiện này.

TS Nguyễn Anh Minh cho biết, dù đã nhiều lần tiếp nhận những tác phẩm mỹ thuật từ các tổ chức, cá nhân hiến tặng, song đây là lần đầu tiên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tiếp nhận một tác phẩm âm nhạc – một bản nhạc đặc biệt do nhạc sĩ Paul Zetter sáng tác, lấy cảm hứng từ một trong những Bảo vật quốc gia của Bảo tàng – bức tranh sơn dầu “Em Thúy” của tác giả Trần Văn Cẩn.

Dàn nhạc biểu diễn tác phẩm“Little Thuy’s Minuet”. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Dàn nhạc biểu diễn tác phẩm“Little Thuy’s Minuet”. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

TS Nguyễn Anh Minh cũng cho biết, với “Little Thuy’s Minuet”, Bảo tàng sẽ sử dụng trong các nền tảng số của Bảo tàng như một sự nhận diện thương hiệu và trong các chương trình hòa nhạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam".

Cuốn sách và bản nhạc không chỉ góp phần lưu giữ, lan tỏa những giá trị, ý nghĩa của các tác phẩm của danh họa Trần Văn Cẩn, mà còn là cách để những di sản hội họa quý giá của nước nhà đến được với đông đảo công chúng hơn, đặc biệt là đến được với giới trẻ trong những cách tiếp cận mới.

LINH KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-dau-an-cua-danh-hoa-tran-van-can-qua-sach-va-tac-pham-am-nhac-ve-em-thuy-post823423.html