Những điểm mới về bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động

Sáng 17-5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách năm 2025 với chủ đề: 'Những điểm mới về bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động'.

Các chuyên gia giải đáp những vấn đề người lao động quan tâm. Ảnh: BTC

Các chuyên gia giải đáp những vấn đề người lao động quan tâm. Ảnh: BTC

Trong chương trình, các chuyên gia: TS Nguyễn Huy Khoa - Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn, Chi hội Luật gia Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; TS Đỗ Thị Lan Chi - Phó Trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, Trường Đại học Công đoàn; Luật sư Đặng Văn Thành - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã giải đáp các vấn đề người lao động quan tâm.

Các phản ánh tại buổi đối thoại cho thấy, những điểm sửa đổi và bổ sung trong chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện nay đang hướng đến mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia, nâng cao quyền lợi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn để người lao động tiếp cận các chế độ. Đây là bước tiến nhằm giúp công nhân, người lao động yên tâm cống hiến, có sự bảo vệ dài lâu, nhất là trong các tình huống khó khăn, như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hay nghỉ hưu.

Về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), lĩnh vực công thương có những đặc thù riêng, với nhiều công việc đòi hỏi sự cẩn trọng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn để tránh rủi ro trong quá trình làm việc.

Các quy định mới về an toàn lao động tập trung vào việc nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn, cải thiện điều kiện làm việc và tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm môi trường lao động an toàn, lành mạnh. Song, để các chính sách này thực sự đi vào thực tiễn, không chỉ cần sự tuân thủ từ phía các cơ quan quản lý và doanh nghiệp mà còn cần sự chủ động của người lao động trong việc bảo vệ chính mình.

Theo chuyên gia Nguyễn Huy Khoa, theo Luật BHXH và Luật ATVSLĐ, nếu tai nạn xảy ra do lỗi của người lao động, thì sẽ không gọi là bồi thường mà chỉ là hỗ trợ.

Đối với các trường hợp khác, sau khi giám định mức suy giảm khả năng lao động, quyền lợi được xác định như sau: Nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Từ 5-10% được bồi thường ít nhất 1,5 tháng lương. Từ 11-80%, cứ tăng thêm 1%, được bồi thường thêm 0,4 tháng lương. Từ 81% trở lên được bồi thường ít nhất 30 tháng lương.

Nếu tai nạn do lỗi của người lao động, thì đơn vị sử dụng lao động vẫn phải bồi thường tối thiểu 40% mức nêu trên, tương ứng với từng mức suy giảm.

Sau khi điều trị và phục hồi chức năng, nếu người lao động còn nguyện vọng tiếp tục làm việc, thì người sử dụng lao động phải bố trí công việc phù hợp.

Từ năm 2024, mức lương cơ sở không còn được áp dụng. Thay vào đó, quyền lợi sẽ được tính theo mức lương tham chiếu, phù hợp với định hướng cải cách tiền lương và BHXH.

Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định, trường hợp người lao động muốn trở lại làm việc, theo khoản 1 Điều 41, người sử dụng lao động phải trả tiền lương; đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong những ngày họ không được làm việc. Cùng đó, trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Ngoài ra, nếu người sử dụng lao động vi phạm quy định về thời hạn báo trước, họ phải trả thêm một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng trong những ngày không báo trước.

Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, người sử dụng lao động vẫn phải trả tiền lương, BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc; trả thêm cho người lao động ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Đồng thời, phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 để chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy trình.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhung-diem-moi-ve-bao-hiem-xa-hoi-an-toan-ve-sinh-lao-dong-702551.html