Những dấu hiệu sa tạng chậu, phụ nữ sau sinh cần đặc biệt lưu ý
Sa tạng vùng chậu (sa tạng chậu) ở phụ nữ là tình trạng các cơ ở vùng chậu bị suy yếu khiến một hoặc nhiều cơ quan trong vùng chậu (âm đạo, tử cung, bàng quang và trực tràng) bị chùng xuống. Khi bị sa cơ quan vùng chậu nếu không được điều trị, bệnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
NỘI DUNG
1. Sa tạng vùng chậu là gì?
2. Triệu chứng của sa tạng vùng chậu
3. Nguyên nhân sa tạng vùng chậu
4. Chẩn đoán sa tạng vùng chậu
5. Điều trị sa tạng vùng chậu
6. Phòng ngừa sa tạng vùng chậu
1. Sa tạng vùng chậu là gì?
Sa cơ quan vùng chậu là tình trạng sàn chậu (các cơ, dây chằng và mô hỗ trợ các cơ quan vùng chậu) trở nên quá yếu để giữ các cơ quan tại chỗ. Các cơ sàn chậu hoạt động giống như một chiếc đai chắc chắn hỗ trợ các cơ quan như âm đạo, tử cung, bàng quang và trực tràng. Nếu các cơ này trở nên quá lỏng lẻo hoặc bị tổn thương, các cơ quan mà chúng hỗ trợ sẽ dịch chuyển ra khỏi vị trí.
Với các trường hợp sa cơ quan vùng chậu nhẹ, các cơ quan quanh vùng chậu có thể giảm xuống. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, chúng có thể lan ra bên ngoài âm đạo và gây phình ra.
Sa cơ quan vùng chậu là một loại rối loạn sàn chậu, cùng với chứng tiểu tiện và đại tiện không tự chủ. Đôi khi những rối loạn khác này xảy ra cùng với sa cơ quan vùng chậu.
Các loại sa tạng vùng chậu khác nhau:
Mọi người thuộc mọi giới tính đều có thể bị sa cơ quan vùng chậu, nhưng nguy cơ mắc bệnh cao hơn là là phụ nữ khi sinh. Nam giới có thể bị sa bàng quang và sa trực tràng.
Loại sa vùng chậu mắc phải tùy thuộc vào điểm yếu của sàn chậu và cơ quan nào bị ảnh hưởng:
Sa thành trước âm đạo (bàng quang sa xuống): Các cơ sàn chậu phía trên âm đạo bị suy yếu có thể khiến bàng quang trượt ra khỏi vị trí và phình lên trên âm đạo. Sa thành trước âm đạo là loại sa cơ quan vùng chậu phổ biến nhất.
Thoát vị niệu đạo: Các cơ sàn chậu bị suy yếu có thể khiến ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể bị xệ xuống. Niệu đạo bị tụt thường kèm với bàng quang bị tụt.
Sa thành sau âm đạo (trực tràng sa xuống): Các cơ sàn chậu yếu ở giữa âm đạo và trực tràng có thể khiến trực tràng phình ra trên thành sau của âm đạo.
Sa ruột: Các cơ trong khung chậu bị suy yếu có thể khiến ruột non phình lên thành sau hoặc phần trên cùng của âm đạo.
Sa tử cung (tử cung sa xuống): Sàn chậu yếu có thể khiến tử cung sa xuống ống âm đạo.
Sa vòm âm đạo: Cơ sàn chậu yếu có thể khiến phần trên cùng của âm đạo (vòm âm đạo) sa xuống ống âm đạo.
2. Triệu chứng của sa tạng vùng chậu
Triệu chứng phổ biến nhất là cảm thấy âm đạo phình ra, như thể có thứ gì đó rơi ra ngoài. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Phình, đầy hoặc áp lực trong âm đạo
- Đầy, áp lực hoặc đau nhức trong xương chậu
- Nhức hoặc đau ở lưng dưới
- Áp lực, cảm giác va chạm hoặc đau khi giao hợp (chứng giao hợp đau).
