Mùa xuân đến với những tỷ phú cam Cao Phong

Một mùa xuân mới đã rạo rực trên những nhành non, lộc biếc với sắc thắm hoa đào mang theo bao ước vọng về một năm mới thịnh vượng. Trong không khí ấm áp của ngày đầu xuân, chúng tôi về Cao Phong, một huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình - nơi sinh ra rất nhiều tỷ phú nông dân cần cù, chịu khó.

Cao Phong được biết đến là một trong những vựa cam lớn nhất miền Bắc. Hiện nay, diện tích trồng cam của huyện tập trung nhiều nhất quanh thị trấn Cao Phong và xã Tây Phong, bao gồm cam Canh, cam lòng vàng, cam ruột đỏ, cam Valencia (cam V2), cam Xã Đoài...

Quả cam Cao Phong có mẫu mã đẹp, mọng nước, vị ngọt thanh mát đặc trưng và được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP khiến người tiêu dùng rất tin dùng, ưa chuộng. Giống cam này đã giúp cho mảnh đất Cao Phong từ chỗ chỉ là một huyện miền núi thuần nông trở thành một điển hình thành công trong việc phát triển cây trồng có múi của cả nước.

Kiếm tiền tỷ từ cam

Những ngày cận Tết, thị trấn Cao Phong như rộn ràng hơn, người dân tấp nập ra vườn thu hoạch cam, thương lái ở khắp nơi đổ về "buôn hàng". Sau cả năm bận rộn, nhiều du khách tìm đến Cao Phong để được thư thái trải nghiệm tận mắt thấy những vườn cam trĩu quả, xen lẫn những bông hoa trắng tinh khôi. Người dân ở thị trấn Cao Phong bận bịu hơn những ngày thường, bởi đây là khoảng thời gian “đếm tiền mỏi tay”.

Ông Phan Văn Tâm đang mải miết thu hoạch cam để kịp giao hàng cho thương lái.

Ông Phan Văn Tâm đang mải miết thu hoạch cam để kịp giao hàng cho thương lái.

Trong cái nắng vàng hanh kèm rét ngọt của những ngày cuối cùng năm 2024, ông Phan Văn Tâm (thị trấn Cao Phong) vẫn đang mải miết thu hoạch cam theo đơn hàng của thương lái. Thấy chúng tôi đến, ông dừng tay, rót chén nước trà nóng hổi mời khách và dí dỏm nói: "Dân các nơi vui đón tết, đón xuân, các chủ vườn cam vẫn căng mình ra chăm sóc vườn và thu hoạch - một sự bận bịu hạnh phúc".

Bóc những quả cam Canh mọng nước đầu vụ mời khách tại vườn, ông Tâm khoe: Gia đình ông có hơn 2 ha trồng cam các loại, với các giống chủ lực là cam Canh, cam lòng vàng trồng xen đã cho thu hoạch. Cứ 1 ha cam, sản lượng từ 25-30 tấn/vụ, tổng thu khoảng 700 triệu đồng.

Ngồi dưới gốc cây cam có tuổi đời khoảng 12 năm, ông Tâm kể: "Trước đây, khi chưa trồng cam, chúng tôi phải mưu sinh đủ nghề mà vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Sau khi chuyển đổi sang trồng cam, cuộc sống của những người dân trong vùng như “bước sang trang mới”.

“Trồng cam chỉ vất vả nhất ở khâu chăm sóc. Chúng tôi áp dụng mô hình áp dụng các giải pháp kỹ thuật xử lý, cải tạo đất, tạo quỹ đất an toàn phục vụ trồng tái canh cây cam. Các hộ tham gia được tập huấn về kỹ thuật xử lý đất, kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng bệnh, đảm bảo đầu ra chuẩn VietGAP cho sản phẩm. Khi đã nắm vững được quy trình kỹ thuật thì sẽ không còn là trở ngại với người nông dân. Đến thời điểm hiện tại, cây cam đã lại cho chúng tôi những "trái ngọt" - một nghề ổn định và lâu dài", ông Tâm bộc bạch.

Ông Tâm phấn khởi chia sẻ: "Nhờ tích cực tái canh, niên vụ 2024 – 2025 được mùa được giá, là niềm vui chung của những người trồng cam nơi đây".

