Những điều cần biết để giữ cơ thể bạn an toàn khi trời quá nóng

Chuyên gia cảnh báo khi nhiệt độ cơ thể bạn tăng lên trên 40 độ C hoặc cao hơn, đây là lúc các cơ chế của cơ thể bắt đầu suy yếu.

Người dân trùm kín tránh nắng nóng khi di chuyển tại Varanasi (Ấn Độ) ngày 16/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân trùm kín tránh nắng nóng khi di chuyển tại Varanasi (Ấn Độ) ngày 16/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn trên khắp thế giới. Các nhà khoa học nghiên cứu hiện tượng nóng lên toàn cầu cho biết những đợt nắng nóng hiện nay đều mang dấu ấn của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Biến đổi khí hậu, chủ yếu do con người đốt nhiên liệu hóa thạch, đang khiến thời tiết trên toàn cầu trở nên khắc nghiệt hơn, và phần lớn sự thay đổi đó liên quan đến nhiệt độ. Tại Mỹ, nắng nóng khiến nhiều người tử vong hơn bất kỳ thảm họa nào liên quan đến thời tiết.

CNN dẫn ý kiến chuyên gia diễn giải những gì xảy ra với cơ thể bạn khi thời tiết quá nóng, cụ thể như sau:

Điều gì xảy ra với cơ thể bạn

Theo Tiến sỹ Judith Linden, Phó Chủ tịch Điều hành Khoa Cấp cứu tại Trung tâm Y tế Boston và là Giáo sư Khoa Cấp cứu tại Trường Y khoa của Đại học Boston, cho biết thông thường cơ thể bạn quen với một phạm vi nhiệt độ nhất định, thường là từ 97-99 độ F (36-37 độ C).

Khi não bạn cảm nhận được sự thay đổi - thấp hơn hoặc cao hơn mức đó - nó sẽ cố gắng giúp cơ thể bạn hạ nhiệt hoặc nóng lên.

“Có một số cách khác nhau mà (não) cố gắng giúp cơ thể làm mát. Cách phổ biến nhất là bạn đổ mồ hôi” - Linden nói. “Các lỗ chân lông mở ra, cơ thể đổ mồ hôi và mồ hôi bốc hơi, làm mát cơ thể.”

Cách thứ hai để cơ thể bạn tự làm mát là giãn mạch và tăng nhịp tim, giúp đưa nhiệt và máu lên “bề mặt” cơ thể và giải phóng lượng nhiệt dư thừa đó.

Khi bạn tiếp xúc với nhiệt độ cao, cơ thể bạn sẽ khó theo kịp quá trình làm mát. Và nếu môi trường của bạn nóng và ẩm, mồ hôi sẽ không dễ dàng bốc hơi. Điều này đẩy nhiệt độ cơ thể bạn lên cao hơn nữa - theo Mayo Clinic.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết nhiệt độ cơ thể cao có thể gây tổn thương não và các cơ quan quan trọng khác, cũng có thể dẫn đến một số bệnh liên quan đến nhiệt.

Các loại bệnh liên quan đến nhiệt

Linden cho biết trong số các bệnh nhẹ liên quan đến nhiệt, chuột rút do nhiệt là phổ biến nhất. Hiện tượng này có thể xảy ra ở những người đổ nhiều mồ hôi, bao gồm cả lúc tập thể dục.

Theo CDC, đổ mồ hôi quá nhiều sẽ “tiêu thụ” hết muối và độ ẩm của cơ thể và có thể dẫn đến đau cơ hoặc co thắt, thường là ở bụng, cánh tay hoặc chân.

 Một người đàn ông uống nước giải nhiệt dưới trời nắng nóng tại Ronda, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một người đàn ông uống nước giải nhiệt dưới trời nắng nóng tại Ronda, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ thể cũng có thể phát ban do nhiệt. Đó là tình trạng kích ứng da do đổ mồ hôi quá nhiều trong thời tiết nóng ẩm, và phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Nó thường là một cụm mụn nhọt hoặc mụn nước màu đỏ - có xu hướng nổi lên ở cổ, ngực trên hoặc khuỷu tay.

Khi cơ thể bắt đầu vượt quá khả năng tự làm mát, bạn có thể bị kiệt sức vì nóng.

“Trong trường hợp này, bạn sẽ thấy mình đổ mồ hôi quá nhiều vì cơ thể cố gắng theo kịp lượng nhiệt tăng thêm đó. Bạn sẽ cảm thấy choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu. Da của bạn trở nhợt nhạt và mạch sẽ đập nhanh” - Linden cho biết. “Đây là nỗ lực cuối cùng của cơ thể để làm mát trước khi thực sự rơi vào trạng thái không thể cứu chữa.”

