Những dấu chân về miền cát trắng

Chuyến đi về miền Trung, nơi có 'cát trắng với rừng, vách núi với biển biếc liền nhau' của các công đoàn viên Bộ Ngoại giao tuy không dài ngày, nhưng đủ để cảm nhận rõ ràng trách nhiệm của bản thân với cộng đồng.

Đại diện Ban Nữ công các đơn vị trong Bộ Ngoại giao tham dự Hội nghị tập huấn công tác công đoàn. (Ảnh: MH)

Đại diện Ban Nữ công các đơn vị trong Bộ Ngoại giao tham dự Hội nghị tập huấn công tác công đoàn. (Ảnh: MH)

Khi được thông báo tham dự chuyến tập huấn bốn ngày của Công đoàn Bộ, tôi khá bất ngờ vì được tham dự một hoạt động quy mô, triển khai ngay sau thành công của Đại hội Công đoàn viên chức Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028.

Chuyến đi vất vả, nhưng…

Đây không phải là lần đầu tôi tham gia chuyến công tác của Công đoàn Bộ Ngoại giao. Những lần trước tôi đi Tam Đảo, Quảng Ninh rồi lần khác lại ngược lên Sa Pa hay Cao Bằng. Nhưng lần này thì khác, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội và đi dọc khúc ruột miền Trung để tới đích đến của chuyến đi – Ninh Thuận.

Năm rưỡi sáng, chiếc xe Universe 45 chỗ chuyển bánh, đưa đoàn chúng tôi rời Hà Nội.

Nhìn lịch trình dày đặc trong chuyến đi: Hà Nội - Hà Tĩnh - Đà Nẵng - Bình Định – Ninh Thuận và sau đó là quãng đường 1.338km khứ hồi, tôi tự nhủ: Đây sẽ là chuyến đi dài và chắc chắn chứa đựng nhiều điều thú vị.

Dẫn đầu đoàn công tác, đồng chí Đỗ Ngọc Thủy - Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bộ thông báo về chuyến công tác. Bằng chất giọng vừa nghiêm túc, vừa pha chút hài hước, chị nhấn mạnh: “Chuyến đi dài và giao thông không phải lúc nào cũng thuận lợi nên chúng ta phải ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, tập trung vào các sự kiện, hoạt động và nhất định không được để trễ giờ. Mỗi điểm đến của chúng ta, mọi người tại địa phương đã chuẩn bị công tác đón tiếp và tổ chức hoạt động xong xuôi cả. Nên chúng ta nhất định chỉ đến sớm và đúng giờ chứ không đến muộn...”.

Lần nào cũng vậy, chuyến đi nào cũng vậy, dù đi gần hay đi xa, dù trên xe toàn những người đã trưởng thành và dày dạn kinh nghiệm, nhưng những lời dặn dò của trưởng đoàn chẳng bao giờ thừa. Anh chị em trên xe đáp lại lời trưởng đoàn bằng một tràng pháo tay. Sau đó, tiếng guitar đưa mọi người lên chuyến tàu trở về thanh xuân: “Đời sinh viên có cây đàn guitar/ Đàn ngân lên chúng ta cùng hòa ca…”.

Cùng thắp lên niềm tin

Chúng tôi dừng chân tại đất học Hà Tĩnh để triển khai hoạt động đầu tiên trong chuyến đi, đó là thăm và tặng quà cho Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh.

Anh Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc của Làng cho chúng tôi biết, trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, Làng đã cưu mang hơn 600 trẻ em có hoàn cảnh éo le, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em chịu di chứng bởi chất độc da cam/dioxin, trẻ em tật nguyền, bại não… Nhiều cháu đã khôn lớn, trưởng thành và đảm nhận nhiều trọng trách trong xã hội. Hiện Làng đang chăm sóc, nuôi dưỡng 110 cháu, trong đó có 25 cháu học tại các trường phổ thông và 20 cháu đang học đại học.

Cô giáo Trần Thị Thanh Toàn chia sẻ: “Tôi từng là trẻ mồ côi và được các thầy cô nhận vào chỉ hai năm sau khi làng được thành lập. Tôi đã được các thầy cô chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ và thi đỗ Trường Đại học Vinh. Tôi chọn ngành Công tác xã hội với mong muốn khi ra trường sẽ trở về với gia đình lớn của mình để hỗ trợ những em nhỏ có hoàn cảnh tương tự bản thân khi xưa. Năm 2007, tôi tốt nghiệp Đại học và đã trở về để cùng chắp cánh ước mơ cho các em”.

Thay mặt Công đoàn Bộ Ngoại giao, đồng chí Đỗ Ngọc Thủy trao cho Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh phần quà là 10 triệu đồng tiền mặt, cùng một số chăn ấm và bánh kẹo.