Thông thường, mùa cam chín sẽ bắt đầu từ cuối tháng 9 năm trước và kéo dài đến hết tháng 4 năm sau. Dự kiến sản lượng thu hoạch tầm 70 - 80 tấn/niên vụ, gồm cả cam lòng vàng và cam đường Canh. Quả cam đường Canh có giá trị rất lớn ngoài thị trường, giá tại vườn dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, giá cam lòng vàng dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Năm nay, thời tiết thuận lợi để thu hoạch cam. Do hai tháng đổ lại không mưa nhiều, ngày nắng đêm sương rất tốt cho quả cam chín, độ ngọt được lên cao.

Mùa xuân cũng là mùa của cây cam đơm hoa, kết trái, nhưng ở Cao Phong còn có cả giống cam vừa đơm hoa mà vẫn đeo quả đó là giống cam Valencia. Màu trắng tinh khôi của hoa cam hòa với màu vàng rực của cam chín tạo nên bức tranh lộng lẫy, trữ tình.

Niên vụ 2024 – 2025, cam Cap Phong được mùa được giá, là niềm vui chung của những người nông dân.

Niên vụ 2024 – 2025, cam Cap Phong được mùa được giá, là niềm vui chung của những người nông dân.

Gặp anh Mừng (sinh năm 1979) hỏi về chuyện nông dân nơi đây đếm tiền mỏi tay, anh cười tủm và nói đầy ẩn ý: Quả là người trồng cam không thiếu tiền, nhưng để có được nông trường cam mở rộng như ngày nay, chúng tôi đã trải qua bao gian nan.

Anh Mừng kể, nhà ở TP. Hòa Bình, nhưng vườn của anh lại ở sâu trong núi. Nhà đẹp, xe hơi đề huề giữa phố thị, nhưng anh lại ở trong vườn là chính. Điều mà anh thấy ưng nhất là đánh thức được tiềm năng của đất Mường. Suốt nhiều năm ròng gắn bó với cây cam, với đất Mường nên anh hiểu được nỗi lòng của người trồng cam.

Anh Mừng chia sẻ: Những năm 2009 và 2010, giá cam còn ở mức thấp 5.000-6.000 đồng/kg, người làm cam có lãi chút ít. Khi đó rất ít người trồng, chỉ có những gia đình nào là con em của nông trường mới tham gia trồng cam. Mấy năm sau đó, giá cam đội lên gấp 5-6 lần, nhà nhà bắt đầu đổ xô vào trồng cam. Từ đây, đất Mường mới xuất hiện nhiều tỷ phú và anh Mừng là một trong số đó.

Vườn cam trĩu quả nhà anh Mừng đến ngày thu hoạch.

Vườn cam trĩu quả nhà anh Mừng đến ngày thu hoạch.

Cây cam rất hợp với thổ nhưỡng nơi đây, và có lẽ cộng với lòng nhiệt huyết của người trồng, nên phát triển rất tốt. Vùng đất xưa chỉ trồng mía, trồng ngô với hiệu quả thấp, nay nhờ bàn tay chăm sóc tận tình của người dân đã trở thành những “cỗ máy in tiền” đều đều. Có những thời điểm, cam Cao Phong có giá lên tới 80.000 đồng/kg, có những năm gia đình thu nhập lên tới hàng tỷ đồng. Giá cam niên vụ 2024 - 2025 có giảm hơn so với thời điểm trước đó, nhưng giá bán hiện nay vẫn mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Một cây cam cho thu vài triệu đồng không còn là chuyện lạ ở đất này.

Hiện nay, gia đình anh Mừng trồng được 11ha cam, cả mấy nghìn cây cam, cây nào cây nấy sai trĩu quả. Đủ loại: cam lòng vàng, cam Canh, cam V2… Vụ thu hoạch cam kéo dài tới 8 tháng ròng (từ tháng 10 cho đến tháng 5). “Trồng cam mà làm tốt là có tiền”, anh Mừng cho hay.

Du lịch sinh thái gắn với trồng cây ăn quả

Theo ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Hòa Bình, toàn huyện Cao Phong có 1800 ha cây có múi cả cam và bưởi, quýt, chanh, chiếm phần lớn là cây cam với diện tích 1500 ha. Trong năm 2024, địa phương duy trì sản lượng trên 105 nghìn tấn.

"Trong vòng 2 năm trở lại đây có nhiều diện tích tại địa phương đã được tái canh và đang ổn định, có xu hướng phát triển. Mục tiêu 1500 ha đến hết 2025 là hoàn toàn đạt được", ông Yến nhận định.