Sốc nhiệt là căn bệnh liên quan đến nhiệt nghiêm trọng nhất và nếu không được điều trị có thể dẫn đến tử vong. Linden cho biết: “Đó là lúc nhiệt độ cơ thể bạn tăng lên trên 104-105 độ F (40-40,5 độ C) hoặc cao hơn, và đây là lúc các cơ chế của bạn bắt đầu suy yếu.”

Theo CDC, các dấu hiệu cảnh báo có thể bao gồm nhiệt độ cơ thể cực cao, da đỏ và khô, mạch nhanh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn hoặc mất ý thức.

Linden cho biết dấu hiệu của say nắng là sự bối rối và kích động. “Vì vậy, khi ai đó ở trong môi trường nóng và trở nên bối rối và kích động, bạn cần gọi 911 (số điện thoại khẩn cấp ở Mỹ) hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức và đưa người đó ra khỏi nơi có nhiệt độ cao.”

Ai có nguy cơ cao nhất?

Người già, người mắc bệnh mãn tính cũng như trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng liên quan đến nhiệt độ cao hơn.

CDC cho biết người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính có thể ít cảm nhận và phản ứng với những thay đổi về nhiệt độ hơn. Họ cũng có thể đang dùng thuốc và điều này khiến tác động của nhiệt trở nên tồi tệ hơn.

“Những người rất trẻ cũng vậy, vì họ ít có khả năng nhận ra các bệnh liên quan đến nhiệt và họ ít có khả năng thoát khỏi môi trường nóng khi bắt đầu cảm thấy quá nóng” - Linden nói. "Trong thời tiết này, bạn tuyệt đối không bao giờ được để trẻ em trong xe dù chỉ một phút."

Làm sao để giữ an toàn?

Khi đối mặt với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, bạn có thể làm một số điều để giữ an toàn cho bản thân và những người khác.

Trước tiên, hãy để mắt đến các triệu chứng kiệt sức vì nóng hoặc các bệnh khác. “Nếu ai đó bắt đầu cảm thấy choáng váng, chóng mặt, buồn nôn hoặc đau đầu, thì đó là lúc phải hành động ngay lập tức” - Linden nói. “Cần đưa họ ra khỏi nơi nóng và vào môi trường mát mẻ.”

 Người dân làm mát tại một đài phun nước trong ngày nắng nóng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 9/6/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân làm mát tại một đài phun nước trong ngày nắng nóng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 9/6/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

“Cho người có triệu chứng uống nước và truyền dịch giúp hạ nhiệt. Nếu ai đó bắt đầu mất ý thức hoặc buồn nôn hoặc nôn, hãy gọi 911. Nếu bạn thấy bất kỳ ai có bất kỳ biểu hiện nhầm lẫn nào, đó là dấu hiệu cảnh báo ngay lập tức."

Khi trời nóng, bạn hãy cố gắng tránh các hoạt động ngoài trời - đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 11h trưa đến 3h chiều. Nếu bạn phải ra ngoài, hãy mặc quần áo sáng màu, đội mũ và uống nhiều nước.

Đừng đợi đến khi khát mới uống nước - vì đó có thể là dấu hiệu mất nước. Linden khuyên bạn nên uống ít nhất một cốc nước mỗi giờ. “Nếu bạn bắt đầu cảm thấy choáng váng, chóng mặt, đổ mồ hôi, mạch đập nhanh, hãy ra khỏi nơi nóng ngay lập tức” - Linden nói.

Theo Ready.gov, hãy cố gắng tìm nơi có máy lạnh hoặc những nơi trong khu vực bạn có thể đến để giữ mát. Ngay cả việc dành vài giờ trong trung tâm mua sắm hoặc thư viện công cộng cũng có thể giúp ích.

Khi bạn ở nhà, quạt có thể giúp ích, nhưng đừng coi đó là cách duy nhất để làm mát. Quạt có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng không giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến nhiệt.

“Nếu bạn ở trong một căn phòng siêu nóng, nếu bạn có quạt, thì nó có hữu ích không? - Không. Nếu bạn có quạt phun sương thì có thể hữu ích” - Linden nói. “Quạt không phải là giải pháp hoàn hảo.”

Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng bạn hỏi thăm hàng xóm, cha mẹ và bạn bè - đặc biệt là những người lớn tuổi có thể đang sống một mình, Linden cho biết./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-dieu-can-biet-de-giu-co-the-ban-an-toan-khi-troi-qua-nong-post960635.vnp