Những điều cần biết về quy trình chạy thận nhân tạo

Thận là một trong những cơ quan quan trọng của cơ thể có chức năng loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa, cân bằng nước và khoáng chất trong máu, kiểm soát huyết áp và giúp sản xuất các tế bào hồng cầu. Người bệnh sẽ bị tổn thương và suy thận nếu thận không thể thực hiện một trong những chức năng trên.

Khi chức năng thận bị suy giảm, khả năng lọc máu cũng kém đi, dẫn đến các chất độc và dịch tích tụ trong cơ thể gây rối loạn các cơ quan. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Ở những người bị suy thận, tổn thương thận cấp tính hoặc chấn thương, chạy thận là phương pháp lọc máu thường được áp dụng bên cạnh phương pháp lọc màng bụng.

Ở kỹ thuật này, máu của người bệnh sẽ được đưa ra một bộ lọc bên ngoài cơ thể, làm nhiệm vụ giống như thận là làm sạch máu và sau đó máu được đưa trở lại cơ thể người bệnh. Chạy thận có thể được thực hiện tại bệnh viện, cơ sở lọc máu hoặc ngay tại nhà.

Tùy vào tình trạng suy thận, tổn thương thận mà tần suất chạy thận ở những người bệnh có thể không giống nhau. Song, hầu hết bệnh nhân phải duy trì chạy thận cho đến khi kiểm soát được bệnh.

Bệnh nhân được bác sĩ lọc máu

Bệnh nhân được bác sĩ lọc máu

Với người bị suy thận, tổn thương thận nặng, chạy thận nhân tạo là một trong những bước điều trị quan trọng. Bệnh nhân sẽ nhận được nhiều lợi ích từ mỗi lần chạy thận nhân tạo như: loại bỏ được chất độc và dịch thừa khỏi cơ thể, hồi phục sức khỏe, tăng cảm giác thèm ăn, ngủ ngon. Từ đó chất lượng cuộc sống cũng tốt hơn.

Số liệu khảo sát mới nhất của Hội Lọc máu Việt Nam cho thấy, nước ta có khoảng 30.000 người bệnh suy thận cần lọc máu, chiếm 0,031% dân số. Cả nước hiện có hơn 5.000 máy thận nhân tạo với hơn 400 đơn vị lọc máu. Với điều kiện trang thiết bị hiện có, nước ta mới đáp ứng 30% nhu cầu điều trị lọc máu.

Quy trình chạy thận nhân tạo bao gồm nhiều khâu kỹ thuật và cần theo dõi lâu dài. Nếu không thực hiện đúng cách, người bệnh có thể đối mặt với nhiều rủi ro. Để chuẩn hóa những bước thực hiện, tránh các biến chứng trong buổi lọc, quy trình chạy thận nhân tạo cần được đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế và do bác sĩ chỉ định.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhung-dieu-can-biet-ve-quy-trinh-chay-than-nhan-tao-250670.htm