Những điểm tựa của Việt Nam trong đại thương chiến
Tăng trưởng kinh tế chỉ tính bằng vài phần trăm như trước đây có thể dựa vào rất nhiều yếu tố để tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu muốn tăng trưởng hai con số trong bối cảnh mới, Việt Nam cần tập trung phát triển các sản phẩm có hàm lượng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo cao, theo các chuyên gia.

Lời tòa soạn: Chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ đối với các nước xuất khẩu hàng hóa vào nước này được xem như châm ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh thương mại ở quy mô toàn cầu. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, kim ngạch xuất khẩu bằng 200% tổng sản phẩm quốc nội. Do vậy, chắc chắn việc bị xếp vào nhóm nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất, lên đến 46%, sẽ khiến nền kinh tế của chúng ta đối mặt rất nhiều sức ép, ảnh hưởng nghiêm trọng mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên năm nay và trong dài hạn.
Trong bối cảnh thế giới đại thương chiến, cấu trúc kinh tế toàn cầu đang định hình lại. Các quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, đang đối mặt rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc kinh tế và xác lập mô hình tăng trưởng mới để thích ứng bối cảnh trật tự kinh tế thế giới thay đổi.
Tiếp tục chủ đề “Việt Nam khi thế giới đại thương chiến”, Đài Hà Nội tổ chức tọa đàm “ĐẠI THƯƠNG CHIẾN và cơ hội TÁI CẤU TRÚC KINH TẾ”, với sự tham gia của TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam và ông Phạm Minh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI).

Tăng trưởng kinh tế chỉ tính bằng vài phần trăm như trước đây có thể dựa vào rất nhiều yếu tố để tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu muốn tăng trưởng hai con số trong bối cảnh mới, Việt Nam cần tập trung phát triển các sản phẩm có hàm lượng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo cao, theo các chuyên gia.

PV: Trên thực tế, nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng được đặt ra từ Đại hội XI của Đảng năm 2011, tức cách đây 14 năm. Quốc hội cũng thông qua đề án cấu trúc tái cơ cấu kinh tế năm 2021, trong đó đã đặt ra các vấn đề thời sự như chúng ta đang nói hiện nay. TS. Lê Duy Bình nhận định thế nào về tiến trình tái cấu trúc kinh tế và xác định mô hình tăng trưởng trước đây và hiện nay?
TS. Lê Duy Bình: Từ Đại hội XI, chúng ta nỗ lực tái cơ cầu kinh tế và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Ví dụ như: khu vực kinh tế tư nhân hiện nay đã đóng góp hơn 50% cho GDP. Đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư của toàn xã hội cũng đã gia tăng, chiếm tỷ lệ đáng khích lệ hơn 60%. Nó lớn hơn nguồn vốn đầu tư từ FDI và đầu tư công.
Chúng ta cũng thấy rằng, thị trường nội địa đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong tổng cầu của nền kinh tế, chứ không còn nhỏ với sức mua thấp. Những ngành như nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng tăng ở trong giá trị xuất khẩu. Chúng ta có gần một triệu doanh nghiệp đang hoạt động tích cực trong cung ứng dịch vụ sản phẩm cho thị trường trong nước, đồng thời phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng cơ cấu kinh tế đang bộc lộ nhiều hạn chế và cần phải đẩy mạnh tái cấu trúc. Chẳng hạn như doanh nghiệp FDI vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu, trong khi sản xuất đang phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Cũng như ông Phạm Minh Thắng đã chia sẻ, năng lực của các doanh nghiệp trong nước trong ngành công nghiệp phụ trợ vẫn còn khá hạn chế. Mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI trong hoạt động xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng rất hạn chế.

Doanh nghiệp FDI vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu.
Từ câu chuyện thuế đối ứng khiến chúng ta phải nhìn nhận rằng, hoạt động xuất khẩu đang phụ thuộc rất lớn vào một số thị trường, trong đó có thị trường Mỹ. Ngoài ra, chúng ta cũng nhập khẩu rất lớn từ một thị trường để phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này đặt ra rất nhiều vấn đề về tính tự chủ và có thể tạo ra những cái “cớ” để tạo ra căng thẳng thương mại.