Vì quỹ thời gian có hạn, chúng tôi lại phải gấp rút lên đường sau một đêm ngắn nghỉ lại Đà Nẵng.

Điểm đến tiếp theo là Trường chuyên biệt Hy vọng (Bình Định), nơi chăm sóc và giảng dạy trẻ khuyết tật thiểu năng trí tuệ, khiếm thính và khiếm thị từ lớp 1 đến lớp 5.

Giới thiệu về trường, cô Hiệu trưởng Trần Thị Thúy Nga cho biết: “Với tấm lòng thương yêu và sự động viên của các thầy cô, các em học sinh thiệt thòi trong trường đã vượt qua mặc cảm, nỗ lực học tập, lao động và tự tin trong cuộc sống. Đây được coi như là ngôi nhà thứ hai của cả thầy cô và các trò”.

Sau đó, chúng tôi tham dự một lớp học của trẻ khiếm thính. Các em rất vui khi thấy có đoàn về chơi, chia sẻ những vần thơ, câu hát từ trái tim chân thành của mình với các cô các chú.

Chuông báo vang lên, từng toán học sinh, bao gồm cả các em khiếm thính, khiếm thị, bại não ùa ra sân cùng chung vui với nhau. Có trực tiếp đến đây mới thấy, để các em khuyết tật nhận thức được và có thể hòa nhập với cộng đồng cũng là nhờ sự nỗ lực vô cùng lớn của các thầy cô giáo và chính bản thân các em.

Đoàn đến thăm phòng học của trẻ khiếm thính tại Trường chuyên biệt Hy vọng ở Bình Định. (Ảnh: MH)

Đoàn đến thăm phòng học của trẻ khiếm thính tại Trường chuyên biệt Hy vọng ở Bình Định. (Ảnh: MH)

“Ôn bài” ngoại giao văn hóa

Với các cán bộ ngoại giao thì dù công tác ở cương vị nào, thuộc lĩnh vực nào thì khi đi ra nước ngoài cũng đều trở thành những đại sứ văn hóa của đất nước. Chính vì vậy, suốt hành trình của chúng tôi, mỗi danh lam thắng cảnh lướt qua cửa sổ xe đều trở thành đề tài cho các cán bộ của Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO cập nhật kiến thức cho cả đoàn.

Những Tháp Nghinh Phong hay Ghềnh Đá Đĩa, rồi hai cụm tháp Chăm gồm Hòa Lai và Pô Klong Garai… kéo chúng tôi đi qua những câu chuyện thú vị liên quan đến công tác bảo tồn và quảng bá di sản.

Ninh Thuận - nơi diễn ra Hội nghị tập huấn công tác công đoàn năm 2023 của Công đoàn Bộ Ngoại giao cũng là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa của các dân tộc. Trung tuần tháng Sáu vừa qua, tỉnh Nam Trung Bộ này đã tổ chức Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp tại Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Hiện Ninh Thuận đang kết hợp với các bộ, ngành - đặc biệt là Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan để làm công tác di sản. Tỉnh đã gửi hồ sơ và tờ trình tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban UNESCO Việt Nam đề nghị UNESCO xét, công nhận quần thể tháp Chăm tại Ninh Thuận là Di sản thế giới và lễ hội Katê của người Chăm tại Ninh Thuận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đối với những công đoàn viên chúng tôi, việc được “tắm” những kỹ năng, phương pháp vận động trong công tác Công đoàn ở vùng đất giàu di sản này là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ. Thú vị hơn, những tham luận về vai trò và vị trí của Công đoàn trong tình hình mới hay kiến thức và kỹ năng tổ chức hoạt động công đoàn ở cơ sở, cũng như vai trò Công đoàn trong việc thực hiện các nhiệm vụ nói trên… đều được các đại biểu thảo luận chi tiết và sôi nổi với các ví dụ thực tiễn.

Khi nội dung tập huấn quan trọng nhất đã hoàn thành, chẳng có lý do gì để các công đoàn viên lại không cùng so vợt trong buổi giao lưu bóng bàn đầy kịch tính. Các cặp thi đấu đã cống hiến cho người xem những đường bóng mãn nhãn.

Trong hành trình khứ hồi, chúng tôi đã tới Trung tâm công tác xã hội Quảng Bình theo đúng kế hoạch. Hiện Trung tâm đang chăm sóc hơn 80 cụ già không nơi nương tựa và 44 cháu trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người khuyết tật đặc biệt nặng.

Về tới Thủ đô, trong lòng tôi và các thành viên tham gia chuyến đi vô cùng đáng nhớ vẫn nghe đâu đó văng vẳng câu hát của bài Về miền Trung (nhạc sĩ An Thuyên): “Đêm về trăng sáng chân chim khuôn mặt vầng trăng mẹ thương…”.

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-dau-chan-ve-mien-cat-trang-245923.html