Những điều kiện cần về trạm kiểm định khí thải xe máy theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải
Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước tiến mới trong việc kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông, đặc biệt là mô tô và xe gắn máy. Theo quy định, tất cả các xe máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải tại các trạm kiểm định chuyên biệt trước khi được phép lưu thông.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa gửi văn bản lấy ý kiến từ các bộ, ngành và doanh nghiệp liên quan nhằm hoàn thiện dự thảo "Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới".
Nghị định mới này sẽ thay thế nhiều văn bản cũ, nhằm phù hợp với Luật Đầu tư 2020 và Luật Trật tự, ATGT đường bộ 2025, quy định mô tô, xe gắn máy là nhóm phương tiện cơ giới phải kiểm định khí thải.
Theo đó, xe máy phải được cấp tem chứng nhận đạt tiêu chuẩn khí thải để được tham gia giao thông. Các trạm kiểm định sẽ là nơi thực hiện nhiệm vụ kiểm định, cấp tem chứng nhận, cấp giấy phép hoạt động, các trạm phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và tổ chức.
Một trong những điều kiện quan trọng là yêu cầu về cơ sở vật chất. Cụ thể, trạm kiểm định khí thải xe máy phải có diện tích mặt bằng tối thiểu 35m². Mỗi vị trí kiểm định trong trạm cần có không gian ít nhất 6m². Trạm cũng phải có các khu vực riêng biệt dành cho kiểm định, bãi để xe và văn phòng (đối với các cơ sở kiểm định lưu động, văn phòng không bắt buộc).
Bên cạnh đó, các trạm phải trang bị các thiết bị kiểm định khí thải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật do Bộ GTVT ban hành. Thiết bị đo khí thải cần được kiểm định và hiệu chuẩn thường xuyên để đảm bảo độ chính xác và hiệu quả trong quá trình kiểm tra.
Về nhân lực, mỗi trạm kiểm định khí thải xe máy phải có ít nhất một đăng kiểm viên đã được cấp chứng chỉ kiểm định bởi cơ quan quản lý đăng kiểm. Nhân viên này chịu trách nhiệm kiểm định và cấp tem chứng nhận khí thải cho các phương tiện.
Ngoài ra, trạm kiểm định phải xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả để duy trì hoạt động ổn định, thực hiện việc kiểm định, thu phí dịch vụ, báo cáo dữ liệu theo quy định. Các trạm cần đảm bảo hoạt động liên tục ít nhất 8 giờ mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần, đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân.
Dự thảo nghị định cũng quy định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành các quy định về giá dịch vụ kiểm định khí thải. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm ban hành quy chuẩn về thiết bị đo khí thải, đồng thời tổ chức kiểm tra và hiệu chuẩn các thiết bị này.
Ở cấp tỉnh, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở GTVT quản lý việc thành lập và vận hành các trạm kiểm định. Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng các Sở GTVT địa phương sẽ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động kiểm định khí thải.