- Phình hoặc áp lực nặng hơn trong suốt cả ngày.
- Phình hoặc áp lực trở nên tồi tệ hơn nếu ho hoặc nếu đứng quá lâu.
- Có máu ở âm đạo.
Các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí sa tử cung. Khi có các triệu chứng cần đi khám để xác định vị trí mà sàn chậu yếu nhất.
Tiểu tiện và đại tiện không tự chủ thường cùng tồn tại với sa cơ quan vùng chậu vì chúng có chung các yếu tố rủi ro. Các triệu chứng bao gồm:
Rò rỉ nước tiểu khi ho, cười hoặc tập thể dục (tiểu không tự chủ khi căng thẳng).
Thường xuyên muốn đi tiểu khó kiểm soát (tiểu không tự chủ).
Táo bón hoặc không thể kiểm soát khi bạn đại tiện (đại tiện không tự chủ).
3. Nguyên nhân sa tạng vùng chậu
Sàn chậu có thể yếu đi vì nhiều lý do và với phụ nữ làm tăng khả năng sa tử cung. Việc sinh con qua đường âm đạo là yếu tố phổ biến nhất liên quan đến việc sa cơ quan vùng chậu. Nhiều lần sinh thường, sinh đôi hoặc sinh ba hoặc mang thai lớn đều làm tăng khả năng cơ sàn chậu bị chấn thương có thể dẫn đến sa cơ quan vùng chậu.
Quá trình lão hóa có thể khiến cơ bắp mất đi sức mạnh, bao gồm cả cơ sàn chậu. Yếu tố suy giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh, cơ thể sản xuất ít estrogen hơn có thể khiến các mô liên kết hỗ trợ sàn chậu yếu đi.
Cơ thể nặng cân hơn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa cơ quan vùng chậu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thừa cân lâm sàng hoặc béo phì có nhiều khả năng phát triển sa cơ quan vùng chậu hơn những người có cân nặng bình thường.
Áp lực lâu dài trong khoang bụng có thể làm các cơ sàn chậu hoạt động quá sức, khiến chúng yếu đi. Táo bón mạn tính, ho mạn tính và thường xuyên khuân vác vật nặng đều làm tăng khả năng mắc bệnh sa cơ quan vùng chậu.
Sự bất thường của collagen có thể làm suy yếu các mô liên kết ở sàn chậu, làm tăng khả năng phát triển sa cơ quan vùng chậu. Những người bị rối loạn mô liên kết, như Hội chứng Ehlers-Danlos, và những người cử động khớp nhiều hơn có nguy cơ mắc sa cơ quan vùng chậu cao hơn.
Ngoài ra, nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh sa cơ quan vùng chậu có thể làm tăng khả năng mắc bệnh.
4. Chẩn đoán sa tạng vùng chậu
Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và thực hiện khám phụ khoa. Thông thường, khám phụ khoa là tất cả những gì cần thiết để chẩn đoán sa tử cung. Các xét nghiệm bổ sung có thể bao gồm:
Các xét nghiệm chức năng bàng quang giúp xác định các dấu hiệu của các vấn đề về tiết niệu thường gặp với sa cơ quan vùng chậu. Các xét nghiệm có thể bao gồm soi bàng quang để nhìn thấy bên trong bàng quang và niệu đạo, xét nghiệm niệu động lực học để xem bàng quang và niệu đạo lưu trữ và giải phóng nước tiểu tốt như thế nào.
Các quy trình chụp ảnh để xem bên trong khoang chậu, siêu âm sàn chậu hoặc chụp cộng hưởng từ để xác định mức độ sa tử cung.
