Những điểm nóng tài chính toàn cầu
Những ngày qua, thị trường tài chính toàn cầu dấy lên quan ngại về nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới sau khi một số ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu 'lâm nạn'. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo, các rủi ro liên quan ổn định tài chính không chỉ đến từ những ngân hàng 'xấu số' gần đây, mà còn tiềm ẩn trong gánh nặng nợ tại rất nhiều quốc gia khác.
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh cuối tuần qua, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã cảnh báo về tình trạng gia tăng những yếu tố rủi ro liên quan ổn định tài chính toàn cầu. Theo bà Georgieva, trong thời điểm nợ công cao hơn, sự chuyển đổi nhanh chóng từ một giai đoạn lãi suất thấp kéo dài sang giai đoạn lãi suất cao hơn nhiều (vốn cần thiết để giảm lạm phát) không thể tránh khỏi dẫn đến những áp lực và bất ổn.
Tổng Giám đốc IMF dự báo năm 2023 “bức tranh kinh tế thế giới” sẽ tiếp tục u ám, tăng trưởng toàn cầu giảm xuống dưới 3% do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, các chính sách thắt chặt tiền tệ và những hậu quả của đại dịch Covid-19. Bà Georgieva đánh giá bất ổn vẫn đang ở mức đặc biệt cao, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức yếu trong trung hạn.
Những bình luận nêu trên của người đứng đầu IMF được đưa ra trong bối cảnh các vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ và ngân hàng Credit Suisse tại Thụy Sĩ đã làm chao đảo hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, không chỉ bất ổn ngân hàng, khủng hoảng tài chính và “gánh nặng nợ công” cũng đang tạo nên những điểm nóng đáng lo ngại khác của kinh tế toàn cầu.
IMF cảnh báo Liban đang “trong tình trạng rất nguy hiểm”, một năm sau khi đưa ra các cam kết cải cách mà không thực hiện. IMF cũng kêu gọi chính phủ nước này ngừng vay tiền từ ngân hàng trung ương và nhà chức trách Liban cần đẩy nhanh thực hiện các điều kiện tiên quyết để được nhận gói cứu trợ 3 tỷ USD.
Một quốc gia khác cũng đối mặt khó khăn tài chính nghiêm trọng là Ukraine. IMF vừa đạt được thỏa thuận ở cấp chuyên gia với Ukraine về một gói hỗ trợ tài chính có thời hạn 4 năm, trị giá khoảng 15,6 tỷ USD.
Trong khi đó, tại Sri Lanka, nợ công và khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp tục là “căn bệnh kinh niên” của quốc gia này. Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành lại độc lập năm 1948 với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng, lạm phát phi mã và nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Do vỡ nợ quốc tế, đảo quốc với 22 triệu dân này cũng đang phải chịu mức thuế cao cho hàng hóa xuất, nhập khẩu, cùng nạn khan hiếm lương thực, thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác, cũng như tình trạng cắt điện mỗi ngày. Nền kinh tế Sri Lanka đã suy giảm tới - 7,8% vào năm ngoái.
IMF đã chấp thuận đề nghị của nước này về gói cứu trợ trị giá 2,9 tỷ USD với khoảng 333 triệu USD sẽ được giải ngân ngay lập tức. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IMF cho rằng nước này cần tiếp tục theo đuổi cải cách thuế và mở rộng mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo, cũng như đẩy mạnh chống tham nhũng - vốn là một trong những nguyên nhân gây khủng hoảng.
Một “điểm nóng” khác về khủng hoảng tài chính là Tunisia. Kinh tế nước này đã chìm trong khó khăn nhiều tháng qua và đây là một nguyên nhân làm gia tăng làn sóng di cư mới đổ về châu Âu. Italia đã thúc giục IMF giải ngân khoản vay 1,9 tỷ USD cho Tunisia. Các cuộc đàm phán về gói cứu trợ của Tunisia với IMF đã bị đình trệ trong nhiều tháng, với Mỹ và một số nước khác đòi hỏi Tổng thống Kais Saied phải cải cách sâu rộng để được giải ngân.
Không chỉ bất ổn ngân hàng, khủng hoảng tài chính và “gánh nặng nợ công” cũng đang tạo nên những điểm nóng đáng lo ngại khác của kinh tế toàn cầu.
Trước những khó khăn chính của hàng loạt quốc gia như trên, IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ấn Độ - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - sẽ tổ chức hội nghị bàn tròn tiếp theo về nợ công vào ngày 3/4 tới nhằm đẩy mạnh việc giảm nợ cho các quốc gia có nhu cầu, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nợ. IMF cho biết sau hội nghị này sẽ là cuộc họp cấp cao hơn bên lề Hội nghị mùa xuân của IMF và WB tại thủ đô Washington (Mỹ). Hội nghị bàn tròn trên được lên kế hoạch trong bối cảnh các thỏa thuận giải quyết nợ cho Zambia, Ghana và Ethiopia tiếp tục bị đình trệ.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới năm 2023 này vừa mới “chập chững” phục hồi, việc sớm phát hiện, cảnh báo rủi ro để xua đi mây đen khủng hoảng từ hệ thống tài chính toàn cầu như IMF đã làm nêu trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để ngăn chặn từ sớm, từ xa các cuộc khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng nợ, đòi hỏi không chỉ các định chế tài chính quốc tế như IMF hay WB theo dõi sát tình hình nợ công của các quốc gia, mà còn đòi hỏi chính phủ và ngân hàng trung ương các nước cũng phải quan tâm sức khỏe tài chính của các nền kinh tế.
Trong thế giới hội nhập sâu rộng ngày nay, cuộc khủng hoảng từ một quốc gia, thậm chí một ngân hàng thương mại, cũng có thể tạo “hiệu ứng domino” và châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn khu vực.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-diem-nong-tai-chinh-toan-cau-post745000.html