Những điều bỏ ngỏ trong đề xuất của ông Trump về việc Mỹ tiếp quản Gaza

Đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc để Mỹ tiếp quản Gaza đã khơi lại câu hỏi làm sao để mang lại hòa bình, ổn định cho dải đất này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4-2 đã khiến cả thế giới sửng sốt khi đưa ra đề xuất để Mỹ tiếp quản Gaza và sơ tán người Palestine khỏi dải đất này để xây dựng "Riviera của Trung Đông" (ám chỉ một khu vực dành cho nghỉ dưỡng).

Theo tờ The New York Times, đề xuất của ông Trump có vẻ phi thực tế và kỳ lạ, nhưng ông Trump lại đang chỉ ra một điều bị nhiều bên phớt lờ trong thời gian dài, đó là một Gaza an toàn, hòa bình, thậm chí là thịnh vượng trong tương lai.

"Đề xuất của ông Trump về Gaza vấp phải sự hoài nghi, phản đối và mỉa mai, nhưng theo cách riêng, ông ấy đặt ra một câu hỏi thực sự: Phải làm gì khi 2 triệu thường dân ở trong một khu vực đổ nát, đầy thuốc nổ và chết chóc?" – cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ Gérard Araud lên tiếng về đề xuất của ông Trump để Mỹ tiếp quản Gaza.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 4-2. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 4-2. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Khuấy động lại vấn đề bỏ quên

Việc xây dựng một Gaza hòa bình, ổn định là điều từ lâu được nhiều bên mong muốn, đặc biệt là từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra vào ngày 7-10-2023. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu đã nhiều lần né tránh câu hỏi này khi không đưa ra câu trả lời cụ thể về việc bên nào sẽ quản lý Gaza hậu xung đột.

Ông Chuck Freilich – cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Israel – cho rằng đề xuất của ông Trump hôm 4-2 để Mỹ tiếp quản Gaza có vẻ kỳ quặc và không khả thi, nhưng "nó không khác gì một sự thiết lập lại lịch sử của nhiều thập niên trí tuệ ngoại giao. Nó có thể buộc các bên phải xem xét lại các lập trường đã tồn tại từ lâu, khuấy động mọi thứ một cách mạnh mẽ và dẫn đến những cơ hội mới".

Ông Trump cũng đề cập đến việc sơ tán người dân Gaza đến Ai Cập và Jordan. GS nghiên cứu xung đột Lawrence Freedman cho rằng điều này khó có thể làm được nhưng nó đã phản ánh góc nhìn của ông Trump.

"Ông Trump là người không muốn có những cam kết quân sự mới và giờ ông ấy muốn sơ tán 2 triệu người không muốn đến những nơi không muốn có họ. Tuy nhiên, ông Trump đã đưa ra cách giải quyết một vấn đề thực sự, về cách tái thiết Gaza. Điều quan trọng với ông Trump là chọn ra những vấn đề thực sự và không tránh né những vấn đề" – ông Freedman nêu quan điểm.

 Người dân Gaza dọn dẹp nhà của họ tại miền bắc dải đất hôm 2-2. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Người dân Gaza dọn dẹp nhà của họ tại miền bắc dải đất hôm 2-2. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Những điều còn bỏ ngỏ

Trong cuộc họp báo với ông Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 4-2, dù ông Trump đề cập nhiều vấn đề về Gaza nhưng ông đã không đề cập đến một trong những vấn đề chủ chốt liên quan vận mệnh Gaza, đó là Hamas.

Ông Trump đã nói rõ rằng ông không muốn cuộc chiến tại Gaza bắt đầu lại lần nữa, nhưng ông dường như cũng không có câu trả lời cho cách đánh bật Hamas khỏi Gaza – một điều kiện tiên quyết để dải đất này nhận được sự giúp đỡ từ nhiều chính phủ Ả Rập và được tái thiết.

Đề xuất của ông Trump để Mỹ tiếp quản Gaza cũng đề cập về khả năng để quân nhân Mỹ đến Gaza nhưng theo The New York Times, để duy trì hòa bình để cho phép quá trình tái thiết và tái định cư diễn ra suôn sẻ, Gaza có thể sẽ cần đến hàng chục ngàn quân Mỹ trong ít nhất 10 năm.

Tuy nhiên, Hamas cũng đã nói rõ rằng họ sẽ không di dời đi đến đâu cả. Sau đề xuất của ông Trump, ông Basem Naim – thành viên của cơ quan chính trị Hamas – cho rằng với sự ủng hộ của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Netanyahu đã không thành công trong việc sơ tán người dân Gaza, thì với sự ủng hộ từ chính quyền mới của Mỹ, phía Israel cũng sẽ không làm được điều này.

Hamas cũng đã đề xuất kế hoạch thành lập một "ủy ban hành chính" để quản lý Gaza với các bên khác, bao gồm các nước Ả Rập và Chính quyền Palestine. Tuy nhiên, ủy ban này được cho là chỉ là vỏ bọc hình thức, cho phép Hamas duy trì quyền kiểm soát an ninh và giảm bớt trách nhiệm của họ trong việc quản lý dân sự.

Ông Michael Milshtein – nhà phân tích các vấn đề Palestine – cho biết khi ông đề cập việc sơ tán người dân Gaza trong cuộc thảo luận với các đồng nghiệp người Jordan, Ai Cập, vùng Vịnh và Palestine thì dường như không ai hứng thú, “vì Hamas sẽ không sẵn sàng di tản khỏi Gaza và tôi không thể tìm thấy một quốc gia hoặc nhà lãnh đạo Ả Rập nào sẵn sàng chấp nhận lượng lớn người sơ tán đến quốc gia họ”.

Ông Tom Phillips – cựu Đại sứ Anh tại Israel và Saudi Arabia – cho rằng đề xuất này cũng đe dọa đến sự ổn định của Jordan và Ai Cập, hai đồng minh quan trọng và có lịch sử quan hệ ngoại giao lâu đời với Israel.

 Các thành viên Hamas trong đợt thả con tin Israel hôm 1-2. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Các thành viên Hamas trong đợt thả con tin Israel hôm 1-2. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ông Milshtein cho biết Jordan hiện có lượng lớn người Palestine đang sinh sống tại quốc gia này và việc Jordan chấp nhận thêm người tị nạn Palestine "sẽ làm suy yếu vương quốc".

Về phía Ai Cập, dù nước này có diện tích lớn hơn Jordan và từng tiếp nhận một số người dân Gaza trong cuộc xung đột đang diễn ra nhưng theo ông Milshtein, việc cho phép "hàng trăm ngàn người ủng hộ Hamas vào Ai Cập" là điều không thể tưởng tượng được.

Trong đề xuất hôm 4-2 để Mỹ tiếp quản Gaza, ông Trump cũng không làm rõ tương lai của giải pháp hai nhà nước. Đề xuất của ông Trump cũng chưa nhắc nhiều về vấn đề nổi bật nhất trong thời điểm hiện tại ở Gaza: liệu Israel và Hamas có thành công trong việc vượt qua giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn này để tiến tới giai đoạn thứ hai khó khăn hơn nhiều hay không.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-dieu-bo-ngo-trong-de-xuat-cua-ong-trump-ve-viec-my-tiep-quan-gaza-post833311.html