Tháo gỡ rào cản chính sách cho điện mặt trời trong khu công nghiệp

Nhu cầu sử dụng và mua bán điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp ngày càng cao, nhưng cần tạo không gian pháp lý linh hoạt cho các mô hình đầu tư sử dụng – mua bán phù hợp với thực tế sản xuất tại khu công nghiệp.

Với hơn 40.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong 381 khu công nghiệp và 700 cụm công nghiệp, Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn trong phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Kinh tế Trung ương, diện tích mái nhà xưởng trong khu công nghiệp có thể khai thác tới 12–20 GWp, tương đương công suất hơn 10 nhà máy nhiệt điện than lớn.

Điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí điện năng, mà còn tăng khả năng đáp ứng tiêu chí xanh từ các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, đây là nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với đặc thù sản xuất ban ngày tại các KCN, giảm áp lực lên lưới điện quốc gia và hỗ trợ mục tiêu an ninh năng lượng.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Ngọc Linh

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Ngọc Linh

Tại diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” tổ chức ngày 15/5, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ 4. Trong đó, Việt Nam tái khẳng định cam kết phát triển bền vững và trung hòa carbon vào năm 2050.

Về thể chế, hệ thống quy hoạch năng lượng và chính sách ngành đã tương đối đầy đủ, gần đây nhất là hai Nghị định số 57 và 58/2025 tạo hành lang pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp xanh hóa hoạt động sản xuất.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại diễn đàn.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại diễn đàn.

Theo ông Phòng, năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%, kéo theo nhu cầu điện tăng 1,5 lần. Quy hoạch điện VIII đã được điều chỉnh với tổng công suất nguồn điện dự kiến đạt 183–236 GW vào năm 2030, tạo áp lực rất lớn về đảm bảo an ninh năng lượng. Vì vậy, đẩy mạnh điện mặt trời áp mái trong KCN là giải pháp cấp thiết.

Không chỉ đối mặt với thách thức cung cầu điện, doanh nghiệp Việt còn chịu áp lực từ các hàng rào kỹ thuật xanh tại thị trường xuất khẩu. “Từ ngày 1/1/2026, cơ chế CBAM của EU sẽ chính thức áp dụng, yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải mua chứng chỉ carbon. Trong khi đó, việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ là căn cứ để giảm nghĩa vụ chi trả,” ông Phòng phân tích.

Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn tồn tại trên thị trường quốc tế buộc phải chuyển đổi xanh, trong đó sử dụng năng lượng sạch không còn là lựa chọn mà là điều kiện bắt buộc.

Doanh nghiệp muốn “xanh” nhưng thủ tục còn “đỏ”

Tại diễn đàn, ghi nhận về thực trạng của nhiều doanh nghiệp phản ánh “muốn làm nhưng không thể” do hệ thống pháp lý chưa theo kịp thực tiễn.

Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp – Những con số đáng chú ý:

- Tổng diện tích mái nhà trong các KCN: >140.000 ha.
- Tiềm năng công suất ĐMTMN nếu khai thác 20% diện tích: ~5.000 MWp.
- Số doanh nghiệp đã lắp đặt ĐMTMN: ~2.500 doanh nghiệp.
- Tổng công suất ĐMTMN trong KCN hiện nay: ~1.500 MWp

Một trong những vướng mắc lớn là việc chưa công nhận mô hình bên thứ ba đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái xưởng rồi bán điện cho khách thuê.

Đại diện Công ty Nam Tài Energy, phân tích: “Khách thuê xưởng thường không có quyền sở hữu mái, thời gian thuê ngắn nên khó đầu tư hệ thống điện mặt trời riêng. Nhưng chủ sở hữu nhà xưởng cũng không được phép lắp điện và bán lại cho khách thuê.”

Thực tế này khiến hàng chục ngàn m2 mái xưởng ở các KCN bị bỏ trống, lãng phí tiềm năng phát triển điện xanh. Các doanh nghiệp đề nghị cần có cơ chế đặc thù, trong đó cho phép chủ đầu tư hạ tầng KCN được tham gia DPPA với vai trò khách hàng lớn để mua điện tái tạo và bán lại nội bộ.

Mỗi khu công nghiệp cần được phát triển như một trung tâm năng lượng tự chủ.

Mỗi khu công nghiệp cần được phát triển như một trung tâm năng lượng tự chủ.

Về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) theo Nghị định 57/2025, ông Phan Công Tiến, chuyên gia Viện Nghiên cứu Ứng dụng Năng lượng Thông minh (iSEAR), cho rằng vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự khả thi.

Ví dụ, chỉ các khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện từ 200.000 kWh/tháng trở lên mới được tham gia DPPA, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ trong KCN vẫn có nhu cầu sử dụng điện tái tạo để đáp ứng tiêu chuẩn giảm phát thải, truy xuất nguồn gốc, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, quy định hiện chỉ cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên mua điện dư. Điều này khiến các đơn vị phân phối – bán lẻ điện nội bộ trong KCN không thể mua lượng điện tái tạo còn dư từ doanh nghiệp, dù họ có đầy đủ năng lực kỹ thuật và pháp lý để làm điều đó.

Ông Tiến nhấn mạnh: “Nên mở quyền mua bán điện dư trong nội bộ KCN. Việc chỉ cho phép EVN mua vào sẽ gây lãng phí lớn, hạn chế mô hình tự chủ năng lượng của KCN.” Ông Tiến nêu đề xuất bỏ quy định áp trần giá điện với cơ chế DPPA qua đường dây riêng: “Việc đặt trần chỉ nên áp dụng khi có dấu hiệu thao túng giá. Trong cơ chế DPPA, các bên hoàn toàn có thể tự đàm phán và lựa chọn nhà cung cấp, nên để thị trường quyết định.”

Ngoài ra, các quy định hiện hành cũng giới hạn công suất hệ thống ĐMT tự sản tự tiêu không được vượt quá phụ tải cực đại (Pmax). Theo ông Tiến, điều này không phù hợp với đặc tính của ĐMT – công suất phát thay đổi theo bức xạ và thời tiết – và cản trở việc đầu tư đi kèm hệ thống lưu trữ điện.

Một vấn đề khác khiến các nhà đầu tư e ngại là phương pháp tính khung giá phát điện cho ĐMTMN hiện vẫn áp dụng theo mô hình điện mặt trời mặt đất, trong khi chi phí đầu tư ĐMTMN (đặc biệt quy mô nhỏ) thường cao hơn đáng kể. Điều này dẫn đến thời gian hoàn vốn dài, giảm tính hấp dẫn của dự án.

Cuối cùng, để ĐMTMN thực sự trở thành lời giải cho “năng lượng xanh tại chỗ”, cần có hướng dẫn chi tiết từ các bộ ngành về quy trình đầu tư, đấu nối, vận hành, PCCC, môi trường… đảm bảo các chủ thể từ doanh nghiệp sản xuất, chủ đầu tư KCN đến bên thứ ba đầu tư đều có thể tham gia minh bạch, hiệu quả.

ĐMTMN trong KCN là một phần thiết yếu của chiến lược chuyển dịch năng lượng xanh tại Việt Nam. Nhưng để nguồn điện xanh này không tiếp tục bị “để dành trên mái”, cần tạo không gian pháp lý linh hoạt cho các mô hình đầu tư – sử dụng – mua bán điện phù hợp với thực tế sản xuất tại KCN.

Ngọc Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thao-go-rao-can-chinh-sach-cho-dien-mat-troi-trong-khu-cong-nghiep-41582.html