Đồng thời, ông cho biết: "Hiện nay, hàng trăm hộ dân Cao Phong có thu nhập từ hàng trăm triệu đồng/năm, mang lại đời sống khá giả cho các hộ dân. Có thể nói, cây cam là nguồn thu nhập chính đối với nhiều gia đình và nhiều gia đình trên địa bàn thị trấn đổi đời nhờ có cây cam".

Từ ngày được công nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong, cam Cao Phong tiếp tục khẳng định là sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Cứ mỗi năm qua đi, vùng đất Cao Phong lại xuất hiện thêm tỷ phú. Họ là những người đã đánh thức vùng đất tươi tốt của xứ Mường, tạo dựng những vườn cam bạt ngàn...

Hiện nay, người dân không chỉ đến trực tiếp huyện Cao Phong để mua cam, mà còn trải nghiệm du lịch sinh thái, hái cam tại vườn.

Người trồng cam mua biệt thự, xây bể bơi, ô tô hạng sang, tiện nghi đắt tiền, để hàng tỷ đồng làm quà hồi môn là chuyện thường. Họ là những vua cam - lớp nông dân mới biết tận dụng lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, có cách thức quản lý tổ chức sản xuất tốt đang hăng say lao động sản xuất, chan hòa, giàu lòng nhân ái là những điển hình xuất sắc làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.

Hiện nay, nhiều người dân thập phương không chỉ đến trực tiếp huyện Cao Phong để mua cam, mà còn trải nghiệm du lịch sinh thái, hái cam tại vườn. Như vườn cam nhà anh Mừng, ngoài thu hoạch, cứ cuối tuần lại đón nhiều đoàn khách tour tham quan, trải nghiệm một ngày làm nông dân tại đây.

Những cây cam lòng vàng, cam đường Canh tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đang vào mùa thu hoạch. Cây nào cũng sai trĩu quả, khiến ai cũng mê mẩn khi ghé vào thăm. Chị Nguyễn Thị Ngọc (35 tuổi), khách du lịch hào hứng chia sẻ: "Đến với huyện Cao Phong thời điểm cuối năm, tôi rất ấn tượng bởi nơi đây sở hữu nhiều giá trị của một miền quê đáng sống với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, cuộc sống bình yên, con người thân thiện. Đặc biệt, vào thời điểm này, nơi đây tràn đầy vị ngọt thơm, tươi mát của các loại cam”.

Anh Tuấn, một hộ dân có vườn cam rộng khoảng 5ha chia sẻ: "Việc phát triển du lịch xuất phát từ tâm lý muốn trải nghiệm cây ăn quả tại vườn của người dân. Ngoài giới thiệu về quy trình trồng, chăm sóc đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi cũng muốn du khách được trải nghiệm cảm giác thích thú khi đi thăm vườn cam, chụp những bức ảnh lưu niệm tại vườn cam chín. Vào vụ cam, trung bình mỗi ngày gia đình đón khoảng 10 đoàn khách".

Theo ông Ngô Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty truyền thông và du lịch Tây Bắc, vào mùa cam Cao Phong, nhiều nhà vườn vẫn có hoạt động cho du khách thăm quan và chọn mua cam tại vườn. Du khách tới Cao Phong dịp này sẽ có những trải nghiệm thú vị khó quên.

“Đến với Cao Phong dịp cuối năm, du khách có được trải nghiệm tuyệt vời khi ghé thăm vào vườn cam, tận mắt ngắm những chùm quả chín mọng, sai trĩu cành. Du khách cũng được cắt cam, rồi thưởng thức tại vườn. Đó là những trải nghiệm thật khó quên, khiến biết bao du khách tìm về mỗi khi Cao Phong vào mùa cam chín”, ông Tùng đánh giá.

Các gia đình ở Cao Phong giờ coi trồng cam là nghề chính, là nghề “đẻ” ra tiền. Với họ, mùa đẹp nhất trong năm cũng chính là mùa xuân, đơn giản vì đó là mùa thu hoạch lớn trong năm, được đón du khách tới thưởng lãm, trải nghiệm. Và khi ấy, hoa cam nở trắng một vùng. Cạnh đó là những vạt chanh đào có hoa màu tím, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của núi rừng xứ Mường - nơi bây giờ được mệnh danh “vùng đất tỷ phú”.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/mua-xuan-den-voi-nhung-ty-phu-cam-cao-phong-1104432.html