Những 'địa chỉ đỏ': Nơi giáo dục truyền thống cách mạng

Những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025, chúng tôi tìm về thăm những 'địa chỉ đỏ' - hành trình tìm về cội nguồn lịch sử hào hùng của dân tộc. Tham quan những 'địa chỉ đỏ' này không chỉ là hành trình khám phá lịch sử, mà còn là dịp để mỗi người học tập tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của cha ông, tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Di tích lịch sử đền - chùa Tự Lạc, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Xuân Trường.

Di tích lịch sử đền - chùa Tự Lạc, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Xuân Trường.

Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh

Đã nhiều lần đến thăm Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) nhưng lần nào trong tôi cũng có một cảm giác bình yên và xúc động xen lẫn tự hào. Đặc biệt, trong không khí ấm áp, vui tươi chào đón mùa Xuân mới, cùng các em học sinh Trường THCS Đặng Xuân Khu, chúng tôi thành kính dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Người.

Đồng chí Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 trong một gia đình giàu truyền thống khoa bảng, hiếu học. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh là nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chiến lược tài giỏi về chính trị, quân sự, nhà văn hóa, một trí thức lớn của dân tộc. Với tầm nhìn chiến lược và tài năng lãnh đạo, đồng chí Trường Chinh đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhà lưu niệm được xây dựng tại chính ngôi nhà nơi Tổng Bí thư Trường Chinh sinh ra và lớn lên, là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá, tái hiện lại cuộc sống giản dị nhưng đầy ý chí cách mạng của ông. Nơi đây đang lưu giữ những bức ảnh, hiện vật, tài liệu trưng bày tại đây kể lại câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Tổng Bí thư Trường Chinh, từ những ngày đầu tham gia cách mạng cho đến khi trở thành một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ những tư liệu quý giá về Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I), một sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Chính tại hội nghị này, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Nhà lưu niệm không chỉ là nơi để tưởng nhớ công lao của Tổng Bí thư Trường Chinh mà còn là địa điểm giáo dục truyền thống quý báu cho thế hệ trẻ. Tại đây, thế hệ trẻ được tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp hoạt động cách mạng của một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Thầy giáo Đặng Xuân Lục, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Xuân Khu đã chia sẻ, ngôi trường mang tên đồng chí Trường Chinh là một niềm tự hào lớn. Hàng năm, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động để giáo dục học sinh về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, qua đó hun đúc ý chí quyết tâm xây dựng đất nước. Với ý nghĩa lịch sử sâu sắc, Nhà lưu niệm đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Đền - chùa Tự Lạc - nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Xuân Trường

Đền - chùa Tự Lạc, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường), không chỉ là một công trình kiến trúc cổ kính mà còn là một chứng nhân lịch sử. Được xây dựng từ thế kỷ XI, đền - chùa Tự Lạc mang đậm dấu ấn kiến trúc truyền thống. Trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập, nơi đây đã trở thành nơi hội họp, bàn bạc chiến lược của các chiến sĩ cách mạng.

Tháng 9/1927, một dấu mốc quan trọng đã diễn ra tại chùa Tự Lạc khi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Xuân Trường được thành lập. Khi cách mạng ngày càng phát triển, tại chùa Tự Lạc, các đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng được chuyển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành động lực tập hợp, thu hút lực lượng quần chúng tạo nên bước chuyển biến mới quan trọng trong phong trào cách mạng, trở thành trung tâm hoạt động của Đảng trên mặt trận tại các huyện Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu.

Đồng chí Lê Văn Công, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thọ Nghiệp chia sẻ: Nhằm phát huy truyền thống của quê hương, Đoàn Thanh niên xã thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa của quê hương. Vào các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, Đoàn và địa phương hoặc khi tổ chức kết nạp đoàn viên mới, Đoàn Thanh niên đã tập hợp đoàn viên, thanh niên đến chùa Tự Lạc để ôn lại truyền thống, qua đó khơi dậy niềm tự hào, ý chí và khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Các tầng lớp nhân dân đến tham quan Khu lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu xã Hải Anh (Hải Hậu) - người con ưu tú của quê hương Nam Định.

Các tầng lớp nhân dân đến tham quan Khu lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu xã Hải Anh (Hải Hậu) - người con ưu tú của quê hương Nam Định.

Cây gạo cầu Cao - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Trực Ninh

Xã Trực Tuấn là nơi khởi nguồn phong trào cách mạng của huyện Trực Ninh. Năm 1928, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện được thành lập, gồm 3 thành viên do nhà giáo Phạm Gia - người quê Thanh Trì (Hà Nội) về dạy học và sớm tham gia hoạt động cách mạng làm chi hội trưởng. Nơi đây, cây gạo cổ thụ bên cầu Cao không chỉ là một biểu tượng của làng quê mà còn là nhân chứng lịch sử của một thời kỳ hào hùng. Vào một đêm tháng 12/1929, lá Cờ đỏ sao vàng đã lần đầu tiên tung bay phấp phới trên quê hương Trực Ninh. Sự kiện lá cờ đỏ tung bay trên cây gạo cầu Cao đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng của huyện Trực Ninh. Từ đó, tinh thần đấu tranh của nhân dân càng thêm quyết liệt. Đến tháng 8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp quê hương. Mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ Trực Ninh lại về đây dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Mỗi “địa chỉ đỏ” trên mảnh đất quê hương đều gắn liền với một sự kiện, những người con ưu tú của quê hương Nam Định, mốc son lịch sử trong quá trình đấu tranh của quân và dân trong tỉnh. Những "địa chỉ đỏ" đó không chỉ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, mà còn là nơi giáo dục truyền thống dân tộc, thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn của tuổi trẻ với những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên và nhất là thế hệ trẻ hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước, nhớ nguồn”, thường xuyên tu dưỡng, học tập và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/dat-nuoc-con-nguoi/202502/nhung-dia-chi-donoi-giao-duc-truyen-thong-cach-mang-770053d/