Tuy nhiên, những hạn chế trên cũng sẽ tạo ra động lực để đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cấu trúc nền kinh tế cũng như xác lập mô hình tăng trưởng mới. Tôi nghĩ rằng, kim chỉ nam là xây dựng nền kinh tế tự cường, độc lập, tự chủ trên nhiều phương diện.
Thứ hai, chúng ta phải đặt mục tiêu chuyển dịch từ một nền kinh tế dựa nhiều vào nhân tố sản xuất và những lợi thế hiện không còn nữa như: lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, tiêu chuẩn môi trường hoặc tiêu chuẩn lao động trước đây đặt ra thấp thì nay không còn là yếu tố cạnh tranh. Chúng ta phải chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên hiệu quả, năng suất, đổi mới sáng tạo, hấp thụ và phổ biến công nghệ mới.
Tôi nghĩ đây là hai kim chỉ nam quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, khi thương chiến bùng nổ, chúng ta phải điều chỉnh tất cả hoạt động, kể cả về thu hút, khuyến khích đầu tư, chú trọng hơn hoạt động đầu tư tư nhân trong nước và thị trường nội địa. Thị trường nội địa rất quan trọng khi có gần 100 triệu dân. Do vậy, sản phẩm nội địa sẽ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Chúng ta không chỉ chạy đua kim ngạch xuất khẩu, mà phải chạy đua giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất, chế biến để xuất khẩu. Giá trị gia tăng sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều so với con số gia tăng kim ngạch xuất khẩu hằng năm.
PV: Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền móng cho một nền sản xuất có giá trị gia tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng. Vậy, đâu là điểm nghẽn chính khiến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa thể đột phá?
Ông Phạm Minh Thắng: Chúng ta đã có bước phát triển cả về quy mô cũng như chiều sâu về sản xuất, công nghệ và giá trị, song không được như kỳ vọng.
Bối cảnh đón làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất đặt ra một số vấn đề. Thứ nhất, chúng ta phát triển công nghiệp hỗ trợ thì quan trọng là hỗ trợ ai? Như TS. Lê Duy Bình vừa nói, thời gian qua, chúng ta tập trung phục vụ các doanh nghiệp FDI. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu chúng ta có nhiều doanh nghiệp nội địa đầu chuỗi như: Thaco, Vinfast thành công trong lĩnh vực ôtô hay TH, Vinamilk trong lĩnh vực thực phẩm… Đây là những mô hình trong phát triển các doanh nghiệp đầu chuỗi. Doanh nghiệp đầu chuỗi phát triển sẽ tạo ra không gian cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Bên cạnh đấy, cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tạo ra các cụm liên kết và chuỗi liên kết ngành. Nó giúp tối ưu hóa hợp tác, thời gian, logistics.

Hiện nay, chúng ta có các cụm công nghiệp và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau nhưng rất tản mát và không tạo ra được sức mạnh tổng hợp, ví dụ: các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, khuôn gá, các doanh nghiệp logistics… Ngoài ra còn có bài toán nghiên cứu và phát triển, chủ động nguyên vật liệu. Đây cũng là vấn đề rất thách thức, đặc biệt là lĩnh vực nguyên vật liệu gắn với các ngành khoa học cơ bản và các đầu tư tương đối lớn. Hiện nay, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi nguyên vật liệu như kim loại, luyện kim phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.
Ở đây cũng có bài toán nhân sự, phải giải quyết cách thức tổ chức sản xuất và công nghệ thay đổi rất nhanh. Chúng ta cần đội ngũ nhân sự không chỉ là những người trực tiếp vận hành, mà gồm cả giám sát và quản lý. Họ có thể học hỏi nhanh chóng để làm chủ và dẫn dắt các xu hướng mới về công nghệ, sản phẩm cũng như văn hóa trong tổ chức. Tôi nghĩ rằng đấy là một số điểm nghẽn cần khơi thông để tạo ra các động lực mới cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như công nghiệp hỗ trợ.


PV: Cụ thể, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) đề xuất giải pháp và kiến nghị gì để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ?
Ông Phạm Minh Thắng: VASI nhất quán các kiến nghị Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Thứ nhất, phải tăng cường đầu tư và phát triển doanh nghiệp nội địa đầu chuỗi để mở ra chuỗi giá trị và cung ứng mới do Việt Nam làm chủ với các sản phẩm, thiết kế và sản xuất ở Việt Nam.
Thứ hai, chúng tôi kiến nghị tăng cường, phát triển các cụm liên kết và chuỗi giá trị được liên kết. Chúng ta đã có chính sách từ rất lâu rồi nhưng việc thực thi hiện nay còn rất hạn chế. Đây cũng là điều kiện để tối đa hóa lợi thế trong ngành, giúp tối thiểu hóa chi phí và thời gian trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm và thực hiện sản xuất.

