Năm cửa ô: Hình ảnh năm cửa ô đã trở thành biểu tượng cho sự kiện giải phóng Thủ đô. Từ ngày 7 đến 9/10/1954, các đơn vị bộ đội đã qua cửa ô Cầu Giấy, Cầu Dền, Yên Phụ, Hàng Đậu và Thụy Khuê tiến vào Hà Nội. Trong ảnh, trước sự mong chờ của nhân dân Thủ đô, sáng 10/10/1954, cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên phong - Sư đoàn 308 từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Theo nhiều tài liệu, Hà Nội trước đây có 21 cửa ô. Nhưng cũng có các tài liệu sau này chép rằng Hà Nội có 15, 16 cửa ô. Theo thời gian, sau khi kinh đô chuyển vào Huế, các cửa ô của Hà Nội dần thay đổi hoặc mất đi. Đến cuối thế kỷ 19, hầu hết các cửa ô chỉ còn là tên gọi, chỉ duy nhất một cửa ô còn sót là ô Quan Chưởng. Năm 1906, chính quyền thực dân Pháp định phá cửa ô này, nhưng may mắn được trường Viễn Đông Bác Cổ can thiệp nên giữ được nguyên vẹn. Di tích Ô Quan Chưởng ngày nay nằm trên phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cầu Long Biên là một chứng tích lịch sử quan trọng của ngày Giải phóng Thủ đô. Ngày 20/7/1954, theo các điều khoản của Hiệp định Geneva, toàn bộ quân đội Pháp có 80 ngày để rút quân khỏi Hà Nội. Đến 16h ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên, sang phía Gia Lâm, để từ đó rút về Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô tiến lên đầu cầu Long Biên để tiến vào trung tâm, tiếp quản Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Cột cờ Hà Nội là di tích lịch sử diễn ra lễ chào cờ đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng. Theo đó, đúng 15h ngày 10/10/1954, lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày giải phóng Thủ đô diễn ra ngay sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ).
Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô và hàng vạn đồng bào. Đoàn quân nhạc cử Quốc ca. Còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh Cột Cờ, phấp phới tung bay. Tại lễ chào cờ lịch sử này, người dân Hà Nội lắng nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc) gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. (Ảnh tư liệu).
Nhà hát Lớn: Sau ngày Giải phóng Thủ đô, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi tổ chức kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa I - kỳ họp đầu tiên trong hòa bình của Thủ đô Hà Nội (ngày 20 đến 26/3/1955). Đây cũng là nơi người dân Hà Nội treo ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, băng rôn, biểu ngữ và cờ đỏ sao vàng đón chào đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô.
Phố Hàng Đào là con phố lịch sử, là nơi các tầng lớp nhân dân Hà Nội tề tựu đón đón chào đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Đoàn xe của Ủy ban Quân chính, Trung đoàn Thủ đô, các đoàn cơ giới và pháo binh cũng tiến vào trung tâm thành phố qua cung đường phố Hàng Đào. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Chợ Đồng Xuân: Theo các tài liệu, chợ Đồng Xuân là nơi đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt trong 60 ngày đêm Hà Nội chống thực dân Pháp xâm lược cuối năm 1946, đầu năm 1947. Nổi bật nhất trong đó là trận đánh chợ Đồng Xuân ngày 14/2/1947. Những trận chiến đấu này góp phần bảo vệ cho cơ quan Trung ương rút lui an toàn, sau đó đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, và Thủ đô Hà Nội được giải phóng hoàn toàn vào ngày 10/10/1954.
Ngọc Phương (T/h)