Những điểm nhấn trong tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XV

Trong tuần đầu tiên của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết nhiều nội dung quan trọng.

Trong tuần đầu tiên của Kỳ họp thứ 7, trên tinh thần làm việc khẩn trương, dân chủ, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất. Công tác nhân sự chính là một trong những nội dung quan trọng nhất của tuần làm việc đầu tiên cũng như của cả kỳ họp. Trong 3 ngày, từ 20/5 - 22/5, Quốc hội đã tiến hành quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội, bầu Chủ tịch Nước đúng theo các quy định của Hiến pháp. Kết quả bầu cử cho thấy, đã có sự thống nhất, đồng thuận rất cao của Quốc hội về hai lãnh đạo của đất nước. Việc Trung ương kiện toàn nhân sự về mặt Đảng và Quốc hội kiện toàn nhân sự về mặt Nhà nước là tín hiệu tích cực cho một giai đoạn ổn định mới để tiếp tục phát triển của đất nước.

Ngay những ngày đầu tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 Tô Lâm; Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 Trần Thanh Mẫn.

Tóm tắt tiểu sử đồng chí Tô Lâm

Tóm tắt tiểu sử đồng chí Tô Lâm

- 1974 - 1979: Học viên Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân)

- 1979 - 1988: Cán bộ, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an)

- 1988 - 1990: Phó Trưởng phòng, Tổng cục An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an)

- 1990 - 1993: Trưởng phòng, Tổng cục An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an)

- 1993 - 1997: Phó Cục trưởng, Tổng cục An ninh, Bộ Công an

- 1997 - 2006: Cục trưởng, Tổng cục An ninh, Bộ Công an

- 6/2006 - 12/2009: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an; tháng 4/2007 được thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng

- 12/2009: Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục An ninh I, Bộ Công an

- 02/2010 - 7/2010: Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương; tháng 7/2010 được thăng cấp bậc hàm Trung tướng

- 8/2010 - 01/2011: Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an

- 01/2011 - 7/2011: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an

- 8/2011 - 01/2016: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; tháng 9/2014 thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

- 01/2016 - 03/2016: Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an

- 04/2016 - đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XII, XIII); Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh; Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ; Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV; Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng (nay là Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực); giai đoạn 7/2016 - 10/2017 giữ chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và tháng 01/2019 được thăng cấp bậc hàm Đại tướng

- Ngày 22/5/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tóm tắt tiểu sử đồng chí Trần Thanh Mẫn

Tóm tắt tiểu sử đồng chí Trần Thanh Mẫn

- 7/1979 - 9/1980: Cán bộ Ban trường học huyện đoàn Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

- 10/1980 - 12/1982: Chánh Văn phòng Huyện đoàn Châu Thành, Ủy viên Ban Chấp hành, sau đó là Ủy viên Ban thường vụ Huyện đoàn Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

- 01/1983 - 12/1987: Phó Bí thư thường trực Huyện đoàn, Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn Châu Thành; Đại biểu HĐND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

- 01/1988 - 6/1994: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hậu Giang, sau đó làm Phó Bí thư tỉnh đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Cần Thơ, đại biểu HĐND tỉnh khóa IV; học cử nhân chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hệ chính quy.

- 7/1994 - 11/1999: Ủy viên UBND tỉnh, Ủy viên Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh Cần Thơ.

- 12/1999 - 12/2003: Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ.

- 01/2004 - 3/2008: Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Quận ủy Bình Thủy, đại biểu HĐND thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2004-2009. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- 3/2008 - 12/2010: Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.

- 01/2011 - 9/2015: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII thành phố Cần Thơ.

- 10/2015 - 3/2016: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII thành phố Cần Thơ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- 4/2016 - 6/2017: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy cơ quan, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị thành phố Cần Thơ.

- 7/2017 - 5/2018: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị thành phố Cần Thơ. Tại hội nghị Trung ương 7 ( khóa XII) được bầu vào Ban Bí thư Trung ương.