Thứ ba là nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo. Đây là động lực rất lớn không chỉ đối với kinh tế nói chung mà còn với công nghiệp hỗ trợ. Bởi vì, khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo ngày càng trở thành nguồn lực và động lực cho việc phát triển của ngành sản xuất.
Thứ tư là tháo gỡ các nút thắt liên quan chất lượng nguồn nhân lực, khơi thông liên kết giữa cơ sở sản xuất sử dụng nhân lực và cơ sở đào tạo. Chúng ta cần có các bước chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong tương lai, định hướng từ phổ thông, các trường nghề, trường đào để tăng cường sự sẵn sàng tham gia lực lượng lao động.
Chúng tôi cũng tiếp tục làm việc với cơ quan hữu quan về các chính sách đặc biệt, trong đó có thuế, hoàn thuế. Đây là hai khía cạnh rất nhạy cảm đối với công nghiệp hỗ trợ. Chúng tôi phải đầu tư, mua sắm rất nhiều máy móc, thiết bị. Do vậy, các chính sách ưu đãi thuế, thuế giá trị gia tăng đối với các phần mua sắm và hoàn thuế rất quan trọng.
PV: Trong bối cảnh thương chiến và trật tự thế giới đang thay đổi theo hướng hỗn loạn và khó dự đoán hơn hơn, nội lực được xem là yếu tố then chốt để chúng ta đứng vững. Vậy, nội lực quan trọng nhất của nền kinh tế một quốc gia nằm ở đâu?
TS. Lê Duy Bình: Như ông Phạm Thắng đã đề cập, tôi nghĩ rằng nội lực lớn nhất và cũng là điểm tựa lớn nhất cho nền kinh tế của chúng ta nằm ở con người, đó là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực cùng với thể chế tốt sẽ tạo ra nội lực lớn giúp chúng ta trụ vững trong bối cảnh trật tự kinh tế thế giới thay đổi theo hướng hỗn loạn. Sự ổn định của môi trường chính trị, kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách tạo ra niềm tin không chỉ cho các doanh nghiệp ở trong nước mà còn đối với doanh nghiệp, đối tác nước ngoài.
Các doanh nhân của chúng ta cũng rất tuyệt vời khi trụ vững trong thời gian diễn ra COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sức chống chọi của các doanh nghiệp cũng đã được nâng cao lên rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, đây là điểm tựa rất lớn để giúp doanh nghiệp định hình lại những gì đang diễn ra trên toàn cầu và xác định chiến lược thời gian tới.
Mỗi người chúng ta với tư cách người tiêu dùng cũng sẽ có những biện pháp để đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế một cách tự nguyện. Cụ thể, chúng ta sẽ tiêu dùng có trách nhiệm hơn như việc lựa chọn mặt hàng của doanh nghiệp sản xuất thay vì hàng nhập khẩu với giá trị tương đương.

Mỗi người đều cần có ý thức vươn lên, dù trọng trách lớn hay nhỏ đều có thể đóng góp cho nền kinh tế này. Đây cũng là điểm tựa rất lớn cho nền kinh tế của chúng ta.
Ông Phạm Minh Thắng: Tôi rất đồng tình với quan điểm của TS. Lê Duy Bình về nguồn nhân lực. Tôi chỉ muốn bổ sung một chút, đó là khoa học - công nghệ và đội mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng khi thay đổi động lực tăng trưởng từ lượng sang chất.

Về lâu dài, đây sẽ là một nguồn lực cơ bản và tạo ra sự khác biệt rất lớn trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển ngành chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Nếu tăng trưởng kinh tế chỉ tính bằng vài phần trăm thì có thể dựa vào rất nhiều yếu tố tác động. Nhưng trong bối cảnh mới, tăng trưởng tính bằng hai con số thì phải tập trung phát triển năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và đối mới sáng tạo. Đây là đòn bẩy rất quan trọng của nền kinh tế cũng như các ngành công nghiệp.
PV: Xin trân trọng hai vị khách mời đã tham gia tọa đàm của Đài Hà Nội.
TCSX: Trần Nam, Hoàng Hợp
Biên tập: Minh Hoàn
Đồ họa: Thanh Nga