Những dấu hiệu cảnh báo thiếu máu não nên biết

Thiếu máu não nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy thiếu máu não có những biểu hiện gì?

Dấu hiệu thiếu máu não

Thiếu máu não có triệu chứng gì? Nếu cơ thể bạn không thể tự điều tiết được sẽ gây ra tình trạng thiếu máu não với những biểu hiện khá rõ ràng. Thiếu máu não được chia làm 2 nhóm:

Thiếu máu não cấp tính gây ra các biểu hiện:

Thiếu máu não thoáng qua do cục máu đông nhỏ dẫn đến tình trạng tắc một nhánh động mạch trong não. Tuy nhiên tình trạng này hết rất nhanh.
Rối loạn tiền đình do máu đưa đến tiền đình bị giảm đột ngột.
Có thắt, tắc động mạch nuôi ốc tai, nuôi trung tâm võng mạc có thể gây điếc đột ngột hoặc thị lực giảm đột ngột.
Đột quỵ não do nhồi máu não. Khi cục máu đông làm tắc mạch sẽ khiến thiếu máu tại một vùng tổ chức não và không thể tái thông. Hậu quả của tình trạng này rất nghiêm trọng và có thể để lại nhiều di chứng.
Những trường hợp thiếu máu não cấp tính thường hay gặp ở người bệnh đái tháo đường, mỡ máu, người mắc các bệnh lý mạn tính, người thừa cân, béo phì, lười vận động…

Ù tai, nặng đầu, nhanh mỏi mắt, chân tay lạnh... có thể là những dấu hiệu cảnh báo thiếu máu não mạn tính.

Ù tai, nặng đầu, nhanh mỏi mắt, chân tay lạnh... có thể là những dấu hiệu cảnh báo thiếu máu não mạn tính.

Thiếu máu não mạn tính có các biểu hiện:

Luôn cảm giác đầu không thông thoáng, nặng đầu.
Nhanh mỏi mắt, mờ mắt hoặc nhức hai hốc mắt.
Bị ong đầu hoặc đau cả đầu/đau nửa đầu, cơn đau có thể từ mức độ nhẹ cho đến đau dữ dội. Khi sử dụng thuốc giảm đau có thể hết nhưng dễ gặp tình trạng nhờn thuốc trong thời gian ngắn.
Chân tay lạnh. Khi thay đổi thời tiết có thể gặp các tình trạng đau cổ, lưng và đau nhức xương khớp.
Ù hai tai, có thể tình trạng ù từ nhẹ đến nặng nhưng sẽ hết khi nghỉ ngơi.
Khi làm việc trí óc hiệu suất giảm nghiêm trọng, khó tập trung, trí nhớ giảm sút.
Thể trạng suy giảm rõ rệt, thường xuyên thấy mệt mỏi hoặc mất sức lực, chân tay cảm giác yếu ớt và không muốn hoạt động thể chất.
Không còn hứng thú với những thú vui hàng ngày, mất hứng thú trong công việc.
Tâm trạng dễ cáu gắt vô cớ, dễ xúc động.
Dễ gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa, chán ăn hoặc ăn không ngon miệng. Giấc ngủ kém hoặc khó vào giấc, khi tỉnh rất khó ngủ lại, ngủ chập chờn và hay mơ. Buổi sáng thức giấc thường trong tình trạng uể oải và thiếu tỉnh táo vào ban ngày.

Ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục và có chế độ ăn lành mạnh là cách để phòng ngừa thiếu máu não.

Ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục và có chế độ ăn lành mạnh là cách để phòng ngừa thiếu máu não.

Thiếu máu não nên ăn gì, uống gì?

Trước hết, để điều trị tình trạng thiếu máu não, người bệnh cần tìm nguyên nhân và tập trung giảm các triệu chứng do thiếu máu não gây ra. Bên cạnh đó nên hạn chế những yếu tố ảnh hưởng không tốt đến tình trạng thiếu máu não. Để phòng ngừa và giảm bớt các triệu chứng của thiếu máu não, người bệnh nên thực hiện các biện pháp như:

Thiếu máu não nên ăn gì? Người bệnh thiếu máu não nên duy trì chế độ ăn uống hợp lý bằng cách bổ sung nhiều rau xanh, các loại rau củ quả có màu tươi, đậm và nên lựa chọn ăn cá. Các thực phẩm này sẽ giúp tăng các chất chống oxy hóa cho cơ thể, tăng cường chất xơ hòa tan, khoáng chất, Omega-3…
Thiếu máu não nên uống gì? Người bệnh có thể sử dụng thêm các loại thảo dược hoặc các thực phẩm tốt cho mạch máu như: cây diếp cá, ginkgo biloba (một loại cao của lá cây bạch quả), rutin (hoa hòe), nattokinase (đậu tương lên men)… và các loại thảo dược tốt gan actiso, trái nhàu, cúc gai (kế sữa), diệp hạ châu, ngũ vị tử… Và một số loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ sung Omega-3, vitamin, khoáng chất…
Duy trì vận động và nên tập luyện 2-3 ngày/lần, mỗi lần tối thiểu 30 phút tùy theo thể trạng. Với những người mắc các bệnh lý về xương khớp nên lựa chọn đạp xe, bơi lội…
Ngủ đủ giấc và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Người bệnh nên vệ sinh giấc ngủ bằng cách tạo không gian thoáng mát, ánh sáng vừa đủ và âm nhạc phù hợp cho phòng ngủ. Bên cạnh đó nên tránh vận động mạnh quá mức hoặc xem những nội dung gây xúc động trước khi ngủ. Có thể ngâm chân nước ấm, tắm nước ấm và vận động nhẹ nhàng trước khi ngủ.
Điều trị và kiểm soát các bệnh lý nền bằng cách thường xuyên đo đường huyết, huyết áp hàng ngày. Kiểm tra chỉ số mỡ máu, chức năng gan thận định kỳ và các chỉ số HbA1C, chỉ số đông máu từ 2-3 tháng một lần. Nếu mắc các bệnh lý nền cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chú trọng đến sức khỏe tinh thần bằng cách tích cực giao lưu với bạn bè, hạn chế sử dụng mạng xã hội, dùng điện thoại giải trí nhiều hoặc xem tivi quá nhiều. Nên tham gia các hoạt động ở ngoài trời và tìm cách để tránh xa những lo âu, căng thẳng, stress.

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-dau-hieu-canh-bao-thieu-mau-nao-nen-biet-169240823143637971.htm