Những đề tài… nhặt
Làm nghề báo, có những đề tài được chuẩn bị công phu, có khi phải 'nuôi' cả vài tháng đến cả năm trời. Nhưng cũng có những lúc bâng quơ, phóng viên 'vấp' phải đề tài, như đối với tôi là trên đường về quê ăn Tết, lúc đi viện chăm bệnh, hay cả lúc đang đi tác nghiệp một đề tài khác…
Chuyến về Tết lãi “bạc triệu”
Làm việc xa quê chừng 250 cây số nên đa phần năm nào về quê đón Tết, tôi cũng tất bật với cuộc đua “canh xe, đặt vé”. Đầu năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh, tôi và em gái quyết định “phượt” xe máy về quê ăn Tết.
Khi đó dọc Quốc lộ 1A, từng tốp xe máy mang biển số Quảng Bình, Quảng Trị, thậm chí còn có nhiều tỉnh xa hơn như Nghệ An, Thanh Hóa… tấp nập trở về, sau xe là vali, ba lô, những túi quà Tết được cột chặt, phủ áo mưa cẩn thận. Dừng chân dọc đường, vẫn cẩn thận sau lớp khẩu trang che kín, mọi người hỏi thăm nhau, nhận đồng hương, nhập đoàn để chặng đường tới có người đồng hành.
Những khoảng nghỉ mươi, mười lăm phút dọc hành trình giúp tôi góp nhặt từng câu chuyện nhỏ cho bài viết khoảng 800 chữ trên số báo giấy Tiền Phong tất niên của năm Tân Sửu. Tôi vẫn đùa với bạn bè đồng nghiệp đó là chuyến về Tết đầu tiên lãi “bạc triệu”, vừa tiết kiệm được tiền xe khách, vừa có nhuận bút dằn lưng.
Những năm sau, tôi vẫn thường chạy xe máy về Tết, phần vì do dịch, phần vì thấy thoải mái hơn nhiều so với việc chen chúc trên xe giường nằm, phần vì đã có kinh nghiệm. Lộ trình những chuyến về Tết vẫn rong ruổi, không cố định, vượt đèo Hải Vân thay vì trung chuyển qua hầm, ghé thăm trường Quốc học cũ của tôi ở Huế, ghé trường Đại học Y – Dược Huế nơi em gái tôi theo học, vòng qua Thành cổ Quảng Trị… và “nhặt” thêm được mẩu tin, chùm ảnh.
Tết năm nay, tôi cũng chạy xe máy về quê. Thời điểm đó, “hoa hậu” linh vật mèo ở Quảng Trị đang rầm rộ trên facebook. Tôi dự định trên đường về quê ăn Tết sẽ ghé lại để check-in cho “bằng bạn bằng bè”. Ra đến huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), tôi hào hứng mở Google maps để tìm đường đến quảng trường thị trấn Ái Tử – nơi đặt linh vật mèo đang “hot”, dù vậy, vẫn lố mất một đoạn đường. Có một giây phân vân “hay thôi”, nhưng không biết thế nào, tôi vẫn quành lại dù đã qua cả cây số. Tôi cứ nghĩ chỉ mỗi mình “rảnh” mới tạt vào chụp ảnh, hóa ra đến nơi, cũng nhiều người… rảnh như mình!
Người dân địa phương xúng xính váy áo, người qua đường thì xếp gọn những chiếc xe lỉnh kỉnh đồ đạc bên vỉa hè, vắt tạm áo mưa lên xe rồi chen chật xếp hàng chụp ảnh. “Đề tài đây rồi”, đầu nảy số, tôi tác nghiệp nhanh bằng điện thoại, vừa chụp ảnh, vừa phỏng vấn người dân ghé thăm. Về đến nhà giữa buổi chiều, tôi làm ngay một chùm ảnh cho Tiền Phong điện tử, hút hơn 20 nghìn views.
Đề tài “đẻ” đề tài
Cũng là một dịp đang ráo riết làm báo Tết cách đây 5 năm, tôi và đồng nghiệp xuống Hội An. Hẹn nhân vật buổi chiều, nhưng hai chị em vẫn quyết vào từ sáng để dạo quanh phố Hội. Chúng tôi loanh quanh những con phố ở phường Minh An để kiếm chỗ ăn sáng. Thấy một dãy gian hàng ẩm thực, chị đồng nghiệp rủ tôi vào ăn cao lầu. Tôi cũng gật đầu “ăn cho biết”. Đang chờ chủ quán dọn món lên, tôi ngó nghiêng cửa hàng, thấy dòng chữ “cooking class” cùng với tấm bảng chi chít những dòng chữ tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Hàn, tiếng Trung nom giống như phản hồi của khách hàng.
Hỏi thăm chủ quán mới biết về dịch vụ dạy khách nước ngoài nấu món Việt, từ lúc đi chợ mua thực phẩm đến sơ chế, chế biến và thưởng thức. Thế là từ tô cao lầu ăn sáng, chúng tôi tác nghiệp đến tận trưa, chờ khách du lịch đi chợ về, trải nghiệm nấu ăn và tranh thủ phỏng vấn, chụp hình. Mấy hôm sau, phóng sự “Khách Tây đúc bánh xèo, nấu mì Quảng” đăng nguyên trang trên Tiền Phong nhật báo. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau rằng đó là “tô cao lầu lãi nhất quả đất”.