- 6/2018 - 9/2019: Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019, đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị thành phố Cần Thơ.

- 9/2019 - 4/2021: Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024, đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị thành phố Cần Thơ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII được tái cử Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị khóa XIII. Tại kỳ họp lần thứ 11 Quốc hội khóa XIV được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội.

- 5/2021- 4/2024: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, XV; Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Chủ tịch Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Lào.

- 5/2024 đến 19/5/2024: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XV.

Được Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV theo quy định.

- Ngày 20/5/2024: Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngoài ra, trong tuần đầu tiên của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội cũng cho ý kiến về các dự án Luật có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống dân sinh. Tại kỳ họp nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng đã được đưa ra.

Chiều 22/5, nêu ý kiến góp ý dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã dẫn số liệu trên thế giới chỉ 23 quốc gia cấm tuyệt đối, còn các nước xung quanh Việt Nam vẫn cho phép lái xe trong ngưỡng nồng độ cồn nào đó.

“Có đại biểu dẫn số liệu từ báo cáo cho thấy 90% tai nạn giao thông xảy ra do ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông chứ không phải do uống rượu, bia. Say xỉn lái xe mới không làm chủ được tay lái, còn có hơi chút xíu rượu thì làm gì mà không làm chủ được. Đa phần người dân ở nông thôn đều chạy bằng xe máy, họ làm gì có tiền đi xe dịch vụ. Nên cho phép có ngưỡng nào đó với lái xe máy theo quy định của luật Giao thông đường bộ năm 2008 là phù hợp, còn cấm tuyệt đối thì quá cứng nhắc”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhìn nhận.

Phát biểu chiều 25/5, báo cáo cuối phiên giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về các chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tưn Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc hoàn thiện thể chế phải căn cơ, đồng bộ, thống nhất; không phải để “một rừng” các vướng mắc như hiện nay. Các chính sách phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thống nhất, dễ làm và giám sát.

“Nhiều đại biểu nói rất thấm thía đã là đặc biệt thì phải có chính sách đặc biệt, thủ tục, quy trình đặc biệt, phải thế mới là đặc biệt. Chúng ta cứ làm thông thường thì hết giờ. Cái gì cũng phải xin cơ chế,” ông Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đặc biệt lưu ý tới việc phân cấp, phân quyền phải triệt để, kể cả giữa Trung ương và địa phương, giữa Quốc hội và Chính phủ. Còn như hiện nay, các danh mục dự án trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế phải trình đi trình lại nhiều vòng nên mất rất nhiều thời gian, không cần thiết.

Cũng phát biểu giữa hội Nghị về các cơ chế đặc thù, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho biết, tại Nghị quyết 43, trong một bối cảnh đặc biệt đã có những chính sách đặc biệt và qua giám sát cho thấy nhiều chính sách cũng phát huy tác dụng tốt có thể nhân rộng để áp dụng rộng rãi, như đơn giản hóa thủ tục trong khai thác mỏ hay đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi đất rừng đối với các dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, theo đại biểu, cơ chế chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh để đảm bảo tính kịp thời, còn trong bối cảnh bình thường cần áp dụng các quy định chung của pháp luật về đấu thầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch, không cho phép lợi dụng pháp luật.

Ngoài ra, từ những hạn chế mà các đại biểu Quốc hội nhìn nhận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cần rút ra bài học về cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. “Nếu có thể làm lại, cá nhân tôi cho rằng rất cần có trọng tâm trọng điểm, chúng ta không cần nhiều chính sách, nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt là cần đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thực sự cần gì và doanh nghiệp thực sự muốn gì”, đại biểu Lưu Mai nhấn mạnh.

Nội dung: Hà Lan

Thiết kế: Hải An

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/longform-nhung-diem-nhan-trong-tuan-lam-viec-dau-tien-cua-ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-88447.html