Những điểm sáng phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

Tại Hội nghị Cán bộ Văn hóa toàn quốc năm 2023 ngày 28.8, nhiều điển hình tiên tiến trong phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể, đã được chia sẻ, có thể là kinh nghiệm quý cho các địa phương khác.

Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù

Sau khi dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống. Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi đầu về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh.

Nghệ An tích cực thành lập các câu lạc bộ dân ca ví, giặm nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Nguồn: Báo Nghệ An

Nghệ An tích cực thành lập các câu lạc bộ dân ca ví, giặm nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Nguồn: Báo Nghệ An

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh Trần Hữu Hùng cho biết, trước thực trạng các câu lạc bộ quan họ bị mai một, việc đầu tư thiết chế, cơ sở vật chất đặc thù, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ Bắc Ninh được coi là nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh. “Đến nay, Bắc Ninh đã xây dựng được 11 nhà chứa quan họ (nhà thực hành quan họ). Hệ thống nhà chứa quan họ đã đi vào vận hành và thu được kết quả tốt, phục vụ sinh hoạt gắn với loại hình dân ca quan họ của địa phương và là điểm đến của khách du lịch”.

Gắn bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số với phát triển du lịch thông qua xây dựng các mô hình bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số cũng là hướng đi được Yên Bái lựa chọn. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái Lê Thị Thanh Bình, tỉnh đang xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 để xác định giải pháp tổng thể cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Đề án đã xác định những mục tiêu cụ thể cho công tác bảo tồn di sản văn hóa trong đó có dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số thông qua các giải pháp thiết thực như: xây dựng và phát triển mô hình đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số, tôn vinh các nghệ nhân, đẩy mạnh truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.

Yên Bái quan tâm triển khai chính sách tôn vinh nghệ nhân, tạo động lực khuyến khích lực lượng này tiếp tục cống hiến cho công tác truyền dạy di sản văn hóa. Tỉnh cũng đầu tư kinh phí cho các lớp truyền dạy văn nghệ dân gian. Cụ thể năm 2021 - 2022, Yên Bái triển khai hỗ trợ 15 lớp truyền dạy trong lĩnh vực di sản phi vật thể với tổng số tiền là 669,9 triệu đồng. Năm 2022 có 10 lớp truyền dạy được thụ hưởng chính sách với kinh phí 446,4 triệu đồng, trong đó có các lớp truyền dạy nghề chế tác, biểu diễn khèn Mông, hát Khắp Cọi; dân ca, dân vũ dân tộc Tày, dân tộc Cao Lan, dân ca Thái (Khắp Thái).

Khai thác giá trị văn hóa đặc sắc địa phương

Mô hình bảo tồn, truyền dạy bài chòi gắn với phát triển du lịch tại Hội An, Quảng Nam; mô hình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” gắn với phát triển du lịch tỉnh Gia Lai; mô hình phát triển câu lạc bộ dân ca ví, giặm và tập huấn, truyền dạy hát dân ca đều có chung cách khai thác giá trị văn hóa đặc sắc địa phương để bảo tồn, phát triển văn hóa.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh chia sẻ, chỉ trong thời gian ngắn, gần 140 câu lạc bộ dân ca ví, giặm tại 21 huyện, thị, thành phố trong tỉnh được thành lập. Đặc biệt, tại các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu… ngoài đặc trưng văn hóa của dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu... địa phương cũng thành lập các câu lạc bộ dân ca ví, giặm. "Đây là cơ sở tiền đề thực hành di sản, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời khai thác được giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng”.

An Giang sở hữu nghệ thuật đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, tỉnh đã xây dựng Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2027. Trong đó, hình thành và duy trì hoạt động 12 đội đờn ca tài tử chuyên thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ với các nòng cốt thực hiện lưu giữ, quảng bá, thực hành kỹ năng thể hiện 20 bài bản tổ.

An Giang cũng tích cực tổ chức các liên hoan, giao lưu, trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử cấp tỉnh, cấp huyện, tạo cơ hội cho các nghệ nhân trao đổi kinh nghiệm và kiến nghị với các cơ quan, các cấp chính quyền những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang sẽ triển khai tổ chức biểu diễn đờn ca tài tử với hình thức minishow tại các khu, điểm du lịch để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử, tạo điểm nhấn đặc sắc nhằm phát triển du lịch địa phương...

Có thể thấy các địa phương đều nhận thức được giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể mà mình đang sở hữu; quan tâm, có cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn; đồng thời chú trọng khai thác giá trị văn hóa đặc sắc ấy để phục vụ phát triển du lịch.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/nhung-diem-sang-phat-huy-gia-tri-van-hoa-gan-voi-phat-trien-du-lich-i341441/