Những dấu ấn đặc biệt trong chuyến công du 5 ngày của Thủ tướng ở Dubai và Ankara
Với khoảng 60 hoạt động trong 5 ngày, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại UAE, dự Hội nghị COP28 và Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định quan điểm 'nói là làm, đã cam kết phải thực hiện' của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, chuyến công tác cũng đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới với UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và các tập đoàn lớn trên thế giới.
Củng cố lòng tin, khai thông bế tắc
Trong gần 3 ngày tại Dubai (UAE), Thủ tướng đã tham dự nhiều phiên họp quan trọng trong khuôn khổ COP28. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới, với sự tham gia của hơn 140 Nguyên thủ và Thủ tướng Chính phủ các nước, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, cùng lãnh đạo hàng chục tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế lớn, nhiều tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao.
Khi mà khoảng cách giữa cam kết và hành động khí hậu còn xa, nguồn lực cho biến đổi khí hậu bị phân tán do sự cạnh tranh, phân tách, chiến tranh, xung đột, Thủ tướng đã đưa ra cảnh báo “hệ thống khí hậu toàn cầu gần đến giới hạn đỏ”. Từ đó, Thủ tướng nêu “chìa khóa” để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu bằng cách "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”, vì sự phát triển thịnh vượng của cả nhân loại, vì sự mát lành của trái đất và vì sự ấm no, hạnh phúc của mọi người dân trên thế giới.
Trên thực tế, kể từ sau Hội nghị COP26 ở Glasgow, dù tình hình thế giới có nhiều biến động, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nhưng với trách nhiệm với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã thực hiện toàn diện nhiều nội dung quan trọng trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Cụ thể, Việt Nam ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp (nhất là khí mê-tan); cùng với đó xây dựng Luật Dầu khí, hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo...
Vậy nên, khi Thủ tướng công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), đồng thời đề nghị các bên liên quan nhanh chóng đạt được thỏa thuận để chuyển số tiền cam kết hỗ trợ Việt Nam trị giá 15,5 tỷ USD thành những dự án mang tính đột phá, đã nhận được sự đón nhận từ lãnh đạo các nước, các tổ chức và tập đoàn lớn.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng kế hoạch huy động nguồn lực thể hiện cam kết và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng. Bà khẳng định EU tự hào trở thành đối tác của Việt Nam trong quá trình này. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cũng nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng cần bền vững, bảo đảm giá cả phải chăng, góp phần nâng cao đời sống và tạo cơ hội cho mọi người dân.
Còn trong tọa đàm về “Đẩy nhanh chuyển đổi điện than” do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, các nhà lãnh đạo Pháp, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Mỹ và lãnh đạo các tổ chức và thể chế tài chính quốc tế hoan nghênh cam kết và nỗ lực của Việt Nam; khẳng định sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, vì lợi ích của Việt Nam và lợi ích chung của thế giới.
Tổng Giám đốc HSBC Noel Paul Quinn đánh giá Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị về Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mà Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố tại COP28 cho thấy tầm nhìn dài hạn và rất phù hợp với định hướng chiến lược của HSBC.
HSBC khẳng định sẽ hỗ trợ tích cực kế hoạch này, thông qua việc cho vay vốn với các dự án năng lượng tái tạo, cũng như thông qua dòng vốn FDI mà các nhà đầu tư hiện đang rất quan tâm tới Việt Nam.
Các tập đoàn lớn gửi niềm tin vào Việt Nam
Ấn tượng trước những cam kết và hành động cụ thể của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, trong khuôn khổ COP28, các tập đoàn lớn trên thế giới khi gặp Thủ tướng đều bày tỏ mong muốn được đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
Lãnh đạo Equinor - tập đoàn năng lượng lớn nhất của Na Uy, với lợi nhuận năm 2022 đạt 75 tỷ USD cho biết, đã mở văn phòng tại Hà Nội và bày tỏ mong muốn với Thủ tướng về đẩy mạnh hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Tập đoàn Enterprize Energy (EE) - một tập đoàn đa ngành của Anh hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên biển và phát triển năng lượng cho biết đã phối hợp với các đối tác của Pháp, Đan Mạch, Anh, để phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận với 2 dự án cấu phần: Thăng Long Wind (TLW) để kết nối lưới điện quốc gia, công suất 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD; Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.