Cuối năm ngoái, gần dịp kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, một chị đồng nghiệp bên VOV rủ tôi đi viết bài về một thầy giáo ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Lúc đầu, tôi không “mặn mà” bởi nhân vật cũng có một vài báo đã khai thác. Nhưng vì đã hẹn trước nên tôi vẫn đi, trong đầu vẫn băn khoăn nên khai thác như thế nào để không đi vào lối mòn.
Chiều hôm đó, thầy giáo đang đứng lớp nên cô Đỗ Quyên - Giám đốc Trung tâm tiếp chúng tôi ở phòng họp. Sau này, ngẫm lại, tôi mới thấy đó là cơ duyên, cũng là sự may mắn. Trò chuyện với cô, tôi biết thêm nhiều hơn về mái trường chuyên biệt 30 năm lịch sử này.
Cô Quyên giới thiệu cho chúng tôi về những con người thầm lặng gắn bó với nơi đây, sinh ra trong nghịch cảnh, nhưng họ vượt lên và trở thành những người lái đò cho lớp lớp học sinh ở nơi này. Sắp xếp nhanh trong đầu, tôi xin số điện thoại của các thầy cô đó và nhờ cô Quyên kết nối để phỏng vấn. Với sự hỗ trợ của cô, tôi tìm đến những lớp học để tận thấy và lắng nghe câu chuyện của từng người.
“Nhặt” đề tài khi đưa em gái đi cấp cứu
Năm 2020, Đà Nẵng là tâm dịch của cả nước. Ngày thứ 2 thành phố bị phong tỏa, em gái tôi đau ruột thừa. 4h sáng, tôi chở em gái đi cấp cứu, đến hơn 8h, em gái tôi mới được một bệnh viện tư tiếp nhận chỉ vì có dịch tễ liên quan đến “ổ dịch” Bệnh viện Đà Nẵng. Sau khi phẫu thuật, em gái tôi phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) để chờ kết quả xét nghiệm COVID-19. Cũng nhờ vậy, em biết và nhắn cho tôi thông tin khi đoàn của Bộ Y tế khảo sát để chuyển bệnh nhân từ các ổ dịch Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C sang điều trị. Tôi nhanh chóng liên hệ với Giám đốc bệnh viện để xác minh và Tiền Phong là tờ báo đầu tiên đưa tin, bài về việc bệnh viện tư nhân “chia lửa” cùng thành phố trong tâm dịch. Sau đó, nhiều bệnh viện khác ở Đà Nẵng sẵn sàng “chia lửa” cùng thành phố, vừa hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nặng từ các bệnh viện nằm trong vùng cách ly, vừa đảm bảo điều trị cho các bệnh nhân có dịch tễ.
Nhưng không phải ai cũng dễ mở lòng, tôi phải vòng qua vòng về vài ba lượt để thuyết phục thầy Ba, nhân vật đã gắn bó với Trung tâm từ khi mới thành lập, là học sinh khóa đầu của Trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (tên cũ của Trung tâm). Thầy Ba ngại bởi mình không phải giáo viên đứng lớp mà chỉ là nhân viên phụ trách kỹ thuật, âm thanh của trường. Khi được hỏi về những lớp học đàn miễn phí vào mỗi tối cho học sinh, thầy cũng chỉ lắc đầu nguầy nguậy: “Có chi mô mà kể”. Nhưng mở lòng với tôi, câu chuyện của thầy cứ tiếp nối, khuôn mặt thầy rạng rỡ khi kể về các học trò cũ, có những người kiếm sống được nhờ “ngón đàn” mà thầy dạy vào những buổi tối sau giờ lên lớp, có những người bao năm ra trường đến mỗi dịp 20/11 đều ghé về thăm thầy.
Sau một buổi chiều ở Trung tâm, tối đó, tôi về bắt tay ngay vào viết bài, gạch đầu dòng đề cương chính cho 3 kì phóng sự. Bắt được mạch cảm xúc, tôi chỉ mất một ngày để viết 3 kì phóng sự “Những người lái đò đặc biệt” đăng trên báo Tiền Phong đúng dịp kỉ niệm ngày 20/11, và sau đó được trao giải Nhì - Giải báo chí TP Đà Nẵng năm 2022.
Sau chùm ảnh trên TPO, Phó Tổng TKTS Nguyễn Minh Tuấn nhắn tin đặt bài “hoa hậu mèo” cho báo in. Theo gợi ý, tôi viết bài sâu hơn. Và rồi trong số tất niên của Tiền Phong năm Quý Mão, tôi có bài viết hơn 1.000 chữ, ảnh “hoa hậu” mèo Quảng Trị lên “vơ đét” trên trang nhất. Đó là chuyến về quê đón Tết “lãi” nhất của tôi sau bao nhiêu năm làm nghề.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-de-tai-nhat-post1587100.tpo