Những điểm nổi bật trong chính quyền đô thị tại TP. HCM

Năm 2021, UBND TP. HCM phân cấp, ủy quyền cụ thể cho chính quyền địa phương ở quận, TP. Thủ Đức, phường phù hợp với tổ chức chính quyền đô thị và khả năng thực tiễn của từng địa phương. Thực hiện việc chuyển Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên.

Chính quyền đô thị sẽ giúp TP. HCM phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: Thái Sơn

UBND TP. HCM vừa tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 33/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ33) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 (NQ131) về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. HCM.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14, nên các cơ quan, đơn vị phải đặc biệt chú trọng đến khâu thực hiện các nhiệm vụ; phân công rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành.

Theo Chủ tịch Phong, trong nhiệm kỳ 2021-2026, TP. HCM sẽ không tổ chức HĐND quận, phường tại 16 quận và 249 phường. Do đó, trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường sẽ nặng nề hơn. Đồng chí Nguyễn Thành Phong mong muốn cán bộ, công chức không xem đó là khó khăn, mà cần phải nỗ lực, tăng tốc mạnh mẽ hơn, làm tốt hơn các cơ chế, chính sách đã đề ra.

Tại hội nghị, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị tại TP. HCM phải đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý của chính quyền địa phương phù hợp với tính chất đặc điểm của đô thị tại TP. HCM.

Một trong những nội dung chính và mới liên quan đến mô hình chính quyền đô thị tại TP. HCM là thống nhất về chế độ công vụ, công chức giữa UBND quận, phường với TP. HCM. Cụ thể, công chức của UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thành phố thuộc TP. HCM (TP. Thủ Đức), do quận, TP. Thủ Đức quản lý, sử dụng.

"Các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận theo mô hình này không còn là cán bộ do HĐND bầu mà được chuyển sang công chức. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác… do Chủ tịch UBND TP. HCM quyết định. Ở cấp phường, chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường sẽ do Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm. Đây là bước chuyển biến mới về chế độ công vụ", ông Trần Anh Tuấn nói.

Điểm then chốt trong NQ131, NĐ33, tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển TP. HCM, theo ông Nguyễn Thành Phong, đó là: quyền đại diện, quyền dân chủ và quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được đảm bảo và duy trì ở mức độ cao như trước đây.

Bộ máy, cơ cấu tổ chức của các quận, phường được tinh gọn; cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương. Cùng với đó là góp phần cải cách hành chính.

Chính vì thế, khi tổ chức thực hiện chủ đề năm 2021 của TP. HCM - Năm thực hiện chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, phường, TP. Thủ Đức cần đề ra những mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư cao hơn so với mục tiêu chung của TP. HCM.

Đề cập đến TP. Thủ Đức – mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phân tích điểm mới so với các quận, huyện là trong các cơ quan chuyên môn giúp việc cho TP. Thủ Đức, có thêm Phòng Khoa học - Công nghệ.

Theo ông Trần Anh Tuấn, sứ mệnh của TP. Thủ Đức là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng cao, động lực phát triển không chỉ của TP. HCM mà còn cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, việc có thêm phòng này là rất cần thiết.

Tại TP. Thủ Đức, số lượng cấp phó của các cơ quan chuyên môn là 3, nhiều hơn so với quy định chung 1 người và điều này phù hợp đặc điểm, mục tiêu, chức năng, sứ mệnh của TP. Thủ Đức.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-diem-noi-bat-trong-chinh-quyen-do-thi-tai-tp-hcm-post127041.html