Ông Ian Hatton, Chủ tịch tập đoàn cho biết việc đưa vào khai thác thương mại cho dự án Thăng Long Win và Thăng Long Win 2 vào năm 2029 là trọng tâm hoạt động của tập đoàn. Đơn vị này cũng sẽ trao đổi với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về cơ chế giá điện.
Trong khi đó, lãnh đạo Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi và quản lý quỹ toàn cầu hàng đầu thế giới cho biết, có kế hoạch đầu tư hơn 110 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến năm 2030. CIP cũng bày tỏ mong muốn đóng góp vào mục tiêu rất tham vọng của Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tại Việt Nam, CIP đã thành lập công ty liên doanh và 2 văn phòng đại diện để nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW tại tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu dự kiến là 10,5 tỷ USD.
Hoan nghênh các tập đoàn tiếp tục đồng hành, hợp tác với Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, tuy nhiên, Thủ tướng cần phát triển đồng bộ cả về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện hiệu quả và bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp, hài hòa với các ngành khác. Nếu chỉ một bên có lợi còn bên kia thiệt hại thì cấu trúc hợp tác không tồn tại được, việc hợp tác không bao giờ bền vững.
Xung lực mới trong quan hệ hợp tác với UAE và Thổ Nhĩ Kỳ
Trong gần 3 ngày ở Dubai (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hàng loạt các cuộc gặp quan trọng với lãnh đạo UAE như: Thủ tướng, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Nguồn nhân lực, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Thái tử Tiểu vương Dubai...
Qua các cuộc tiếp xúc, phía UAE khẳng định quan điểm không hạn chế hàng hóa Việt Nam vào UAE và khuyến khích tối đa đầu tư của UAE vào Việt Nam; mong muốn hợp tác với phía Việt Nam để triển khai thành lập Trung tâm nghiên cứu của Microsoft tại Việt Nam.
Phó Tổng thống UAE khẳng định, Việt Nam là thị trường đầu tư rất tiềm năng, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng, logistics, cảng biển, trung tâm dữ liệu…
Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác hàng không, xem xét tăng tần suất các chuyến bay giữa hai nước để thúc đẩy thu hút khách du lịch; tăng cường hợp tác, giao lưu thể thao, trong đó UAE hỗ trợ Việt Nam thành lập Học viện đào tạo bóng đá trẻ trong thời gian tới; tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, trong đó có lĩnh vực huấn luyện và đào tạo sỹ quan.
Trong khi đó, Thái tử Tiểu vương Dubai Hamdan bin Mohammed Al Maktoum chia sẻ ấn tượng về chất lượng nổi tiếng của sản phẩm cà phê Việt Nam, đồng thời bày tỏ sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Trung tâm Tài chính Dubai.
Trước đó, Thủ tướng cũng đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1978.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã được đón tiếp bởi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, hội đàm với Phó Tổng thống Cevdet Yılmaz, hội kiến Chủ tịch Quốc hội, tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại Omer Bolat và tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ…
Hai nước cũng ra tuyên bố chung, trong đó hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì xu hướng hợp tác thương mại cân bằng hơn. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ để đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 4 tỷ USD thông qua tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp và giải quyết các vướng mắc hiện nay trong thương mại.
Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của hợp tác trên các lĩnh vực khác như thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, thể thao, khoa học-công nghệ, giáo dục, hàng không dân dụng, nông nghiệp, quốc phòng, an ninh cũng như lãnh sự.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký một số thỏa thuận song phương gồm Biên bản ghi nhớ về hợp tác nông lâm nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và Học viện Ngoại giao Việt Nam; Ý định thư hợp tác giữa Vietnam Airlines và Turkish Airlines...