5. Điều trị sa tạng vùng chậu
Bởi vì bất kỳ quy trình phẫu thuật nào cũng có thể gây rủi ro hoặc biến chứng, nên các quy trình không phẫu thuật thường là phương pháp điều trị đầu tiên cho sa cơ quan vùng chậu. Nếu các phương pháp điều trị không phẫu thuật không hiệu quả, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật.
Phương pháp điều trị không phẫu thuật:
Vòng nâng âm đạo: Một thiết bị silicon có thể tháo rời được đưa vào âm đạo để giữ bộ phận bị chảy xệ tại chỗ.
Bài tập sàn chậu (bài tập Kegel): Bài tập tăng cường sức mạnh cho sàn chậu dưới hướng dẫn của kỹ thuật viên có chuyên môn.
Phương pháp điều trị phẫu thuật:
Phẫu thuật có thể là một lựa chọn nếu các triệu chứng không được cải thiện bằng các phương pháp điều trị bảo tồn và nếu không còn muốn sinh con. Việc tiếp tục sinh con sau phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ sa trở lại.
Có hai loại phẫu thuật là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn và phẫu thuật tái tạo. Phẫu thuật cắt bỏ sẽ khâu kín thành âm đạo, ngăn không cho các cơ quan tuột ra ngoài. Phẫu thuật tái tạo sửa chữa những phần bị suy yếu của sàn chậu. Tùy vào mức độ mà bác sĩ thăm khám sẽ chỉ định nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật.
- Colpocleisis là một thủ thuật thu hẹp âm đạo hay khâu kín âm đạo nhằm làm hạn chế sự tấn công của vi khuẩn có hại, từ đó giúp phòng tránh viêm nhiễm âm đạo và bệnh phụ khoa. Tuy nhiên, phụ nữ sẽ không còn có thể có quan hệ tình dục đường âm đạo sau thực hiện thủ thuật này.
- Colporrhaphy điều trị sa bàng quang và sa trực tràng. Với mục đích chữa các tổn thương ở âm đạo và củng cố vách ngăn của trực tràng, cắt bỏ đoạn trực tràng dài hoặc đặt một mảnh ghép sau âm đạo. Thực hiện phẫu thuật qua âm đạo để củng cố thành âm đạo bằng chỉ khâu tự tiêu.
- Sacrocolpopexy - phẫu thuật để hỗ trợ tử cung hoặc âm đạo: Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ có thể sử dụng mô cơ thể của chính bạn hoặc lưới tổng hợp để giúp sửa chữa sa và nâng đỡ sàn chậu. Loại phẫu thuật này được khuyến khích cho những phụ nữ có quan hệ tình dục với tình trạng sa âm đạo hoặc tử cung nghiêm trọng. Phẫu thuật sa tử cung có thể được thực hiện qua ngả âm đạo.
6. Phòng ngừa sa tạng vùng chậu
Có nhiều nguyên nhân gây ra sa cơ quan vùng chậu nằm ngoài tầm kiểm soát. Nhưng có thể áp dụng các thói quen lành mạnh để giảm thiểu rủi ro:
- Thực hiện các bài tập sàn chậu hàng ngày: Việc kiểm soát cơ ở sàn chậu sẽ hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các cơ quan vùng chậu.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Ngăn ngừa táo bón: Táo bón mạn tính có thể làm căng cơ sàn chậu. Chọn chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước có thể giúp ngăn ngừa táo bón.
- Không hút thuốc: Hút thuốc có thể dẫn đến ho mạn tính, có thể gây áp lực quá mức lên khoang bụng và làm căng cơ sàn chậu.
- Bảo vệ sàn chậu khi nâng vật nặng: Nên nhờ sự giúp đỡ khi nâng vật nặng. Khi phải nâng vật nặng một mình, uốn cong hông và đầu gối để ngồi xổm trong khi giữ lưng càng thẳng càng tốt. Đừng vặn thân mình trong khi đang nâng. Định vị cơ thể đúng cách sẽ ngăn ngừa chấn thương cho lưng dưới và bảo vệ sàn chậu.