Những diễn biến chính tại cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu
Từ ngày 6 đến 9/6 tới, gần 400 triệu công dân Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành bỏ phiếu để bầu ra các thành viên của Nghị viện Châu Âu (MEP), đánh dấu một trong những sự kiện bầu cử lớn nhất trên toàn cầu với một số diễn biến đáng chú ý.
Pháp
Diễn biến gây bất ngờ nhất trong khuôn khổ cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu diễn ra tại Pháp khi liên minh Besoin d’Europe lãnh đạo bởi Đảng Renaissance của Tổng thống Emmanuel Macron bị Đảng National Rally cực hữu của bà Marine Le Pen đánh bại. Hiện đảng National Rally đang được dự đoán sẽ giành được 32% trong số 81 ghế của Pháp tại Nghị viện Châu Âu - nhiều gấp đôi so với đảng của ông Macron ở ngưỡng 15%.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Macron đã kêu gọi một cuộc bầu cử lập pháp sớm hơn thời hạn quy định. Cuộc bầu cử này dự kiến sẽ được tiến hành trong hai vòng vào 30/6 và 7/7. Nếu Đảng National Rally hoặc một đảng khác giành được đa số trong Quốc hội, ông Macron sẽ buộc phải đề cử một người đảng đó vào vị trí thủ tướng. Thủ tướng sau đó sẽ được giao nhiệm vụ chọn các bộ trưởng nội các.
Đức
Tại Đức - quốc gia sở hữu nhiều ghế nhất (96) trong số 720 ghế của Nghị viện châu Âu, liên minh cầm quyền, lãnh đạo bởi Đảng Social Democrats của Thủ tướng Olaf Scholz đang ghi nhận kết quả tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ khi chỉ giành được 14% số phiếu bầu.
Đảng Alternative for Germany (AfD) cánh hữu được dự đoán sẽ về ở vị trí thứ 2 với 15% số phiếu bầu. Trong khi đó, khối bảo thủ bao gồm Đảng Christian Social Union (CSU) và Đảng Christian Democratic Union (CDU) vẫn duy trì vị thế là đảng mạnh nhất của Đức ở Brussels trong khi hướng tới cuộc bầu cử của quốc gia này dự kiến vào mùa thu năm 2025.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen là thành viên của Đảng Christian Democratic Union.
Hungary
Thủ tướng Hungary Viktor Orban ghi nhận thêm một chiến thắng bầu cử khác khi Đảng Fidesz của ông dự kiến sẽ giành được 43% số phiếu bầu, theo ước tính từ Nghị viện châu Âu.
Italy
Đảng Brothers of Italy của Thủ tướng Giorgia Meloni được dự báo sẽ tăng gấp đôi số ghế trong Nghị viện châu Âu kể từ cuộc bầu cử năm 2019 và giúp bà có thêm sức nặng trong việc tác động tới các chính sách tại EU. Nước này sở hữu 76 ghế trong Nghị viện châu Âu.
Trong khi đó, Đảng Dân chủ đối lập trung tả đứng thứ 2 trong cuộc bỏ phiếu, tiếp theo là đảng đối lập chính còn lại tại Italy là Đảng 5-Star.
Slovakia
Trong khuôn khổ cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu tại Slovakia, Đảng Progressive Slovakia thân phương Tây đã giành được 27,8%, tương đương 6 ghế trong Nghị viện Châu Âu. Đảng Smer của Thủ tướng Robert Fico theo sau với 24,8%, tương đương 5 ghế trong khi Đảng Republic với quan điểm muốn Slovakia rời NATO, đứng thứ 3 với 12,53% số phiếu bầu và thành công giành được 2 ghế trong Nghị viện Châu Âu.